Thứ Sáu, 29/11/2013, 05:41 (GMT+7)
.

Những khó khăn khi chuyển đổi mô hình mới

Đến nay, toàn tỉnh đã có 64 xã (phường, thị trấn) được công nhận danh hiệu văn hóa, góp phần thay đổi diện mạo từ nông thôn đến thành thị và nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân. Từ năm 2013 trở đi, phong trào xây dựng xã (phường, thị trấn) văn hóa đã được chuyển đổi sang mô hình mới là xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị theo quy định thống nhất của Trung ương. Việc chuyển đổi đã gặp phải một số khó khăn nhất định.

* MỘT CHẶNG ĐƯỜNG XÂY DỰNG XÃ (PHƯỜNG, THỊ TRẤN) VĂN HÓA

Sau khi có Nghị quyết 5 của BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 9-12-1998 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 475-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên cơ sở thống nhất 3 Ban Chỉ đạo (BCĐ) lớn của tỉnh trước đây là: BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, BCĐ phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh - Gia đình văn hóa (GĐVH)” và BCĐ xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Sau khi thành lập BCĐ tỉnh, song song với việc tiếp tục triển khai thực hiện phong trào xây dựng GĐVH, Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở VH-TT&DL) bắt đầu xây dựng mô hình ấp (khu phố) văn hóa theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ VH&TT (nay là Bộ VH-TT&DL). Những năm sau, do thực tiễn phong trào ngày càng phát triển nên lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện xây dựng các mô hình cơ quan văn hóa, xã (phường, thị trấn) văn hóa, nếp sống văn hóa nơi công cộng...

Qua 15 năm, phong trào xây dựng xã (phường) văn hóa đã giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Qua 15 năm, phong trào xây dựng xã (phường) văn hóa đã giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 923/1.016 ấp (khu phố) đạt danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 90,84%. Các đơn vị có số ấp (khu phố) được công nhận ấp (khu phố) văn hóa đạt tỷ lệ 100% là TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, Chợ Gạo và Gò Công Đông.

Để nâng cao chất lượng các ấp (khu phố) văn hóa, hàng năm Sở
VH-TT&DL và các huyện (thị, thành) đều tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách VH-TT cơ sở và Ban chủ nhiệm (BCN) các ấp (khu phố) văn hóa; tổ chức kiểm tra, hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm; đặc biệt là Hội nghị tổng kết 11 năm xây dựng ấp (khu phố) văn hóa (vào năm 2009).

Từ năm 1998 đến nay, Sở VH-TT&DL đã 7 lần tổ chức Hội thi BCN ấp (khu phố) văn hóa để nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực quản lý, điều hành cho BCN các ấp (khu phố) văn hóa trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng của các ấp (khu phố) văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Từ 2 xã (phường) văn hóa đầu tiên của tỉnh được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận ngày
29-12-2000 là xã Thới Sơn (Châu Thành, nay thuộc TP. Mỹ Tho) và phường 4 (TX. Gò Công), đến nay toàn tỉnh đã có 64/169 xã (phường, thị trấn) văn hóa, đạt tỷ lệ 37,86%.

Việc xây dựng xã (phường, thị trấn) văn hóa đã có tác động tích cực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; môi trường cảnh quan chung được cải thiện; giao thông thuận tiện; điều kiện học tập, khám, chữa bệnh của nhân dân được quan tâm đầu tư; nhân dân ngày càng có ý thức hơn trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương và cơ sở phát động… Qua đó xây dựng nên những cộng đồng dân cư phát triển về nhiều mặt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong tỉnh.

* SẼ KHÔNG CÒN XÃ (PHƯỜNG, THỊ TRẤN) VĂN HÓA

Qua 15 năm thực hiện phong trào xây dựng xã (phường, thị trấn) văn hóa đã gặt hái được những kết quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, phong trào xây dựng xã (phường, thị trấn) văn hóa là do chủ trương của các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có tỉnh Tiền Giang; không phải chủ trương thống nhất của Trung ương.

Để thực hiện phong trào, các tỉnh, thành đều xây dựng bộ tiêu chí riêng, tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương. Đối với tỉnh Tiền Giang, để thực hiện phong trào xây dựng xã (phường) văn hóa, tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí với 4 tiêu chí, mang tính chất phát triển toàn diện trên các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Hiện nay, Bộ VH-TT&DL đã có Thông tư quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị” và “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

Thông tư của Bộ VH-TT&DL xuất phát từ phong trào xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009. Như vậy, bắt đầu từ năm 2013, phong trào xây dựng xã (phường, thị trấn) văn hóa đã được chuyển sang mô hình xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và “Phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Để được công nhận xã (phường) văn hóa thì cần đạt 4 tiêu chí. Trong khi đó, để được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị thì cần phải đạt 5 tiêu chí. 5 tiêu chí xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới bao gồm:

Giúp nhau phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, ấp, bản văn hóa và tương đương; xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

5 tiêu chí phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị bao gồm: Quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị theo quy hoạch; nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị; xây dựng phong trào văn hóa, thể thao; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

Anh Nguyễn Minh Phúc, cán bộ Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết: Lộ trình của tỉnh từ năm 2013 đến 2015 phải chuyển hết 64 xã (phường, thị trấn) văn hóa sang xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị. Kế hoạch năm 2013 sẽ chuyển 30% xã (phường, thị trấn) văn hóa sang xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị; năm 2014 chuyển tiếp 30% và năm 2015 sẽ chuyển hết 40% xã (phường) còn lại.

Theo đó, năm 2013 sẽ chuyển các xã (phường): Mỹ Đức Tây, Tân Thanh (Cái Bè); Tam Bình, Tân Phú (Cai Lậy); Tân Hòa Thành (Tân Phước); Long An và thị trấn Tân Hiệp (Châu Thành); phường 1, phường 5, phường 8, phường 9, phường 10, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho); Lương Hòa Lạc, Đăng Hưng Phước và thị trấn Chợ Gạo (Chợ Gạo); Vĩnh Hựu, Bình Nhì, Thành Công (Gò Công Tây)…

Việc chuyển từ xã (phường, thị trấn) văn hóa sang xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị đã gặp phải một số khó khăn. Trước hết, quy định tiêu chuẩn xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị của Bộ VH-TT&DL có nhiều tiêu chí cao hơn so với quy định tiêu chuẩn xây dựng xã (phường) văn hóa.

Trong quy định tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL có một số tiêu chí thấp hơn so với tiêu chí xây dựng xã (phường) văn hóa của tỉnh. Tuy nhiên, trong quy định cũng có nhiều tiêu chí mới, đòi hỏi cao, muốn thực hiện phải có kinh phí lớn. Chính vì vậy, trong quá trình chuyển xã (phường, thị trấn) văn hóa sang xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị, các huyện (thị, thành) đã gặp một số khó khăn nhất định.

Theo quy định của Bộ VH-TT&DL, việc thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị do huyện (thị, thành) thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của phong trào, Sở VH-TT&DL đã đề nghị UBND tỉnh thành lập đoàn thẩm định cấp tỉnh để kiểm tra, thẩm định, nếu đạt sẽ đề nghị huyện (thị, thành) ra quyết định công nhận. 

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.