Thứ Tư, 06/11/2013, 10:51 (GMT+7)
.

Cai Lậy: Chú trọng xây dựng văn hóa từ nền tảng gia đình

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) trên địa bàn huyện Cai Lậy ngày càng xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu, gương mẫu ở cộng đồng dân cư, góp phần củng cố và duy trì các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Ông Phạm Văn Đang và bà Lê Thị Liền.
Ông Phạm Văn Đang và bà Lê Thị Liền.

Nhiều năm liền gia đình ông Phạm Văn Đang và bà Lê Thị Liền ở ấp Mỹ An, xã Nhị Mỹ được bình chọn là GĐVH tiêu biểu của xã. Đều tham gia công tác đoàn thể ấp, quỹ thời gian hạn hẹp, nhưng vợ chồng ông Đang biết chủ động sắp xếp thời gian để nuôi dạy con tốt và chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Hơn 10 năm nay, bà Liền là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ An; còn ông Đang giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp. Với mức phụ cấp khiêm tốn nhưng ông bà vẫn nhiệt tình gắn bó với công tác hội. Ông bà còn tích cực duy trì CLB “Hát nhau nghe”, tạo nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho bà con xóm ấp.

Bà Liền cho biết, kinh tế gia đình ổn định là điều kiện thuận lợi để gắn bó lâu dài với công tác hội nên vợ chồng bà lựa chọn hình thức sản xuất phù hợp. Trên 3 công đất vườn, ông bà xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín để chăn nuôi heo thịt và heo sinh sản; tận dụng mặt nước ao để nuôi cá và trồng rau xanh quanh bờ ao, tiết kiệm thức ăn chăn nuôi.

Dù bận rộn với công tác xã hội và làm kinh tế gia đình, nhưng bà Liền luôn dành thời gian quan tâm, nhắc nhở các con chăm chỉ học hành, lễ phép với ông bà, cha mẹ và xây dựng không khí gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

Chị Phan Thị Phượng và anh Ngô Chí Linh.
Chị Phan Thị Phượng và anh Ngô Chí Linh.

Từng có thời gian lâm cảnh khó khăn nên khi kinh tế ổn định, chị Phan Thị Phượng (ngụ ấp 3, xã Cẩm Sơn) luôn sẵn lòng hỗ trợ phụ nữ nghèo trong xã. Cưới nhau năm 1992, tài sản lập nghiệp của chị cùng chồng - anh Ngô Chí Linh chỉ là 4 công vườn tạp. Hai con càng lớn, chi phí sinh hoạt càng tăng nên chị Phượng đi học nghề may túi xách và nhận hàng về gia công. Sau đó chị Phượng vay vốn mở tổ hợp may túi xách tại nhà, tạo việc làm cho 3 - 4 lao động và cung cấp nguồn hàng cho 20 chị em. Chị em nào khó khăn được chị Phượng trang bị máy may công nghiệp bằng hình thức trả góp.

Chị chia sẻ: “Từng có thời gian nghèo khó nên tôi thấu hiểu hoàn cảnh của các chị, tạo điều kiện để chị em vươn lên, ổn định cuộc sống”. Có cuộc sống ổn định, các thành viên trong gia đình chị Phượng luôn chia sẻ công việc trên tinh thần bình đẳng, hòa thuận. Rảnh việc vườn tược, anh Linh thay vợ đảm nhận khâu giao, nhận hàng. Hai con trai cũng tự giác giúp ba mẹ công việc nhà…

Gia đình ông Trần Văn Tấn và bà Ngô Thị Tư (ngụ ấp Hiệp Phú, xã Hiệp Đức) là điển hình vượt khó, được nhiều người trong xã mến phục. Ông Tấn là thương binh 2/4, sức khỏe suy giảm nên những năm đầu sau giải phóng cảnh nhà ông hết sức khó khăn. Khéo vun vén cuộc sống gia đình, chi tiêu hợp lý nên gần chục năm nay ông bà đã có điều kiện mua thêm 8 công đất và chuyển sang trồng chanh bông tím, nhãn tiêu Huế. Mỗi năm, kinh tế vườn cho thu nhập trung bình 150 triệu đồng, cuộc sống từ nghèo khó đã trở nên khấm khá.

Đặc biệt, thời điểm khó khăn nhất, ông bà vẫn khuyến khích các con học hành, tạo dựng nghề nghiệp bằng con đường học vấn. Trong 7 người con, có 5 người học hành thành đạt, đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài huyện. Mái ấm gia đình ông Tấn được xây dựng từ sự sẻ chia, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình. Những năm chồng tham gia kháng chiến, biền biệt xa nhà, bà Tư vẫn giữ sự hiếu thuận với mẹ chồng, gánh vác cùng chồng trách nhiệm nuôi hai người em ăn học. Đức hy sinh, chịu thương chịu khó của bà là bài học sâu sắc để những người con noi theo.

Khi cuộc sống còn vất vả, những người con lớn trong gia đình luôn ý thức đùm bọc, tạo điều kiện cho các em học hành, san sẻ gánh lo nặng cho cha mẹ. Nhiều năm liền tại ấp Hiệp Phú, gia đình ông Tấn được công nhận danh hiệu GĐVH; ông Tấn là tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, đảng viên gương mẫu.

Gia đình ông Trần Văn Tấn và bà Ngô Thị Tư.
Gia đình ông Trần Văn Tấn và bà Ngô Thị Tư.

Trên đây là 3 trong số những GĐVH tiêu biểu trên địa bàn huyện Cai Lậy được bình chọn công khai, dân chủ từ cơ sở. Sau 15 năm phát động, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” luôn được quan tâm, với mục tiêu phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp để xây dựng hình mẫu gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, có tri thức, là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con người.

Năm 2012, huyện Cai Lậy đã bình chọn trên 77.000 GĐVH, đạt 95,42% số hộ đăng ký. Qua phong trào, xuất hiện nhiều tấm gương “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, là nhân tố điển hình để biểu dương, nhân rộng. Các thành viên trong GĐVH không chỉ sống có trách nhiệm với nhau mà còn gương mẫu chấp hành pháp luật, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh và tích cực tham gia hoạt động xã hội…

Phong trào xây dựng GĐVH đã tác động tích cực đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bởi nền tảng gia đình hạnh phúc là nhân tố quan trọng để xây dựng xã hội giàu đẹp, văn minh.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.