Thứ Năm, 26/09/2013, 07:10 (GMT+7)
.

Ra mắt bản giao hưởng về Đồng bằng sông Cửu Long

Tiến sĩ lý luận âm nhạc Nguyễn Văn Nam dành 5 năm để thực hiện bản giao hưởng số chín nói lên vẻ đẹp của vùng sông nước Nam bộ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam dành trọn đời để sáng tác những bản giao hưởng đậm tính quê hương. Những tác phẩm ông viết từng biểu diễn thành công không chỉ trong nước mà còn ngoài nước như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ba Lan, Anh...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.

Ông đã đánh dấu tên tuổi qua tám bản giao hưởng: Tặng đồng bào miền Nam anh dũng (1972), Uống nước nhớ nguồn (1974), Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh (1975), Giao hưởng Ađưks (1986), Mẹ Việt Nam (1994), Sài Gòn 300 năm (1998), Chuyện nàng Kiều (2000), Đất nước quê hương tôi (2003).

Bản giao hưởng số chín "Cửu Long dậy sóng" của nhạc sĩ gốc Tiền Giang sẽ được giới thiệu trong chương trình hòa nhạc ngày 27-9 tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Tác phẩm của ông do nhạc trưởng Adrian Tan CheeKang (người Singapore, hiện là Giám đốc và chỉ huy dàn nhạc Saigon Philharmonic) chỉ huy.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam tâm sự: “Tôi chọn chủ đề viết về quê hương, về con sông Cửu Long vì đây là nơi tôi sinh ra. Từ bao đời nay, mảnh đất này mang phù sa bồi đắp nên miền Tây Nam nước ta. Dòng sông ấy cũng ghi lại một dấu ấn hào hùng trong lịch sử dân tộc".

Xuất phát từ cảm xúc sâu sắc về cội nguồn, tác giả đã viết giao hưởng số chín gồm bốn chương. Ngoài ra ở mỗi chương, ông đều đặt tiêu đề riêng: chương một là "Dòng sông tuổi nhỏ", chương hai tên "Bức tranh thiên nhiên", chương ba là "Đêm trăng Tháp Mười", chương cuối mang tên "Cửu Long cuộn sóng dâng trào". Chương này có đại hợp xướng bốn giọng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sinh năm 1936 tại Tiền Giang. Năm 1976, ông hoàn thành luận án tiến sĩ ngành sáng tác qua tác phẩm "Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh”. Bản giao hưởng này được công diễn thành công tại Đại hội âm nhạc mùa xuân Léningrad, Nga. Năm 1981, với công trình "Những nét cơ bản của âm nhạc truyền thống Việt Nam", nhạc sĩ nhận thêm bằng tiến sĩ lý luận âm nhạc.

Năm 2001, ông được mời sang Mỹ tham gia Hội thảo: "Sự kết hợp âm nhạc truyền thống và âm nhạc hàn lâm hiện đại trong sáng tạo tác phẩm mới". Đồng thời, ông cũng có tác phẩm tham gia buổi hòa nhạc tại Chicago, Mỹ. Hiện ông đang tham gia giảng dạy bậc cao học chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.