Ngày hội lớn của đồng bào Khmer
Hàng năm, vào ngày 15-10 (âl), tỉnh Sóc Trăng tổ chức Giải thi đấu Đua ghe ngo. Đây là Giải đấu được nâng lên từ trò chơi thể thao dân gian đã có từ xưa, nhằm tạo không khí vui tươi, đoàn kết từ những vận động viên tham gia thi đấu đến những người tham gia cổ vũ.
Giải đấu được Tổng cục Thể dục Thể thao công nhận là một trong những Giải đấu cấp Quốc gia và được tổ chức hàng năm, thu hút được nhiều người tham gia. Từ ý nghĩa đó, tỉnh Sóc Trăng quyết định nâng quy mô tổ chức giải đua ghe ngo thành ngày hội lớn với tên gọi Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần thứ I tổ chức từ ngày 14 đến 17-11.
Hàng ngàn người từ khắp nơi về xem Lễ hội Đua ghe ngo ở Sóc Trăng năm 2012. |
Ông Mai Khương, Trưởng Ban Tổ chức (BTC) Festival cho biết, cùng với Giải đua ghe ngo, tại Festival lần này còn diễn ra nhiều hoạt động tái hiện những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào Khmer, biểu hiện sự tri ân của con người đối với thiên nhiên.
Đó là lễ cúng trăng để nói lên tấm lòng biết ơn đối với mặt trăng đã giúp cho con người có được vụ mùa bội thu và mong ước tiếp tục được hỗ trợ, giúp cho mùa màng được tốt tươi trong những năm tiếp theo; lễ thả đèn nước thể hiện sự kính trọng, tạ ơn đất và nước đã giúp con người sinh sống, sản xuất và mong muốn ngày càng nhận được thêm nhiều điều tốt lành.
Các hoạt động này giúp mọi người hiểu rõ hơn về nền văn hóa của người dân Sóc Trăng, về sự kính trọng, biết ơn của người dân đối với thiên nhiên, môi trường. Từ đó, góp phần tuyên truyền mọi người cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường.
Theo BTC, bên cạnh phần lễ, Festival còn nhiều nội dung thuộc phần hội. Nổi bật là Hội chợ Thương mại. Đây là dịp để các doanh nghiệp tham gia triển lãm, quảng bá những sản phẩm thuộc thế mạnh của mình, nhất là những sản phẩm được sản xuất trong nước, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời là nơi để khách tham quan Festival có thể tìm hiểu rõ hơn những sản phẩm, sản vật của các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Một hoạt động khác là triển lãm ảnh Sóc Trăng xưa.
Tại đây, BTC sẽ trưng bày những bức ảnh về con người, nếp sinh hoạt, phong cảnh, kiến trúc của địa phương ở thế kỷ trước. Hội thao dân tộc- trò chơi dân gian sẽ là nơi để mọi du khách có thể tham gia với tinh thần thể thao, đoàn kết; đồng thời có dịp trải nghiệm những thú vui đơn giản của người dân địa phương sau những giờ lao động mệt nhọc.
Liên hoan ẩm thực, hội thi trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cũng được tổ chức để giới thiệu đến mọi người về truyền thống, thẩm mỹ, sự hòa quyện giữa các giá trị văn hóa của các dân tộc anh em đang sinh sống tại địa phương.
Ngoài ra, đầu năm 2013, tỉnh Sóc Trăng cũng đã thực hiện các thủ tục để Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch công nhận loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Do vậy, tại Festival này, Sóc Trăng sẽ giới thiệu rộng rãi loại hình nghệ thuật này đến công chúng thông qua Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê của người dân Khmer Nam bộ, với sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật các tỉnh trong khu vực. Đây là dịp để du khách thưởng thức loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo của đồng bào Khmer, bao gồm cả về âm nhạc, nghệ thuật múa, hội họa, trang phục, nhạc cụ…
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu cho biết, Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL còn nhằm mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, di sản văn hóa độc đáo của địa phương, là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; đồng thời góp phần tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và khu vực.
Du khách đến với Festival sẽ được trải nghiệm các giá trị văn hóa đặc trưng của Sóc trăng. Từ đó, mọi người sẽ thấy được hình ảnh nhân dân các dân tộc cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, sẽ hiểu thêm về tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc đang sinh sống tại Sóc Trăng nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Để chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nêu trên, các sở, ban, ngành tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương xây dựng và triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức đấu thầu lựa chọn các doanh nghiệp tổ chức sự kiện để tổ chức các hoạt động của lễ hội.
Đến nay, các thành viên của ban chỉ đạo, BTC và các tiểu ban đều cố gắng khắc phục những khó khăn, tập trung công tác tuyên truyền, vận động, chỉnh trang đô thị, chuẩn bị phục vụ du khách. Toàn hệ thống chính trị của tỉnh quyết tâm tổ chức thành công sự kiện có ý nghĩa này.
SĨ NGUYÊN