Đô thị văn minh trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”
Sự kiện UBND Thị xã Gò Công tổ chức Lễ phát động xây dựng thị xã đạt chuẩn văn minh đô thị phần nào đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Bởi trong lòng Thị xã Gò Công vốn có những nét văn hóa rất độc đáo. Song song đó, Thị xã Gò Công vốn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Những bước thăng trầm của lịch sử đã tạo ra một thị xã với nhiều nét khác biệt và đang hướng đến một đô thị văn minh hiện đại hơn.
Những bậc cao niên ở đất Gò Công đã nói rằng, để có được diện mạo như ngày nay, vùng đất này đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, là kết quả của những cuộc Nam tiến. Đó là vào khoảng đầu thế kỷ XVII đã có nhiều đoàn người từ vùng Thanh - Nghệ, Ngũ Quảng vượt biển vào Nam đến vùng đất Gò Công tập kết, trụ chân lập nghiệp đầu tiên.
Quá trình lao động cần cù, bền bỉ, sáng tạo của các thế hệ nối tiếp nhau, lưu dân người Việt đã từng bước biến một vùng đất hoang vu, nước độc, rừng thiêng, đầy thú dữ trở thành một vùng đất trù phú, “địa linh nhân kiệt”.
Mảnh đất ấy, vị trí và vị thế ấy đã đặt Gò Công vào những cuộc đối đầu quyết liệt với kẻ thù xâm lược, vì thế mà ở đây có những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử: Anh hùng dân tộc Trương Định người đầu tiên đứng lên đánh Pháp xâm lược; nhân sĩ Huỳnh Đình Điển với phong trào Minh Tân; tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Gò Công lập trụ sở, mở cơ sở kinh tế và hoạt động (1927).
Nơi đây cũng xuất hiện cờ đỏ, truyền đơn báo hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930); tháng 8-1945, vùng đất này chứng kiến một cuộc mit tinh chào mừng Cách mạng thành công và sự ra mắt chính quyền cách mạng tỉnh Gò Công; tháng 8-1954 tại đây cũng diễn ra mittinh chào mừng Hiệp định Genève của hơn 20.000 nhân dân Gò Công tạo nên tiếng vang lớn trong vùng; Tết Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang cách mạng đã tiến công vào trung tâm tỉnh lỵ đánh dấu một mốc son lịch sử đấu tranh của quân dân Gò Công.
Mảnh đất Gò Công với vị trí và vị thế đó, không chỉ sản sinh ra những con người anh hùng trong đấu tranh chống ngoại xâm mà còn tạo ra một vùng văn hóa nổi bật với những con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực như: dòng họ Phạm Đăng với Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, Thái hậu Từ Dũ nổi tiếng trong lịch sử. Đây cũng là quê hương của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Sơn Vương…
Trong những năm 1925-1930, tại đây đã có Nhà xuất bản nữ lưu thơ quán của Phan Thị Bạch Vân nổi tiếng toàn quốc, tập hợp nhiều cây bút tiến bộ đương thời cổ động cho nữ giới mở mang học vấn và bảo vệ luân lý đạo đức. Đây cũng là quê hương của nữ sĩ Lê Thị Kim (nữ sĩ Manh Manh), của bà Cao Thị Khanh - Chủ bút tờ Phụ nữ Tân văn…
Trải qua chiều dài lịch sử, vùng đất này đã có một gia tài di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý báu, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương được kết tinh từ truyền thống hiếu học, quá trình lao động cần cù, sáng tạo của các bậc tiền nhân.
Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định, nét văn hóa độc đáo của Thị xã Gò Công. |
Tiêu biểu về di sản văn hóa vật thể là Lăng Hoàng Gia, Nhà Đốc Phủ Hải, Miếu Võ Quốc Công (Võ Tánh), Đình Trung… Di sản văn hóa phi vật thể có mắm tôm chà, điệu lý con sáo Gò Công, tủ thờ Gò Công; các lễ hội như lễ hội ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết, lễ hội cúng Quan thánh đế của người Hoa, lễ hội Đình Trung… hiện vẫn còn được lưu giữ và phát huy
Thị xã Gò Công ngày nay nằm trên tuyến đường giao thông quan trọng của vùng, có quốc lộ 50 đi qua nối với TP. Mỹ Tho và TP. Hồ Chí Minh và các tuyến đường 873, 877, 862 đi về các thị trấn ven biển.
Với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện, Thị xã Gò Công ngày càng phát huy vị trí đô thị trung tâm phía Đông của tỉnh Tiền Giang, có khả năng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế, xây dựng các cụm công nghiệp theo hướng sản xuất lớn, hướng về xuất khẩu và phục vụ tiểu vùng.
Đạt chuẩn văn minh đô thị vào năm 2015 là chặng đường mới mà Thị xã Gò Công đang hướng đến. Để đạt được tiêu chuẩn này, Thị xã Gò Công cần đạt tất cả các bộ tiêu chí đã được đề ra trong lộ trình thực hiện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND Thị xã Gò Công cho biết, hiện nay đã có 11/12 xã phường đã đạt xã, phường văn hóa, đến cuối năm 2013 sẽ có 100% xã phường văn hóa. Đây là tiền đề rất quan trọng để tiến lên thị xã đạt chuẩn văn minh đô thị vào năm 2015.
Tuy vậy, Thị xã Gò Công cũng còn rất nhiều việc phải làm để đạt được tất cả các tiêu chí văn minh đô thị, mà trước hết là sự đồng thuận, đồng lòng của người dân.
Một đô thị năng động đang trên đà phát triển như Thị xã Gò Công, việc hướng đến một đô thị văn minh thực sự là mục tiêu lý tưởng. Tuy nhiên, mục tiêu đó không thể tùy thuộc vào ý kiến chủ quan của cá nhân mà là kết quả nỗ lực của cả một quá trình phấn đấu. Nói thế để thấy rằng, việc xây dựng đô thị văn minh đã khó, việc giữ vững danh hiệu này thực sự cũng không phải là điều đơn giản.
KHÁNH LINH