Ráo riết chuẩn bị cho Festival Đờn ca tài tử 2014
Thông tin này truyền đi đã mang lại niềm hân hoan, phấn khởi cho tất cả tài tử và người mộ điệu khắp nơi, đáp ứng sự mong đợi của chính quyền, nhân dân và người làm công tác hóa – văn nghệ ở 21 tỉnh, thành khu vực phía Nam, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật đặc sắc của mảnh đất Nam Bộ. Ảnh: Báo Bạc Liêu |
Còn nhớ những ngày đầu năm mới 2013, soạn giả nổi tiếng Trọng Nguyễn của tỉnh Bạc Liêu dù đang bệnh nặng vẫn băn khoăn, nôn nóng hỏi thăm lãnh đạo tỉnh, làm sao để Đờn ca tài tử sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sự mong đợi đó là tâm trạng chung của tất cả những ai làm công tác văn hóa - văn nghệ và yêu nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật truyền thống vừa mang tính hàn lâm (do xuất phát từ nhạc lễ cung đình theo dòng người đi mở cõi phương Nam), lại vừa mang tính dân gian (do người dân thể hiện và sáng tạo thêm lời, phát triển thành loại hình riêng phù hợp giọng phát âm, tâm tư của người Nam bộ qua nhiều thế hệ). Hầu hết người dân vùng đất này đều cho rằng Đờn ca tài tử là một phần máu huyết của mình và tất cả tài tử, người mộ điệu gần xa đều là bạn tri âm.
Tin Đờn ca tài tử được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 5/12 làm nức lòng những người trông đợi. Từ đây, phong trào sẽ được tiếp tục đẩy lên về chất nhiều hơn và được nhiều cấp, ngành, nhân dân quan tâm phát huy giá trị nghệ thuật trong đời sống đương đại.
Thông tin này cũng tiếp thêm niềm tin và lửa nhiệt tình cho lực lượng nghệ nhân nhiều kinh nghiệm nỗ lực truyền nghề cho lớp trẻ kế thừa.
Tài tử - nghệ nhân Phan Văn Hùng của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Kinh phí nhà nước hỗ trợ không có bao nhiêu nhưng mọi người đều đam mê nên tự bỏ tiền túi ra để hát, để sinh hoạt. Mong muốn của chúng tôi thì rất nhiều, nhưng chủ yếu là muốn đào tạo được cho lớp trẻ”.
Nghệ nhân Thiều Quang Miêu của thành phố Cần Thơ vui mừng: “Thế giới đã công nhận Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Được như vậy tôi mừng và tự hào lắm. Đờn ca là cái nôi truyền thống của nước ta và phải truyền dạy cho các thế hệ sau”.
Tháng 4 năm tới, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu. Ở thời điểm Festival đang được ráo riết chuẩn bị, việc UNESCO công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng tạo niềm hân hoan cho tất cả những ai yêu thích Đờn ca. Đồng thời sự kiện này cũng góp phần cho không khí những ngày hội Festival Đờn ca tài tử Quốc gia tại Bạc Liêu sắp tới thêm long trọng và sôi động.
(Theo vov.vn)