Chị Trần Thị Nga: Vượt lên chính mình để trở thành đầu bếp chuyên nghiệp
Tôi gặp và có cảm tình ngay với người phụ nữ này bởi vẻ đôn hậu, hiền lành nhưng không kém phần tháo vát của một đầu bếp lành nghề trong Cuộc thi Món ăn ngon lần thứ I của tỉnh Tiền Giang và chị đã đoạt giải Ba với món “Gỏi cá lóc đồng” ở bảng nấu ăn chuyên nghiệp.
Đầu bếp Trần Thị Nga (bên phải) nhận giải Ba với món ăn “Gỏi cá lóc đồng”. |
Sinh ra tại TP. Mỹ Tho (nay là khu phố 2, phường 10), nhưng tuổi thơ của chị Trần Thị Nga (sinh năm 1955) lại vất vả mưu sinh trên sông nước. Ba bỏ má lúc đứa em út mới sinh ra, là chị cả của 6 đứa em nên Nga phải giúp mẹ tìm cái ăn, cái mặc. Sáng mẹ ra chợ bán trái cây, Nga phải phụ mẹ chăm sóc em; rồi thì nước lớn ra chài cá trên bến, nước ròng lội xuống rạch.
Suốt bao năm trời, Nga lặn ngụp ở một nhánh nhỏ của con sông Bảo Định để tìm kế sinh nhai. Chài được tôm cá về nhà, lựa cá ngon đem ra chợ Bà Đò bán (Chợ Trung Lương bây giờ), cá nhỏ để ăn. Xong buổi chợ về tất tả nấu cơm, rồi ôm chiếc cặp cũ chạy bộ đến trường. Chi tiêu của gia đình tính từng đồng, thời gian tính từng phút, vậy mà chị Nga vẫn tốt nghiệp THPT Nguyễn Đình Chiểu loại khá giỏi.
Ước vọng vào đại học đành gác lại bởi một mình má không thể nuôi nổi 6 đứa con, thế là “cô tú” đi chằm lá mướn, giúp việc nhà, chẻ ruột cau… làm thuê tất cả những công việc lương thiện để lấy tiền phụ mẹ. Đến năm hai mươi mốt tuổi, có người giới thiệu Nga lên thành phố làm tạp vụ nhà hàng, thu nhập cao hơn.
May mắn gặp được người đồng cảnh khổ, dì Sáu cho ở chung nhà trọ và hàng ngày xin cơm dư ở căn-tin cho Nga cùng ăn, mới có dư tiền dành dụm gởi về nhà cho mẹ. Trong những lúc được vào bếp dọn dẹp, thấy đầu bếp nấu nướng, Nga thích quá, để ý quan sát học lóm và ấp ủ ước mơ được như vậy. Để thực hiện ước mơ đó, chị phải làm nhiều hơn, suốt cả tuổi thơ và thời con gái Nga chẳng hề biết ăn chơi, chưng diện là gì cho đến ngày lập gia đình.
Được chồng cảm thông, động viên, phụ chăm sóc con, chị ghi danh học lớp đào tạo đầu bếp chuyên nghiệp mở tại Nhà Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (đường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) suốt 3 năm (1990-1993), ngày làm, đêm đi học. Chị vừa nhận bằng tốt nghiệp thì chồng mất, hạnh phúc vỏn vẹn 10 năm. Lúc đầu chị vào làm đầu bếp cho các nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh như: Thăng Long, Tư Mi 1, Tư Mi 2, Phúc - Lộc - Thọ… vừa làm nuôi con, vừa nuôi mẹ già yếu.
Năm 2009, chị trở về Mỹ Tho xin vào làm việc ở Nhà hàng Lộc Phố và cưới vợ cho con trai. Khi cháu nội ra đời hơn sáu tháng thì phát hiện con trai bị viêm não ở thời kỳ cuối; lúc con trai hấp hối ở Bệnh viện Nhiệt Đới thì mẹ chị mất. Gởi con trai ở bệnh viện với liều thuốc hồi sức để về chịu tang mẹ rồi trở lên ôm xác con về. Suốt mấy tháng trời chị gần như điên dại, nhưng nhìn cháu thơ, dâu khờ, chị lại phải bật dậy, vượt lên khổ đau để làm chỗ dựa cho con cháu.
Suốt ngày, chị lấy chuyện bếp núc, nấu nướng với đồng nghiệp làm vui, nhìn đứa cháu lớn lên từng ngày cho nỗi đau vơi bớt. Trong lúc khách vui vẻ thưởng thức những món ăn, chị cùng đồng nghiệp tất bật trong bếp, hồi hộp mong chờ những lời khen, chê để rút kinh nghiệm. Chị Cao Thị Phi, chủ Nhà hàng Lộc Phố cho biết: “Chị Nga mạnh về các món hải sản, chả giò tứ quý, các món ăn sốt, xíu mại, cơm nếp ống tre và các món ăn sáng nên được chúng tôi đưa về làm bếp chính cho Cà phê Thủy Viên vì nơi đây có phục vụ ăn sáng, trưa, chiều”.
Riêng anh Nguyễn Quang Huy, chủ Cà phê Thủy Viên có nhận xét khá sâu sắc: “Hiếm có một nữ đầu bếp chuyên nghiệp lớn tuổi đạt đủ về trình độ chuyên môn và học vấn như chị Nga. Chị là một phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, góa bụa nuôi con, con bệnh mất rồi đơn thân nuôi cháu, nuôi dâu nhưng vẫn luôn tỏ ra yêu nghề, tận tụy và có trách nhiệm cao với công việc. Chị luôn là người đầu bếp đứng ở vị trí quan trọng trong các nhà hàng mà chị đã từng làm và cả khi về cộng tác với chúng tôi”.
Chị Nga tâm sự: “Chừng nào cháu nội vô mẫu giáo, chị dẫn con dâu đi theo cho học việc và nhất định sẽ truyền tất cả bí quyết nghề nghiệp của mình lại cho dâu...”.
NGỌC LỆ