Bảo tàng Tiền Giang lưu giữ nhiều bộ sưu tập hiện vật quý
Hiện Bảo tàng Tiền Giang đang lưu giữ 36.884 tài liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học. Trong số hiện vật ấy, bước đầu đã kiểm kê, phân loại được 14 bộ sưu tập, trong đó có 8 bộ sưu tập quý đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Tiền Giang.
Sưu tập đèn gốm. |
1. Bộ sưu tập Văn hóa Óc Eo: Với 343 hiện vật, được sưu tầm từ những đợt khai quật tại di chỉ khảo cổ Óc Eo - Gò Thành (Chợ Gạo) và trong các lần khảo sát điền dã trong tỉnh Tiền Giang gồm: 6 tượng đá Nam thần, Vishnu, Ganesa… được điêu khắc một cách tỉ mỉ, điêu luyện của những cư dân người Phù Nam xưa; 110 hiện vật bằng vàng, có hình dạng, kích cỡ đa dạng và phong phú như hình hoa sen, hoa mai, hình voi được chạm khắc với nhiều tư thế khác nhau.
Ngoài ra, có 227 hiện vật làm bằng gốm có giá trị cao như: bình, vòi, sợi se chỉ, lá đề… Đây là những minh chứng xác thực của cư dân Phù Nam sinh sống từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII trên vùng đất Tiền Giang xưa.
2. Bộ sưu tập vũ khí Tây Sơn: Với 87 hiện vật gồm: Gươm, kiếm, mũi giáo, mũi tên đồng, đạn, súng thần công… được sưu tầm tại khu vực nơi xảy ra trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút (Kim Sơn, Châu Thành) và do nhà sưu tập cổ Lâm Zũ Xênh (Quảng Ngãi) hiến tặng.
Những hiện vật quý giá này đã làm sống lại trận thủy chiến oai hùng của dân tộc ta đánh tan 5 vạn quân Xiêm và 300 chiến thuyền của chúng vào năm 1785, dưới sự chỉ huy tài tình của Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Hoa văn vàng (Óc Eo) . |
3. Bộ sưu tập súng Thần công: Gồm 11 khẩu. Khẩu lớn nhất có kích cỡ dài 3m, nặng khoảng 2,5 tấn; khẩu nhỏ nhất dài 96 cm, nặng khoảng 5 kg; còn lại đa số có kích cỡ trung bình dài 2,2m, nặng từ 1,5 tấn đến hơn 2 tấn. Đa số súng Thần công được đúc bằng gang pha sắt.
Những hiện vật này chủ yếu được phát hiện tại vàm sông Bảo Định (TP. Mỹ Tho) do triều đình nhà Nguyễn bố phòng cặp bờ sông để bảo vệ thành Định Tường và của nghĩa quân Trương Định sử dụng thời kỳ chống Pháp thế kỷ XVIII - XIX.
Căn cứ vào Luật Di sản và các tiêu chí xếp hạng bảo tàng, đặc biệt là số lượng hiện vật và các bộ sưu tập, ngày 3-7-2013 UBND tỉnh đã quyết định nâng hạng Bảo tàng Tiền Giang từ hạng III lên hạng II. |
4. Bộ sưu tập đèn gốm: Gồm 36 hiện vật, được làm bằng đất nung, gốm sứ theo nhiều kiểu dáng phong phú khác nhau, nhưng tựu chung đều dùng để đốt dầu mù u, dầu cá thắp sáng cho mỗi gia đình trong thời kỳ phong kiến.
Đặc biệt, có những cây đèn là minh chứng cho các sự kiện lịch sử, điển hình như cây đèn được sử dụng thắp sáng trong cuộc họp quan trọng thành lập Chi bộ Đảng Xóm Dầu, một trong những chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho năm 1930.
5. Bộ sưu tập bàn ủi: Với 52 hiện vật, kích thước, kiểu dáng, hoa văn khác nhau, chủ yếu được làm bằng đồng. Thường bàn ủi lớn dùng để ủi quần áo, loại nhỏ nhất dùng để ủi tiền giấy. Bàn ủi được sử dụng từ những năm nửa đầu thế kỷ XX trở về trước và chỉ những gia đình giàu sang mới có. Tuy bàn ủi rất giản đơn (dùng than làm nóng để ủi) nhưng đã gợi lại cho chúng ta thấy được sự phân chia giai cấp giàu nghèo rõ rệt trong thời kỳ phong kiến ở nước ta.
6. Bộ sưu tập tiền kim loại và giấy: Với 2.288 hiện vật, được sản xuất và lưu hành qua các thời kỳ lịch sử khác nhau như: Tiền giấy và kẽm của Ngân hàng Đông Dương, tiền Cụ Hồ, tiền của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam…
Ngoài ra, còn có 51 kg tiền kẽm thời Quang Trung, Cảnh Thịnh, Gia Long, Minh Mạng thế kỷ XVIII – XIX. Tuy mỗi loại tiền mang hình dáng, hoa văn, mệnh giá khác nhau, nhưng đã nói lên được tính trung gian của tiền trong trao đổi hàng hóa qua mỗi thời kỳ.
7. Bộ sưu tập kỷ vật nhà tù: Với 103 hiện vật gồm: Áo gối, khăn tay, màn cửa, túi xách… được may, thêu tay trên vải hay bình trà, giỏ ăn trầu, bàn cờ tướng, tẩu hút thuốc… được thắt bằng sợi nilon, chạm trổ trên gỗ, đá, vỏ sò khá tỉ mỉ và đẹp mắt.
Đặc biệt, thông qua những áng thơ, những bút tích được thêu, khắc trên những hiện vật đã cho chúng ta thấy, tuy phải sống cảnh đọa đày lao tù của bọn thực dân, đế quốc, cái chết luôn rình rập, nhưng chí khí, tâm hồn của những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước vẫn lạc quan, yêu đời, luôn tin tưởng vào thắng lợi cách mạng, đất nước được thống nhất để mọi người được hưởng nền độc lập, tự do và hạnh phúc.
8. Bộ sưu tập đồ gia dụng người Hoa: Với 46 hiện vật gồm nhiều thể loại và chất liệu khác nhau như: Chậu, quả (gỗ), bàn tính, tủ bán hủ tiếu, bàn cân, trang phục… Đây là những minh chứng sống động trong sinh hoạt, lao động sản xuất, thương mại của cư dân người Hoa tại vùng đất “Mỹ Tho đại phố” xưa và Tiền Giang ngày nay.
NGUYỄN MẠNH THẮNG