Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác - công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác là công trình kiến trúc đầu tiên ở Việt Nam với 4 Thánh tích Phật giáo (còn gọi là Tứ động tâm) có nguồn gốc từ Ấn Độ và Vương quốc Nêpal. Sau hơn 16 tháng thi công, đến nay đã cơ bản hoàn thành một số hạng mục như: Chánh điện, Lầu chuông, Gác trống, Nhà khách, Khu tịnh thất hòa thượng. Dự kiến trong tháng 10-2013, Thiền viện sẽ tổ chức lễ an vị Phật và khánh thành 5 hạng mục đầu tiên.
Hạng mục Chánh điện sắp hoàn thành. |
HÀNH TRÌNH GIAN NAN CHO NGÀY LỄ ĐẶT ĐÁ
Khu đất xây dựng Thiền viện thuộc ấp 1 (Thạnh Tân, Tân Phước), cách Quốc lộ 1A khoảng 20 km, cách lộ Tràm Mù (nối với tỉnh lộ 867) hơn 500 mét. Do vậy, việc thi công đoạn đường nối từ lộ Tràm Mù vào Thiền viện là việc làm cấp thiết để vận chuyển vật tư vào. Trên đoạn đường này xây một cây cầu bê tông bắc qua kinh 500 (tải trọng 13 tấn).
Do toàn bộ diện tích xây dựng Thiền viện có cao độ thấp hơn mặt đường giao thông từ 2,5 - 3 mét, vì vậy công việc đầu tiên là phải đắp đê bao xung quanh với chiều cao 3,7m để bơm cát vào đạt đến cao trình xây dựng +3m. Để thi công 4 đoạn đê bao có tổng chiều dài 2.200 mét, phải cần 109.890m3 đất - một khối lượng đất khổng lồ.
Khối lượng cát lấp cũng nhiều không kém, với hơn 100.000m3. Toàn bộ khối lượng công việc này yêu cầu phải hoàn thành trong vòng 100 ngày, trong khi lực lượng chư tăng chỉ vỏn vẹn có 15 người nên mọi hoạt động đều phải triển khai thực hiện một cách khẩn trương, bất kể ngày, đêm.
Mặt khác, cách ngày lễ đặt đá chỉ hơn 10 ngày, một số nhà thầu thi công bỏ cuộc, Thiền viện phải tự cáng đáng lấy. Sức người, sức của được huy động tối đa, một số bộ phận phải làm việc thâu đêm... Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của tất cả chư tăng, công tác chuẩn bị đã hoàn thành, tất cả mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.
MÔ HÌNH KIẾN TRÚC ĐẦU TIÊN: TỨ ĐỘNG TÂM
Theo Đại đức Thích Trúc Thông Kim, Phó ban thường trực phụ trách xây dựng, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác có tổng diện tích 30ha, được xây dựng theo mô hình truyền thống của các thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử với 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện.
Theo quy hoạch tổng mặt bằng, Thiền viện có 25 hạng mục, trong đó khu ngoại viện bao gồm các hạng mục: Chánh điện, Tổ đường, Thiền đường, Giảng đường, Nhà Tăng ngoại viện, Trai đường, Thư viện, Nhà Trưng bày, Lầu chuông, Lầu trống, Nhà khách cư sĩ nam, Nhà khách cư sĩ nữ… với tổng diện tích hơn 47.000m2; khu nội viện có tổng diện tích gần 16.000m2, bao gồm: 4 Tăng đường, 1 Thiền đường và 10 Thất chuyên tu.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được thiết kế gần giống với Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt nhưng có quy mô lớn hơn. Đặc biệt, hệ thống đê bao xung quanh Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác có khả năng ngăn được nước lũ dâng trong vài chục năm tới. Từ ngoài nhìn vào là Chánh điện (diện tích 1.000 m2, sức chứa trên 3.000 người) cùng Lầu chuông, Lầu trống phía trước 2 bên Chánh điện trông rất uy nghi.
Theo định hướng quy hoạch, một khu vực rộng 3.600 m2 sẽ được bố trí để xây dựng Tứ động tâm, bao gồm: Lâm Tì Ni, nơi Phật Thích Ca đản sinh; Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thành đạo; Lộc Uyển, nơi Phật chuyển pháp luân và Câu Thi Na, nơi Phật nhập Niết bàn.
Tổng kinh phí xây dựng 25 hạng mục của Thiền viện dự kiến trên 300 tỷ đồng, do phật tử gần xa hiến cúng. Sau khi hoàn thành 5 hạng mục đầu tiên (đến tháng 10-2013), Thiền viện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục còn lại và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Bên cạnh việc hiến đất để xây dựng Thiền viện, phật tử còn hiến cúng nhiều cây đại thụ để tạo mảng xanh và khối lượng đá tảng khoảng 2.500 tấn (mỗi tảng nặng từ trên 1 - 20 tấn), được sà lan vận chuyển từ núi Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về phục vụ cho việc xây dựng các hòn non bộ, trang trí dưới các gốc cây đại thụ… cùng tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni (dự kiến đặt trong Chánh điện) được tạc bằng đá ngọc cao 4,5 mét, nặng trên 30 tấn (do các nghệ nhân Myanmar chế tác).
SINH HOẠT ĐẠO TRÀNG KẾT HỢP THU HÚT DU KHÁCH:
Theo lệ, vào ngày chủ nhật tuần thứ ba mỗi tháng, Thiền viện đều tổ chức sinh hoạt đạo tràng với khá đông phật tử gần xa tham dự, bao gồm các hoạt động: Tụng kinh, sám hối, nghe giảng pháp, ngồi thiền. Bên cạnh đó, định kỳ 2tháng/lần, Thiền viện còn tổ chức lễ truyền tam quy, ngũ giới cho phật tử. Ngoài ra, khách thập phương từ các địa phương trong và ngoài tỉnh cũng thường xuyên đến đây để tham quan, chiêm bái.
Hiện nay, UBND tỉnh đang có chủ trương triển khai dự án mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư). Ngôi Thiền viện mới ra đời, bên cạnh việc trở thành trung tâm tu học, giúp làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh của người dân, phật tử Tiền Giang nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung, còn tạo điểm nhấn quan trọng nhằm thu hút du khách tham quan Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười kết hợp viếng chùa, lễ Phật (Thiền viện chỉ cách Khu bảo tồn khoảng 2km), góp phần làm thay đổi diện mạo một xã nghèo của huyện Tân Phước một thời được xem là hoang vu, cách trở với đất rộng, người thưa.
Người sáng lập dòng Thiền tông đời Trần là Vua Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh, tài ba đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 và thứ 3. Khi đất nước thái bình, Vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngôi vị, xuất gia, lên núi Yên Tử tu hành, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, sau này ngài xuống núi hợp 3 dòng Thiền thời đó là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, do chính ngài là Sơ Tổ. Nhằm góp phần khôi phục Thiền Tông Việt Nam, lấy tinh thần Phật giáo Thiền Tông đời Trần, cốt lõi là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử làm kim chỉ nam cho mọi công trình giáo dục tăng, ni, hoằng dương Phật pháp của Hòa thượng Tôn Sư Thượng Thanh Hạ Từ, Thiền viện đã được đặt tên là Trúc Lâm Chánh Giác - một cái tên mang nhiều ý nghĩa khi mà trên vùng trũng của Đồng Tháp Mười, hoa sen - một biểu trưng cho tánh giác vốn chẳng ô nhiễm, một đóa sen huy hoàng, nguy nga mang tên Chánh Giác bắt đầu mọc lên. |
VĂN XĨ - HỒNG YẾN