Thứ Tư, 06/11/2013, 10:49 (GMT+7)
.

Cây nọc cấy

Tuổi thơ tôi gắn bó với miệt vườn, miệt ruộng; với củ khoai, hạt lúa; với bến nước, dòng kinh… Tôi đã gánh mạ, bỏ mạ cho công cấy. Dù có mấy mươi năm xa quê sống nơi đô thành hoa lệ thì cây nọc cấy đối với tôi cũng quen thuộc như cọng rau, con cá…

Gần đây, có dịp tham quan Bảo tàng Tiền Giang, thấy trưng bày bộ nọc cấy với gần 20 chiếc, lòng bồi hồi xúc động, bất chợt hiện lên hình ảnh người mẹ, người chị miệt mài cấy lúa dưới đồng nước mênh mông trong màn mưa trắng xóa.

Quên sao được, vào khoảng giữa tháng bảy hoặc đầu tháng tám âm lịch hằng năm, khi mưa đã nhiều, nước đã đầy ruộng thì mùa cấy bắt đầu. Muốn có được một cây nọc cấy vừa ý, người thợ mộc phải chọn một thanh gỗ chắc như căm xe, thao lao, cây sao, dầu, mù u… để làm ra những chiếc nọc cấy với nhiều kích thước khác nhau.

Hình ảnh người phụ nữ cấy lúa trên đồng sâu ruộng cạn đã đi vào thơ nhạc, đi vào tâm hồn của biết bao thế hệ người Việt Nam trên đất nước “văn minh nông nghiệp” này. Cấy lúa tưởng dễ, nhưng không đâu, cấy để cây lúa sống được là không dễ, nên Soạn giả Châu Thanh đã không vô cớ khi gọi những người đi cấy là “thợ cấy” trong bài vọng cổ “Ước mơ cô thợ cấy” của ông. 

Di sản văn hóa có cái thật lớn lao, nhưng có cái cũng thật nhỏ bé như cây nọc cấy mà tôi nhìn thấy trong Bảo tàng Tiền Giang đã gợi trong tôi nhiều suy tưởng.

ÁNH TUYẾT

.
.
.