Thứ Tư, 25/09/2013, 12:20 (GMT+7)
.

Giữa trăm nghề

Giữa trăm nghề, bạn tôi chọn nghề làm dép. Nói là “chọn” cho thi vị, chứ thật ra từ những năm chúng tôi đang học phổ thông, tranh thủ lúc rảnh rỗi đến giúp việc một gia đình vốn làm dép vừa bán sỉ vừa bán lẻ khá đắt hàng, bạn tôi đã học được cái nghề này.

Vì kinh tế gia đình khó khăn nên bạn tôi không có cơ hội vào giảng đường đại học, đi bộ đội, xuất ngũ về quê thuê chỗ mở tiệm bán giày dép. Tiếng là bán hàng nhưng thật ra bạn kiêm luôn việc đóng, sửa các kiểu giày, dép trong phạm vi tay nghề của mình.

Xung quanh quầy hàng của bạn lỉnh kỉnh khuôn, đế, keo, nút, simili, da, kim, chỉ… Thế nhưng, do ít vốn nên bạn không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng cũng như không cạnh tranh nổi trên thương trường.

Trong khi bạn tôi hì hục gia công để hoàn thành các công đoạn cắt quai, gò dán đế, may lại cho chắc trước khi vào bao kiếng rồi mới đem trưng bày bán tại quày nhà mình thì ở một nơi nào đó, người ta có thể dùng máy móc và thuê thêm nhân công để cùng một lúc sản xuất được rất nhiều thành phẩm. Nếu chuyện về ông tổ là có thật thì chắc ông đã giúp cho người bạn cần cù của tôi cơ hội để sống với nghề.

Rồi một ngày, bạn tôi thấy còn nhiều thời gian trong ngày để có thể đầu tư thêm một công việc gì đó. Thế là bạn tận dụng khoảng sân trước nhà mở  điểm rửa xe máy. Phần đông khách  đi xe đắt tiền. Khách có thể tranh thủ đọc báo hoặc đi ăn, uống cà phê, lướt web…gần đó. Lúc trở lại thì xe đã được xịt dầu, chà sạch bùn đất, phun tuyết, rửa lại nước và lau khô; kể cả bơm hơi, thay nhớt, tăng sên theo yêu cầu.

Xung quanh có khá nhiều dịch vụ rửa xe nhưng chỗ bạn tôi vẫn có khách thường xuyên vì khách chuộng thiết bị nâng tự động, bọt tuyết và rửa kỹ lưỡng. Họ lại hỏi: “Học nghề ở đâu?”. Thật ra, đó là một công việc không khó lắm, nhưng ngoài yếu tố sức khỏe, người thợ còn phải có những hiểu biết cơ bản về xe máy và nhất là sự tận tâm để “vừa lòng khách đến, đẹp lòng khách đi!”.

Có điều, đừng lấy làm lạ khi chợt thấy tay anh đầy vết xước cũ và mới, thỉnh thoảng phải giũ vào khoảng không như thể dục cho đỡ mỏi và bịch thuốc trị chứng xương khớp luôn để ở một nơi dễ lấy, dễ tìm. Vì anh tự đơn giản hóa những cái đó bằng câu nói “Thời buổi khó khăn mà!”.

NGUYỄN THỊ MƠ

.
.
.