Qua 70 năm, giá trị của “Nhật ký trong tù” vẫn bền vững
Đó là khẳng định của các nhà nghiên cứu tại tọa đàm khoa học 70 năm tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 5-9 tại Hà Nội.
Ảnh: chinhphu.vn |
“Nhật ký trong tù” gồm 133 bài thơ viết bằng chữ Hán, theo thể tứ tuyệt (4 câu) được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị giam giữ, từ ngày 25-8-1942 đến ngày 19-9-1943 tại Trung Quốc.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Đinh Thế Huynh - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Nhật ký trong tù” không chỉ có ý nghĩa văn chương sâu sắc mà là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, đặc biệt từ khi tác phẩm được dịch ra tiếng Việt và phát hành rộng rãi năm 1960.
Tác phẩm không chỉ được phổ biến trong nước mà còn được đánh giá cao và giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới: Anh, Ả Rập, Bồ Đào Nha, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha…
Cuốn nhật ký bằng thơ này không chỉ là một văn kiện lịch sử vô giá về một giai đoạn hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, mà nó còn là một tác phẩm văn học lớn, là bức chân dung tự họa bằng thơ của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh, với khát vọng tự do, tinh thần và ý chí thép.
“Làm thế nào để tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị và ảnh hưởng to lớn của “Nhật ký trong tù” trong việc giáo dục, cổ vũ mọi người hăng hái thực hiện chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó cũng góp phần đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và xuyên tạc “Nhật ký trong tù” - ông Đinh Thế Huynh nói.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: tuy được viết bằng chữ Hán nhưng tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất khác với thơ Đường. Trước hết, 133 bài thơ được Người viết bằng từ ngữ phổ thông, đại chúng hóa. Thơ tứ tuyệt trong “Ngục trung nhật ký” tuy cũng có những bài thơ trữ tình nhưng lại có nhiều bài tự sự, có tính chất “nhật ký”, với phong cách đa dạng, phù hợp với hoàn cảnh ngục tù, với tâm lý của người chiến sĩ cộng sản.
Giáo sư Phương Lựu cho biết thêm: “Ngôn từ của Bác không phải là ngôn từ cổ điển. Thơ Đường hay so sánh, đối thanh, đối ý nhưng thơ của Bác không chủ về đối. Ý nghĩa lớn trong tập thơ này khẳng định Bác của chúng ta rất trân trọng, yêu quý văn hóa Trung Quốc và ra sức học tập nó nhưng không bao giờ rập khuôn, từ lớn đến nhỏ”.
“Chất liệu Việt Nam” đã được thể hiện rất đậm trong thơ Hồ Chủ tịch qua tập “Ngục trung nhật ký”. Chất liệu thuần Việt đó đã tạo nên một hình ảnh Việt Nam cao đẹp, nhân nghĩa. Nhiều nhà nghiên cứu văn học cũng đề nghị: 70 năm đã trôi qua, giá trị của “Nhật ký trong tù” vẫn bền vững, cần có những nỗ lực mới trong nghiên cứu, trong giảng dạy ở nhà trường về tác phẩm có giá trị với tầm vóc hàng đầu trong thơ ca Việt Nam thời kỳ hiện đại.
(Theo vov.vn)