Thứ Hai, 07/10/2013, 13:57 (GMT+7)
.

Võ Nguyên Giáp - Nhà viết sử bậc thầy

Cuốn hồi ký
Cuốn hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hiếm có nhà quân sự nào đặc biệt như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không những đã chỉ huy các cuộc kháng chiến “bách chiến bách thắng” mà còn tiến hành tổng kết được kinh nghiệm chiến tranh bằng nhiều tác phẩm có giá trị, được coi như những cuốn binh thư hiện đại.

GS. Sử học Phan Huy Lê đã nhận định về tài năng viết sử của Vị tướng nhân dân Võ Nguyên Giáp như vậy.

Cả thế giới đều biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh đã chỉ huy 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Ông là một trong những vị tướng soái, một nhà chiến lược quân sự lừng danh nhất trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20. Đối với Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa, nhà sử học lớn.

Cuốn Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ xuất bản năm 1993 đã nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy Sử”.

Người thầy giáo dạy môn Lịch sử ấy bắt đầu đứng lớp từ tháng 5 năm 1939 tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội, do Hoàng Minh Giám làm Giám đốc nhà trường.

GS. Phan Huy Lê kể rằng trong nhiều lần trao đổi thân tình, Đại tướng cho biết, chính hiểu biết và tư duy sử học đã giúp ông rất nhiều trong chỉ huy kháng chiến.

Tư duy lịch sử cùng phẩm chất của một nhà Sử học đã tác động đến nhận thức chính trị và quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần tâm sự với GS. Phan Huy Lê và Hội Sử học Việt Nam rằng: Luôn phải tôn trọng lịch sử, phải nhìn nhận đúng sự thật dù sự thật có cay đắng, đau xót và luôn phải xem xét mọi sự việc trên quan điểm lịch sử với sự vận động biện chứng của nó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần đến thăm Hội Sử học Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần đến thăm Hội Sử học Việt Nam.

Trong thời bình, Đại tướng dành nhiều thời gian cho nghiên cứu lịch sử đất nước với những cuộc chiến chống ngoại xâm và các danh tướng trong nhiều thời đại như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... Đại tướng không chỉ để lại các công trình nghiên cứu lịch sử mà còn đề ra các hướng nghiên cứu phản ánh sử học rất sâu sắc.

Đại tướng đã từng trao đổi với GS. Phan Huy Lê về suy nghĩ: Qua lịch sử chống ngoại xâm đã hiện hữu một số tư tưởng và đặc điểm nghệ thuật quân sự mang tính độc đáo và sáng tạo của Việt Nam. Những đặc điểm đó có thể đúc kết được thành một trường phái quân sự Việt Nam hoặc đúc kết thành một học thuyết quân sự Việt Nam.

GS. Phan Huy Lê cho rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng rất đặc biệt khi ông là người cùng toàn quân, toàn dân viết nên những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm và chính là người chép lại những trang sử đó.

Những cuốn hồi ký của Đại tướng: “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng” là những bộ sử sống động về hai cuộc kháng chiến thần kỳ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn để lại những tác phẩm quý báu về nghệ thuật quân sự của chính ông. Đó là các tác phẩm “Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng”, “Vũ trang quần chúng cách mạng”, “Xây dựng quân đội nhân dân”, “Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”.

GS. Phan Huy Lê (người đứng) dẫn đầu Hội Sử học Việt Nam đến chúc mừng Đại tướng trong lần sinh nhật thứ 96 (năm 2007).
GS. Phan Huy Lê (người đứng) dẫn đầu Hội Sử học Việt Nam đến chúc mừng Đại tướng trong lần sinh nhật thứ 96 (năm 2007).

Năm 1988, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận lời làm Chủ tịch danh dự Hội Sử học Việt Nam. Đại tướng rất hay nhắc lại câu nói giản dị của Bác Hồ: “Dân ta phải biết Sử ta” và nhiều lần kể lại câu chuyện: “Đứng trước khả năng phải bắt buộc cầm súng đánh thực dân, Bác Hồ cho người đi tìm cuốn "Việt Nam Sử lược" của Lệ Thần Trần Trọng Kim, khi đó là cuốn sách duy nhất biên soạn mạch lạc về lịch sử nước nhà, để trao cho các vị lãnh đạo khi đó nghiên cứu”. Đại tướng khẳng định rằng: “Bên cạnh chí khí của các bậc tiền bối, những bài học về cách đánh thắng giặc ngoại xâm của người đi trước đã đem lại những tri thức rất bổ ích cho những cuộc chiến đấu ở thế kỷ 20”.

GS. Phan Huy Lê cho rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng là một trong những nhà Sử học lớn của dân tộc Việt Nam cùng với những tác phẩm mang tính tổng kết về chiến thắng Điện Biên Phủ, về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, về Tư tưởng Hồ Chí Minh, về nghệ thuật quân sự… Và trên hết, trong lịch sử của thế kỷ 20, của thời đại Hồ Chí Minh, dáng vóc, sự nghiệp của Đại tướng đã đi vào lịch sử, đã được ghi tạc vào lòng dân muôn thuở không mờ phai.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.