Thứ Tư, 11/12/2013, 10:34 (GMT+7)
.

Khoảng lặng

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Nữ hộ lý cao giọng dặn người nhà: “Chờ ở đây!” rồi dẫn Liên cùng vài thai phụ khác đi sâu vào một dãy hành lang dài và rộng. Những căn phòng dọc hai bên lối đi chật ních phụ nữ mang bầu. Trong bộ quần áo giống nhau của bệnh viện, lùm lùm những khuôn bụng to, nhỏ. Nét mặt họ cũng biểu lộ nhiều cảm xúc khác nhau.

Ngồi ở một góc giường đợi hướng dẫn tiếp, Liên bắt chuyện với vài người xung quanh và không ngừng quan sát. Không bao lâu Liên biết được dãy phòng đối diện với mình dành cho các chị em mang thai đã đủ tháng ngày, hứa hẹn giây phút cuối cùng sẽ “mẹ tròn con vuông”.

Còn những người ủ rũ kia, tương tự như Liên, phải chấm dứt thai kỳ vì một số nguyên nhân khó nói nào đó mà nó đã từng khiến cho người trong cuộc phải bàng hoàng, tuôn nhiều nước mắt để rồi đi đến chọn lựa này bằng cách tự an ủi, tự lý giải bằng thông điệp nhân văn là vì tương lai của nhiều người có liên quan…

Cho nên, trong câu chuyện dài, họ vẫn tránh hỏi nhau về tình trạng thai nhi đang trong bụng mỗi người mà chắc chắn không khỏi trải qua nhiều lần khám, chẩn đoán bằng phương tiện y học hiện đại cùng sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa.

Sở dĩ trong kia người ngồi, người nằm, người vật vã đau, thậm chí nôn mửa là do cơ thể họ đang chịu tác động của các thủ thuật y tế can thiệp. Sinh con theo xu hướng kinh nghiệm dân gian “nam Nhâm, nữ Quý” vẫn được nhiều gia đình chuộng, nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng được toại nguyện. Rơi vào những năm này, sản phụ đông và tỷ lệ trục trặc cũng tăng lên.

Nghe chuyện người và ngẫm chuyện mình, Liên cảm thấy hối hận vì xưa nay Liên vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc tìm hiểu kiến thức sinh sản, chỉ thấy ở quê mình hiếm xảy ra sự cố khi mang thai nên Liên chưa từng biết lo xa.

Cái hôm Liên xếp hàng ngoài cửa, rầu rĩ chờ đến lượt gọi tên vào phòng đặt thuốc thì mấy nhân viên bệnh viện đẩy một chiếc băng ca ngang qua trước mặt, nằm trên ấy là một phụ nữ hạnh phúc (có lẽ như vậy), thân nhân lăng xăng xách giỏ, túi; một cô gái trẻ không rõ là dì hay cô ẵm cháu bé đỏ hỏn quấn trong tấm khăn đẹp và ấm áp theo sau. Cô bước khá nhanh khiến cho cặp mông bó sát bởi chiếc váy túm cứ ngoắt qua ngoắt lại nhưng mà cô đang vội nên có vẻ không biết đến một loạt ánh mắt thèm muốn của các bà mẹ không may cứ dõi theo.

Chưa đến giờ thăm bệnh, mấy anh chồng tụm lại, kháo nhau:

Bà xã mình là y tá quân y cơ. Sợ bị rầy kém hiểu biết nên mình khai trong hồ sơ: Cô ấy là kế toán.
Vợ em sinh con đầu lòng. Bé bị bệnh như vầy, sắp tới em không biết làm sao nữa!
Nhỏ nằm giường bên cạnh là cave đấy. Bồ mới bỏ nên nó đi giải quyết.

Liên xuất viện trong nỗi đớn đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Liên không muốn nhắc lại tình cảnh tội nghiệp của mình vừa qua, nhưng quả thật có lúc Liên nghĩ chính sự chủ quan đến thờ ơ, tẻ lạnh của một số người phụ trách đỡ đẻ luôn khuất sau cánh cửa kín đáo kia đã dẫn đến hậu quả chết người mà dư luận phản ánh lâu nay.

Rồi một ngày buồn, tản mạn đi vào trang web nọ, Liên đọc được thông tin về hệ lụy của nạn phá bỏ thai như là một nghiệp chướng mà không phải chị em nào cũng khéo tránh để nẻo đời mình rộng mở hơn.

NGUYỄN THỊ MƠ

.
.
.