Đờn ca tài tử thế kỷ XXI - mừng vui và trăn trở
Vừa qua, tại tỉnh Bến Tre đã diễn ra Hội thảo “Đờn ca tài tử Nam bộ với việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng”, do Cục Công tác phía Nam (Bộ VH-TT&DL) tổ chức. Có 16 báo cáo tham luận được trình bày tại hội thảo, trong đó có báo cáo tham luận của Soạn giả Ngô Hồng Khanh (nguyên Vụ trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) được nhiều đại biểu quan tâm, đồng tình, chia sẻ. Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc tham luận của Soạn giả Ngô Hồng Khanh “Đờn ca tài tử thế kỷ XXI - mừng vui và trăn trở”.
Dàn đờn của CLB ĐCTT Trung tâm VH-TT tỉnh. |
Ngày xưa, những nghệ sĩ lừng danh trên sân khấu cải lương xuất thân từ tài tử đều là những nghệ sĩ, nhạc sĩ luôn in đậm phong cách riêng của mình từ tiếng đờn, điệu ca và cả cách diễn, đã làm say đắm lòng người. Tiếng đờn và điệu ca tài tử là cái gốc bền vững để cây đời nghệ thuật cải lương đơm bông kết trái. Cải lương là nghệ thuật kế thừa và phát triển từ nghệ thuật đờn ca tài tử, đã làm nên một thời vàng son của mình. Vậy mà, ngày nay cải lương cũng có những điều cần phải suy nghĩ và đờn ca cũng vậy.
Ngày nay, trong nhịp sống công nghiệp bận rộn, bộn bề, hối hả, con người không thể nào yên lòng để mà thả hồn vào cuộc chơi với khúc nhạc, lời ca mà mỗi bài, mỗi bản dài 3 - 4 lớp với hàng mấy chục câu nhạc và gần như những bài bản ấy đều mang trong mình những “điệp khúc” kéo dài.
Ngay trong một lớp thôi, ta cũng đã thấy sự lập lại đó: Tứ Đại, Giang Nam, Phụng Hoàng, Trường Tương Tư…; rồi 3 Nam, 6 Bắc cũng vậy. Đờn ca tài tử ngày nay muốn tồn tại, chúng ta cần cải tiến, trước tiên là rút ngắn bài bản lớp lang một cách hợp lý, cô đọng và hấp dẫn.
Mặt khác, để sự “kế thừa và phát triển” của loại hình nghệ thuật này trở thành hiện thực (chớ không chỉ là khẩu hiệu suông), điều không thể thiếu là sự tham gia đầy tâm huyết của các “thầy tuồng - soạn giả”. Bài “Dạ cổ hoài lang” từ nhịp 2 - 4 rồi trở thành vọng cổ nhịp 16 -32, ngoài sự luôn luôn cải tiến, sáng tạo về mặt âm nhạc, nó còn cần kết hợp cả lời ca làm đậm thêm các điệu tâm hồn, đầy rung cảm cho những bài vọng cổ ấy.
Bản vọng cổ phát triển và luôn hấp dẫn cho đến hôm nay là vì nó tập trung 3 yếu tố: Đờn (nhạc sĩ), lời ca (soạn giả) và giọng ca (nghệ sĩ) luôn làm cho người nghe đắm đuối. Chúng ta “bảo tồn” ca nhạc tài tử trong sự vận động, phát triển.
Bảo tồn mà không “bảo thủ” và phát triển, cách tân trên cơ sở kế thừa cái hay, cái đẹp, cái tuyệt vời của loại hình ca nhạc vừa dân gian, vừa bác học này. Phát triển, cách tân mà không “đoạn lìa, mất gốc”. Hạnh phúc biết bao khi nghe ai đó ca bài Tứ đại oán - lên “xế” xuống “xàng” tới chữ.
Trái lại, buồn lòng biết bao khi nghe ai đó ca “Oán” mà “xế” không tới “xế”, “xàng” không tới “xàng”, cứ lưng lửng, nửa vời, ngỡ như đang ca “nặng tình xưa”, “chuồn chuồn” hay “thập tình” gì đó. Bởi, nổi “Oán” niềm thương, chữ Xế, chữ Xàng, chữ Xang, chữ Xự trong mỗi bản nhạc đầy chất kinh điển của người xưa để lại đã trở thành những viên ngọc.
Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, nâng niu, trau chuốt cho nó sáng, đẹp rạng rỡ đến mai sau. Một nền văn hóa, một bộ môn nghệ thuật luôn giữ trong mình bản sắc riêng là nền văn hóa ấy, nghệ thuật ấy sẽ sống mãi trong lòng người.
Đờn ca tài tử là nghệ thuật của nhân dân. Nhân dân sáng tạo và nhân dân hưởng thụ. Thời xa xưa, khi mà đời sống nông nghiệp còn bao trùm, đờn ca tài tử được không gian và thời gian ưu đãi cho những bản đờn, lời ca thấm đậm hồn người suốt sáng thâu đêm. Đất nước ta đang chuyển rất nhanh vào đời sống công nghiệp.
Ánh điện thay ánh trăng. Phố thị thay làng quê và tiếng hò ơ dìu dặt mênh mông đang chìm dần vào những âm thanh hỗn loạn. Vậy thì điệu Xuân tình, khúc Nam ai, cung Oán, cung Xuân của nghệ thuật đờn ca tài tử cũng đang được và cần được nhân dân phát triển, sáng tạo để luôn phù hợp với cuộc sống mà vẫn luôn đậm đà bản sắc của mình.
Chúng ta càng hiểu rõ hơn, vì sao bài vọng cổ từ nhịp 2 phát triển thành nhịp 16, 32. Rồi từ 20 câu, còn sử dụng 4 câu. Và các bài bản khác, người ta chỉ chọn những lớp hay để viết, để ca, để diễn mà vẫn không phai mờ, lẫn lộn, mất chất. Trái lại, nó càng làm đậm đà cái tinh túy, hấp dẫn của những bài bản này.
Bên cạnh đó, vẫn dạy, vẫn học, vẫn giữ nguyên bản gốc, đầy đủ lớp lang, nhất là 20 bài bản tổ để lưu truyền lại mai sau. Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn. Đó là quy luật, là biện chứng. Đó cũng là bản sắc, là thuộc tính của nghệ thuật đờn ca tài tử của chúng ta.
T.H (giới thiệu)