“Bánh Trung thu” trong rừng
Tay xách đèn lồng soi đường đưa hết mấy chú, mấy anh ra tận bến xuồng để vượt sông Ba Lai về vùng đất liền Rạch Gừa, Cả Muồng, Giồng Kiến, Ao Vuông... công tác ngay trong đêm rồi mới trở vô cứ. Chị Tư Đầm hỏi tôi:
- Hồi nãy chị nghe mấy bác, mấy chú nói gì mà vui dữ vậy em?
Minh họa: Lê Duy |
Tôi trả lời cho qua:
- Thì mấy ổng nói cũng giống như em nói vậy đó.
Chị nhìn tôi chằm chằm:
- Giống. Mà giống cái gì chớ, em nói nghe coi. Cái thằng!
Tôi nói một lèo:
- Thì mấy chú, mấy bác nói còn mấy bữa nữa là tới Tết Trung thu rồi. Mấy bác, mấy chú giờ là người đi làm cách mạng nhưng cái gốc vẫn là tá điền nghèo khổ, cơm chẳng đủ no, có đâu vui Tết Trung thu. Như bác Bảy Trọng, bí thơ xã mình nói: Giờ chỉ thương các cháu thiếu nhi trong vùng tạm chiếm có biết mặt cái bánh Trung thu ra sao đâu. Thì cũng như em vậy, mười lăm tuổi rồi mà chưa biết mùi vị cái bánh Trung thu ra sao nữa đó, chị ơi!
Chị vò đầu tôi, giọng xúc động:
- Chị có khác gì em đâu. Hồi kháng chiến chống Pháp, bộ đội về đóng quân ở đình Bình Trung xã mình nhân ngày Tết Trung thu, liền cho tập trung hết thiếu nhi lại liên hoan văn nghệ, rồi phát cho mỗi đứa một cái bánh Trung thu nhỏ, trong đó có chị. Chị cứ đưa cái bánh lên mũi hít hoài trên đường về nhà.
Giữa đường bỗng gặp một bà cụ lưng còng, áo quần rách rưới, đang bồng đứa cháu, nó khóc hoài vì đói, cụ dỗ nó không nín. Hai bà cháu cứ nhìn cái bánh trên tay chị. Chị phải cho nó chớ nuốt sao vô. Từ đó tới giờ chị có biết mặt mũi cái bánh Trung thu nào nữa đâu.
Vừa nói chuyện với chị, tôi vừa nhồi bột nhận vô khuôn để in (1) bức thư của Bác Hồ gởi thiếu niên, nhi đồng cả nước mà tôi vừa chép tin đọc chậm hồi sáng này để kịp tán phát trong đồng bào vùng kềm kẹp của giặc và in thêm phát cho các anh bộ đội Bình Đông, Bình Xuân, Hòa Đồng (tỉnh Gò Công) đang đóng chốt bên này (thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Bình Đại, Bến Tre) mang về phục vụ đồng bào bên mình. Trong khi tôi đang lui cui làm việc này thì chị cũng lục đục trong bếp kiếm tìm gì đó. Lát sau chị nói với tôi:
- Được rồi. Chị sẽ làm bánh Trung thu tại đây để ăn cho đỡ nhớ. Em giữ bí mật cho chị nghen hôn.
Tôi “xì” chị một cái:
- Dễ gì chị làm được. Mấy cái món để làm bánh Trung thu em biết, làm gì chị có mà làm.
Chị hỏi:
- Em biết. Mà biết thế nào, nói chị nghe coi có trúng hôn nè.
Tôi tỏ vẻ bậc thầy:
- Nè hén. Muốn làm ra cái bánh Trung thu, chị phải có: Bột mì, đường thẻ, dầu ăn, nước tro tàu, nước màu gạch tôm, hột vịt muối, hột vịt lạt, hột dưa, rượu mai quế lộ, mỡ, mứt hột sen, mứt bí đao, hột đào, lạp xưởng, mè, đậu phộng, bột bánh in... Vậy đó, trúng hôn? Còn bây giờ, trong tay chị hổng có gì ráo mà đòi làm.
Chị lại vò đầu tôi, cười:
- Thằng nhỏ này coi bộ giỏi quá ta. Làm sao em biết rành vậy?
Tôi nói:
- Hồi em học lớp nhì, trường học sát tiệm bánh của ông Dần. Giờ nghỉ giải lao em chạy sang coi người ta làm nên biết.
Chị nói:
- Giờ chị làm bánh theo kiểu của chị ở trong rừng, xí gạt mấy anh, mấy chú cho vui, cho đỡ nhớ Tết Trung thu vậy mà.
- Chị làm sao đâu, nói em nghe coi?
Chị đưa ra một “lô”:
- Nè hén. Bột gạo có pha chút nếp để in của mình có sẵn đó, chị mượn để làm. Tối mai mình lên giồng gặp các mẹ (mẹ chiến sĩ) xin cái khác trả lại để in. Còn đậu phộng, dầu dừa, dừa khô với mấy trứng vịt thì má chị gởi cho, còn nè.
- Còn vỏ quít cho thơm, đâu chị có? Tôi hỏi.
Chị trả lời tỉnh bơ:
- Thì mình lấy của chú Bảy Trọng, bí thơ xã. Ổng lúc nào cũng có sẵn trong bịch đệm để nấu nước uống trị ho.
Tôi hỏi tới tới:
- Còn thịt heo thì sao?
Chị cười:
- Có gì đâu mà lo. Chị làm bánh Trung thu theo kiểu của chị mà. Thịt cua biển, thêm mấy con tôm càng xanh, mấy con vọp anh Năm Khiêm đi bắt về còn rọng đó, chị cạy lấy ruột, bằm nhuyễn rồi xào chung hết lại. Mấy chú đi công tác về khuya đói bụng ăn đâu có biết thịt gì.
Chị đã nói là làm. Cũng như khi tổ chức phân công chị đi trừ gian, diệt ác, phá kềm (trừ Việt gian, diệt ác ôn, phá kềm kẹp) là chị sẵn sàng đi liền. Đối với tập thể, chị phúc hậu, đảm đang, như người chị, người em trong gia đình. Nhưng khi nói tới giặc, chị đỏ bừng nét mặt.
Những năm Đồng khởi, chị là cán bộ xã, tuổi đời chưa tới ba mươi. Còn tôi, tuổi mới mười lăm. Nhiệm vụ của tôi lúc bấy giờ là viết băng, biểu ngữ, bích chương (khẩu hiệu), mở radio chép tin đọc chậm của Đài Hà Nội (Đài Tiếng nói Việt Nam) rồi nhồi bột in ra thành tờ Tin Tức (gọi là ấn loát), in cả truyền đơn… để ban đêm dán, rải (gọi là tán phát) trong vùng giặc tạm chiếm.
Đêm làm “bánh Trung thu”, chị giao tôi chỉ một chuyện là đốt vỏ trái dừa nước phơi khô lấy than cho chị nướng bánh, nhưng phải bí mật che chắn không để bên ngoài thấy lửa, mặc dù căn cứ chúng tôi ở giữa một cụm rừng của cù lao Lá trên sông Ba Lai, coi như vùng bất khả xâm phạm với giặc lúc bấy giờ.
Trời về khuya, chị Tư nướng “bánh Trung thu” vừa xong thì đoàn cán bộ đi công tác bên đất liền cũng vừa về tới. Ai cũng vừa đói bụng, vừa lạnh run. Bánh được chị bưng ra để giữa miếng lá chằm trải dưới đất.
Bên cạnh là một nồi nước nấu chín bằng dây nhãn lồng với tơ hồng, loại dây leo chằng chịt ở cù lao quanh căn cứ. Trong ánh sáng mờ của ngọn đèn dầu leo lét lúc cháy lúc tắt giữa rừng, mỗi người cầm một cái bánh ăn ngon lành, rồi uống một gáo nước nóng. Tới cái thứ hai, ai cũng dừng lại, ráp nhau hỏi:
- Bánh gì ngộ vậy cà?
- Bánh gì mà hình vuông, giẹp, có khía giống như cái bánh Trung thu, ăn thấy ngon ngon, nhưng hỏng giống bánh Trung thu.
- Bánh gì mà vỏ bột cứng, có tha tròng đỏ hột vịt trên lớp mặt. Ruột thì khi ăn nghe có thịt cua, thịt tôm, thịt vọp…, coi bộ đặng quá đó chớ!
Đoàn cán bộ xã lúc bấy giờ toàn là những đảng viên cộng sản kháng chiến chống Pháp kỳ cựu, sau Hiệp định Genevơ được phân công ở lại miền Nam hoạt động, trong đó có bác Bảy Trọng là bí thơ chi bộ hiện tại. Ông hỏi tôi.
- Bánh này tên là bánh gì vậy cháu?
Tôi trả lời:
- Dạ bánh… Trung thu.
- Ông cười cười, hỏi tiếp:
- Mà bánh Trung thu hiệu gì?
Tôi trả lời luôn:
- Dạ… hiệu Tư Đầm.
Trong khi nhìn mấy cán bộ ăn bánh, chị Tư xúc động chịu không nổi, nên chạy xuống bếp ngồi khóc. Khi biết được mọi chuyện giữa hai chị em ở nhà, qua lời kể của tôi, ai cũng nhìn cái bánh đang cầm trên tay mình mà rơi nước mắt.
Hôm sau, chị Tư đem mấy cái “bánh Trung thu”, phần để dành, ra ngoài bìa rừng khoe với mấy mẹ chiến sĩ. Mấy mẹ vừa nếm thử vừa quay mặt chỗ khác, kéo khăn rằn lau nước mắt. Vài hôm sau Hội Mẹ chiến sĩ lại cùng nhau mua tặng mỗi chúng tôi một cái bánh Trung thu chánh hiệu. Riêng tôi còn “tuổi Trung thu”, nên các mẹ ưu tiên tới… hai cái.
CAO NGUYÊN ANH
(1) Tên thường gọi là ấn loát.