Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị
Ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới”.
Qua 5 năm thực hiện nghị quyết và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của VHNT; cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ và giới văn nghệ sĩ (VNS) đã đón nhận tinh thần nghị quyết với sự đồng tình và phấn khởi; xác định đây là kim chỉ nam, là cơ hội, là bệ phóng của hoạt động VHNT, không những định hướng trong việc quản lý, tổ chức, sáng tạo, phát triển nghề nghiệp VHNT mà còn kích thích sự cống hiến của VNS; hoạt động văn hóa, VHNT của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Phó Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang trao bằng khen cho các tác giả đạt giải VHNT và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2012-2013 |
Về phát triển lực lượng, đến nay đã có trên 200 hội viên chính thức của Hội VHNT (trong đó có 57 hội viên được kết nạp vào các hội chuyên ngành của Trung ương); hơn 200 cộng tác viên sinh hoạt ở các câu lạc bộ (CLB) văn học trẻ, đờn ca tài tử cải lương, nhạc, nhiếp ảnh, múa… thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kỳ, định hướng và tạo điều kiện để lực lượng quần chúng tham gia sáng tác VHNT ngày càng đông đảo và chất lượng cao hơn.
Đáng chú ý là CLB Văn học trẻ, sau 15 năm hoạt động, bằng những hình thức sinh hoạt phong phú, khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách sáng tác đã từng bước nâng cao tay nghề, một số đã trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh góp phần trẻ trung không khí văn học.
Hoạt động sáng tác VHNT diễn ra sôi nổi, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; hàng vạn tác phẩm đã ra đời, với nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, múa… thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân; chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao; VHNT đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác và sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống, đạo đức trong một bộ phận xã hội.
Đặc biệt, sau 3 đợt phát động cuộc thi sáng tác tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc thi tìm hiểu 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp nhận hơn 6.500 tác phẩm dự thi trong các loại hình VHNT thu hút đông đảo VNS chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh và nhân dân từ thành thị đến nông thôn tham gia; nhiều bài dự thi đạt giá trị tư tưởng và nghệ thuật đã thể hiện được trình độ nhận thức chính trị, tình cảm của tác giả đối với Bác Hồ và Đảng sâu sắc, đồng thời đánh thức tiềm năng sáng tác VHNT của địa phương.
Công tác giới thiệu tác giả, tác phẩm và giao lưu văn hóa - văn nghệ được các ngành văn hóa, văn nghệ quan tâm. Ban biên tập tạp chí Văn nghệ, tập san Văn nghệ trẻ, tập san Thông tin nghiệp vụ văn hóa được củng cố, mở rộng chuyên trang, chuyên mục, thu hút được cộng tác viên, mở rộng mạng lưới phát hành; nâng tạp chí từ 4 số lên 6 số/năm, tập san từ 3 số lên 4 số/năm, tập san Thông tin nghiệp vụ văn hóa 4 số/năm, xuất bản hơn 50 đầu sách gồm: truyện ngắn, thơ, lý luận phê bình, nghiên cứu... được phát hành rộng rãi trong tỉnh và giao lưu với các tỉnh bạn trên toàn quốc.
Năm 2008, Website Văn nghệ Tiền Giang đi vào hoạt động đã giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước hàng ngàn tác phẩm của tác giả Tiền Giang về các loại hình VHNT cùng các thông tin về hoạt động VHNT trong tỉnh. Tổ chức nhiều cuộc biểu diễn, triển lãm, trưng bày tượng mỹ thuật, ảnh nghệ thuật, thư pháp… trong tỉnh và tham gia các cuộc thi được tổ chức ở các tỉnh bạn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trong nước.
Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng chuyên trang, chuyên mục văn hóa, văn nghệ đăng tải và phát sóng, phát hình giới thiệu, quảng bá tác giả, tác phẩm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của công chúng, tạo sự kích thích sáng tạo và cống hiến của VNS trong lĩnh vực VHNT.
Cùng với hoạt động VHNT chuyên nghiệp, phong trào VHNT quần chúng cũng phát triển mạnh. Đã lập hồ sơ nghệ thuật đờn ca tài tử gởi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình UNESCO đề nghị công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể; triển khai nhiều đề tài văn hóa dân gian như: hát dân ca, hát ru, nhạc lễ, múa bóng rỗi...
Qua thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 121 CLB, đội, nhóm đờn ca tài tử với hơn 2.000 người tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử ở 169/169 xã - phường, trong đó có 28 CLB sinh hoạt định kỳ hàng tháng ở các trung tâm văn hóa huyện, nhà văn hóa xã, các tụ điểm văn hóa.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 100 đội văn nghệ quần chúng các cấp xã - phường, khối cơ quan, trường học, các lực lượng vũ trang, các CLB sở thích, CLB văn hóa cơ sở, đã tổ chức trên 4.500 buổi biểu diễn, sinh hoạt phục vụ cho hàng trăm ngàn lượt người xem. Các địa phương, các ngành đã tổ chức gần 500 cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, thu hút hơn 1.000 lượt diễn viên không chuyên tham gia, với hàng vạn lượt người xem và cổ vũ.
Hoạt động đờn ca tài tử và các cuộc thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng bằng nhiều nội dung, hình thức, thể loại phong phú với hương vị đặc sắc của “cây nhà lá vườn” đã khơi dậy mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng, hình thành nên một đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc công và diễn viên không chuyên hoạt động sôi nổi, phục vụ có hiệu quả nhu cầu sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp công chúng, góp phần bảo tồn, giữ gìn phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo ở Nam bộ, mà Tiền Giang là mảnh đất sinh sôi của phong trào đờn ca tài tử những năm đầu của thế kỷ 20.
Đã xây dựng hơn 30 chương trình văn nghệ tham dự các cuộc liên hoan, hội thi cấp khu vực và trên toàn quốc đạt nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen.
Công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ, đội ngũ VNS đã được các ngành văn hóa, VHNT tập trung đầu tư. Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật được đầu tư nâng cấp và mở rộng cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học; liên kết đào đạo, xây dựng thêm chương trình chuyên nghiệp ngành nghệ thuật biểu diễn múa dân gian - dân tộc; đã đào tạo gần 700 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung cấp ngành văn hóa nghệ thuật cung cấp cho các ban, ngành và cơ quan.
Để đầu tư chiều sâu cho phong trào văn nghệ quần chúng, tỉnh tổ chức 38 lớp sáng tác ca cổ, kịch ngắn, chập cải lương, ca khúc, ảnh nghệ thuật, câu chuyện truyền thanh, phóng sự ngắn truyền thanh, các lớp đào tạo biên đạo múa, diễn viên trẻ, viết thư pháp, ảo thuật cho hơn 1.000 học viên công tác trên lĩnh vực VHNT ở cơ sở; tổ chức các lớp năng khiếu như: organ, guitar, múa - hát thanh thiếu nhi, khiêu vũ hiện đại, hội họa, nhiếp ảnh cơ bản, trống… thu hút hàng ngàn học viên tham gia học tập.
Hội VHNT mở nhiều trại sáng tác, tọa đàm, hội thảo… Từ việc sử dụng quỹ sáng tạo, Hội tổ chức 30 trại sáng tác cho các chuyên ngành: văn, thơ, mỹ thuật, nhiếp ảnh, ca khúc, kịch ngắn, tổng hợp... và tổ chức cho trại viên đi thực tế, thâm nhập vào cuộc sống quần chúng để tạo cảm hứng sáng tác, đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật tốt.
Tổ chức 2 cuộc hội thảo lớn nội dung về “Thấm nhuần Nghị quyết 23-NQ/TW, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao sức sáng tạo VHNT của VNS Tiền Giang”, “Củng cố và nâng cao hoạt động lý luận phê bình văn học tỉnh Tiền Giang” và 17 cuộc tọa đàm về văn học, âm nhạc, sân khấu, lý luận phê bình có mời các VNS có uy tín của Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh tham gia; đã giúp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và hội viên nâng cao chất lượng quản lý chuyên môn và kiến thức nghề nghiệp.
Về xây dựng thiết chế văn hóa, đến nay toàn tỉnh có 1 Trung tâm văn hóa và 1 Nhà thiếu nhi cấp tỉnh, 10/10 Trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, 64 nhà văn hóa cấp xã và trên 30 tụ điểm sinh hoạt văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa này đã tạo điều kiện sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở cơ sở và giao lưu văn nghệ với các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Có thể nói, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền VHNT trong thời kỳ mới”, tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng hoạt động VHNT của Tiền Giang đã đạt kết quả nhất định; khẳng định vị thế của mình với toàn xã hội, tạo được chỗ đứng vững chắc trong nền VHNT của cả nước.
Để Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị thực sự đi vào đời sống xã hội, thiết nghĩ Trung ương cần sớm ban hành quy chế, quy định rõ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Hội VHNT đúng với tính đặc thù và là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp của dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, được đầu tư, chăm lo cho sự phát triển theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cần sửa đổi, điều chỉnh chế độ tiền lương, nhuận bút, thù lao biểu diễn, tập dợt cho VNS, nhất là các nghệ sĩ ở các loại hình nghệ thuật nguy hiểm, nặng nhọc như múa, xiếc... Sớm có chính sách thuế ưu đãi cho hoạt động văn hóa, VHNT để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực hoạt động đặc thù này.
THANH HIỀN