Thuyền độc mộc - dấu vết văn hóa cổ tại Tiền Giang
Tháng 12-2012, trong khi đi vớt củi tại bờ biển, khi nước rút, anh Lê Thành Lâm (ngụ ấp Trung, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) phát hiện một mũi thuyền độc mộc nhô lên khỏi mặt bùn lầy. Anh thuê nhân công tiến hành đào, trục vớt chiếc thuyền đưa vào bờ và báo chính quyền địa phương.
Thuyền được trục vớt kéo vào bờ. |
Qua khảo sát, chiếc thuyền được tìm thấy cách bờ biển 8 mét, mũi thuyền chếch về hướng tây nằm ở độ sâu 3m, đuôi thuyền nằm quay ra hướng đông ở độ sâu 2,5 m so với bờ biển. Thuyền có chiều dài 9,7m, rộng 1,13m, cao 48cm, dày 5cm, được chế tác: 2 đầu nhỏ lượn phình rộng đến phần giữa thân thuyền. Từ đầu đến phần đuôi có 11 hàng lỗ được đục cách nhau tương đối đều đặn, có thể dùng để đóng cong thuyền kết nối 2 mạn thuyền thêm phần chắc chắn.
Chu vi chỗ phình lớn nhất 1,7m, chất liệu gỗ sao, được đục khoét thủ công. Đây được xem là một trong những chiếc thuyền độc mộc lớn của Việt Nam tới thời điểm hiện nay (thuyền phát hiện tại sông Đuống, tỉnh Bắc Ninh dài 9,7m x rộng 0,95m; tại sông Hương, tỉnh Thừa Thiên - Huế: dài 9,4m x vòng tròn 1,43m; tại sông Cổ Chiên, tỉnh Vĩnh Long: dài 12,51m x rộng 0,9m)…
Căn cứ vào những chi tiết của thuyền thì chiếc thuyền độc mộc được đục khoét từ một nửa thân cây rất to, tính nguyên thân cây chưa khoét có chu vi gần 4m, được đóng thêm cong thuyền để giữ cho 2 mạn thuyền được chắc chắn, bên trên được gác một số thanh ván để cho người bơi thuyền ngồi . Thuyền có thể chở khoảng 20 - 25 người hoặc chở trên một tấn hàng hóa đi lại ven bờ biển.
Tìm hiểu về thuyền độc mộc Tân Điền được phát hiện tại Tiền Giang có thể thuyền được làm tại chỗ. Bởi theo thư tịch cổ Trung Quốc khi Chu Đạt Quan, một sứ thần của Trung Quốc có dịp đến Chân Lạp vào năm 1296 - 1297 đã mô tả như sau:
“Từ chỗ vào Chân Bồ là bụi rậm của rừng thấp, những cửa rộng của con sông lớn chảy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của các gốc cổ thụ..”, hay Lê Quý Đôn ghi chép trong Phủ biên tạp lục như sau: “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Tiểu, Đại toàn là những đám rừng hoang vu cỏ rậm, mỗi đám rừng có thể rậm hơn nghìn dặm”.
Như vậy, khi người Việt định cư tại cửa sông Soài Rạp đã tận dụng một số cây cổ thụ sẵn có tại nơi cư trú để tạo thành thuyền độc mộc vận chuyển hàng hóa cũng như con người trong khu vực này và các nơi lân cận.
Hiện chiếc thuyền đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Tiền Giang để tiếp tục nghiên cứu, trưng bày phục vụ khách tham quan tìm hiểu về vùng đất Tiền Giang xưa.
NGUYỄN MẠNH THẮNG