Về quê tảo mộ
Thư nhắn vô inbox của tôi: Tết này chị nhớ về sớm nghe, về tảo mộ!”. Tôi hỏi: Sớm là chừng nào? Thư sốt sắng: Khoảng 24, 25 gì đó, để em hỏi coi dưới ngoại tảo mộ ngày nào. Tôi nhìn avatar của Thư hiện trên cửa sổ chát, bức ảnh chân dung nhìn nghiêng, giống như in dì hồi trẻ. Trong 3 đứa con gái, Thư giống dì nhất, càng lớn càng giống, từ diện mạo, tính tình đến cách đối nhân xử thế…
Tôi với Thư có chung một tuổi thơ cùng sống và lớn lên nơi quê ngoại. Là chị em, nhưng tôi lớn hơn Thư. Khi dì sinh em thứ 2, trong hoàn cảnh cả hai vợ chồng cùng đi làm (hồi đó chưa có nhà trẻ hay bảo mẫu như bây giờ), phải mang Thư về gửi ngoại. Tôi vừa tốt nghiệp phổ thông, vào sư phạm đi học trên tỉnh. Đi học xa, trong nỗi nhớ nhà, có hình bóng đứa em gái bé bỏng, tối tối ngủ chung, thiếu mẹ, thường măng cùi chỏ làm tôi vừa nhột vừa tức cười, vừa thương.
Minh họa: Lê Duy |
Nhớ những trưa miệt vườn yên ắng, nghe rõ tiếng con ong bầu vo ve trên giàn mướp bên hiên nhà, nhịp võng kẽo kẹt và tiếng ầu ơ bà ru cháu. Nhớ những chiều mưa ngồi bên ngạch cửa, hai chị em cùng chúi mũi ngắm những bong bóng bập bồng rồi vỡ tung dưới rãnh nước, đôi mắt Thư tròn xoe, theo những câu chuyện cổ tích tôi thêu dệt để làm nguôi nỗi nhớ mẹ của đứa bé mới lên ba. Thứ bảy nào tôi cũng xếp hàng chờ cả buổi để mua vé chuyến xe chót về quê.
Từ bến xe phải đi bộ hơn cây số, qua một con đò chòng chành, tối mịch mới tới nhà. Thư vẫn ngồi đợi tôi nơi ngạch cửa. Mọi bữa, giờ này nó ngủ mất tiêu rồi, nhưng nay là thứ bảy nên nó thức đợi. Nó trông suốt tuần ngày nào cũng hỏi: Tới thứ bảy chưa để chị T về. Bà ngoại kể, khi tôi lấy từ túi xách ra cái bánh mì ngọt hình con cua mua vội ở bến xe đưa cho Thư, nó cười rạng rỡ, ôm bịch ni lông đựng ổ bánh mì trèo lên ván, nhắm mắt ngủ liền.
Ngày chủ nhật, ngoài việc giặt mớ quần áo dơ cả tuần xách về, kho cá, rang tép để thứ hai mang đi (hồi đó khó khăn, sinh viên đi học xa đâu có tiền ăn cơm tiệm như bây giờ), tôi dành hết thời gian còn lại cho Thư. Mà nó lúc nào cũng lẽo đẽo bên tôi. Khi tôi giặt đồ hay mần những con tép lặn tép lội, mớ cá lòng tong, cá bống dừa ông ngoại đặt lợp đặt lờ, nó ôm cái ghế nhỏ ông ngoại đóng riêng cho nó ngồi kế bên.
Tới giờ, tôi vẫn còn nhớ giọng cười trong trẻo của nó nhìn tôi vẫy những bong bóng bọt xà bông tim tím, những câu hỏi non nớt ngây thơ: Con tép, con cá nhỏ này nhà ở đâu vậy? Sao nó đi lạc để bị bắt? Thư lanh lợi, hiếu động, nhưng cũng rất nhạy cảm, chắc là thừa hưởng cái gien của dì, cô giáo dạy văn.
Nó sớm ý thức được vì “hoàn cảnh” phải xa cha xa mẹ về ngoại nương náu nên không khóc nhè, vòi vĩnh đòi mẹ đòi cha. Một tháng dì dượng về thăm nó một lần, nó được ngủ với ba mẹ một đêm. Khi dì dượng ôm hun nó để trở về Sài Gòn, nó đứng nhìn theo, rồi chui vô kẹt cửa, không khóc mà thút thít… mếu.
Về ngoại, Thư không bị bỏ cù bơ cù bất vì mẹ phải trông em nhỏ, không phải bị nhốt trong phòng tập thể một mình khi dì dượng đi làm. Ở quê, dù khó khăn, nhưng ngày ba bữa cơm nước, bánh trái đều đặn, được ông bà chăm chút, lại được hít thở không khí trong lành, nó khỏe mạnh và mau lớn thấy rõ. Mỗi lần về thăm, nhìn con bé phổng phao, dì dượng cũng yên dạ phần nào để trở lên thành phố miệt mài với cuộc mưu sinh.
Như vầy là tốt rồi, bây cứ yên tâm để nó dưới này, chừng nào tới tuổi đi học hẳn tính. Bà ngoại với dì dượng như vậy. Nhưng dù bà có dành cho Thư sự yêu thương, chăm sóc ra sao, thì một đứa con nít hai, ba tuổi vẫn cần những đứa trẻ cùng trang lứa để chơi đùa. Vậy là nó cứ đeo riết lấy tôi, vì quanh đi quẩn lại trong nhà, chỉ có tôi là còn có thể cùng nó chơi mấy trò con nít như hái bông bụp, cắt lục bình, lượm bông vú sữa chơi nhà chòi. Tôi đi học xa nhà, nó nhớ và mong từng ngày tôi về để cùng chơi với nó.
Trong ký ức tôi vẫn còn lưu giữ hình bóng của Thư hồi bé, tóc hớt com-bê, ngồi nơi ngạch cửa đợi tôi về, bịn rịn tiễn tôi đi với lời căn dặn: “Cô giáo” đi học nhớ mua bánh mì con cua về cho Thư. Tôi nhớ những trưa hè quạnh quẽ “hai đứa” rúc ở sau bếp ngồi canh chảo dầu dừa của bà ngoại, đợi dầu thắng tới để được thưởng thức món “cứt dừa” vàng rượm, thơm tho. Hồi đó, tôi mong 2 năm sư phạm qua mau, để về quê dạy học, được ở bên Thư. Nhưng tôi đã không theo nghề giáo, cũng không về sống ở quê nhà.
Chớp mắt mà đã 30 năm. Ông bà ngoại đều đã lần lượt qua đời. Đám con cháu chúng tôi chỉ tụ hợp lại vào những dịp lễ tết, giỗ chạp, mà cũng không được đông đủ, đề huề như ngày ông bà còn sống. Ai cũng bận bịu bon chen với cuộc mưu sinh, hiếm hoi lắm mới sắp xếp được công việc về thắp nén nhang cho ông bà ngày tư ngày tết.
Dù không thường xuyên gặp, nhưng mối liên hệ, thông tin giữa mọi người trong gia tộc vẫn được giữ, được thông báo cho nhau, chuyện vui cũng như chuyện buồn, sự may mắn cũng như điều rủi ro. Tôi được biết, nhiều năm sau gia đình dì dượng đã đựợc cấp đất, cấp nhà ở thành phố, cuộc sống ổn định, ngày một phất lên. Trong mấy chị em, Thư học hành thăng tiến, nhưng có chút trục trặc trong hôn sự vì nó yêu một chàng xứ Nghệ xa xôi vừa nghèo, vừa theo đạo Công giáo gốc, trong khi gia đình dượng thuộc “nòi” cách mạng. Cả họ tộc bên nội Thư phản đối, có người còn dọa sẽ “từ” Thư nếu kết hôn với anh chàng này.
Bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi, nhưng cuối cùng tình yêu chân thật đã giành phần thắng. Ngày Thư cưới, tôi đang lang bạt tận Măng Đen, thám hiểm Đà Lạt thứ hai, không về dự kịp. Sau đó, nghe nói, vợ chồng Thư nhận được học bổng du học ở Úc, ra trường hai đứa xin định cư lại đây, quyết tâm gầy dựng tương lai sự nghiệp. Bẵng 10 năm tôi không gặp lại Thư, chỉ thấy những tấm hình thỉnh thoảng Thư đưa lên Facebook.
Nhìn ảnh vợ chồng nó tươi cười, bên nhà đẹp, xe xịn, những thành phố tráng lệ, tiệc tùng linh đình, những khung cảnh đẹp như mơ, nơi Thư sống và thăm thú, tôi vừa mừng cho Thư, nhưng cũng không khỏi bùi ngùi tự hỏi: Liệu Thư còn nhớ chút gì cái bánh con cua, những con tép mồng tép muỗi, hàng rào bông bụp, mảnh sân rụng đầy bông vú sữa… nơi quê ngoại ngày nào?
Cách đây 1 năm tôi được tin vợ chồng Thư về nước định cư. Nó dắt chàng trai xứ Nghệ về thăm khắp họ hàng bên ngoại, lát dal thẳng tắp con ngõ lầy lội từ đường chính vô nhà ngoại, sửa sang nếp nhà thờ, xây mới lại gian sau đã mục nát… Tôi lại mừng thầm, vậy là Thư vẫn còn nặng lòng với quê nhà, cái quê nhà vẫn canh cánh bên tôi, nhưng tôi chưa làm được chút gì cho những con người ở đó.
***
Ngày tảo mộ cũng là ngày ăn mừng… nhà mới, mọi người về khá đông đủ. Sau một ngày quét tước, dọn dẹp, sơn phết lại khu mộ ông bà, đám con cháu lần lượt ra đi, Thư rủ: Chị ở lại chơi một đêm, mai em đưa chị về sớm. Cơm nước, cúng kiếng xong, tối mọi người qua nhà dì Út ở đối diện nhậu và hát karaoke. Thư nói: Chị ở lại ngủ với em. Tôi cười. Sao không qua bển cho vui, lâu lâu mới có dịp tụ tập mà. Thôi nhậu nhẹt mệt lắm, ngủ cho “phẻ”, với lại ở đây em cảm thấy gần gũi với ông bà ngoại hơn.
Lâu rồi mới được ngủ lại trên bộ ngựa mát rượi, hai đứa quyết định không trải chiếu. Bộ ngựa gõ này năm nào tới tết ông ngoại cũng “dồi” cho lên nước bóng dợn. Tôi nhắc, Thư tiếp lời. Cũng là bộ ván “ngày xưa” hai chị em từng ngủ. Em nhớ, hồi nhỏ, chị hay gãi đầu, kể chuyện Công chúa Bạch Tuyết và bảy chú Lùn để dỗ em ngủ. Tôi xúc động. Thư vẫn còn nhớ sao? Em nhớ chứ, nhớ không sót một thứ gì. Lúc ở nước ngoài, em chỉ mong trở về để được nằm ngủ trên bộ ván mát lạnh này.
Có một cái gì đó như đang cựa mình, trỗi dậy mạnh mẽ quanh đây. Mùi đêm: Nguyệt quế, trâm ổi ngan ngát ngoài cửa sổ cùng âm thanh ri rỉ của con dế trong bụi rậm bên hè, tiếng con chim trộm trái vỗ cánh sành sạch trên cành vú sữa. Chỉ còn tiếng ngoái trầu lộp cộp của bà ngoại nửa đêm trở dậy ăn ghiền nữa là có thể sống lại trọn vẹn không gian của 30 năm trước.
Giọng Thư thì thầm. Chị nhớ ngoại hả. Ừ, nhớ lúc ngoại sắp “đi”, còn biểu chị ngoái cho một cối trầu. Tiếc là hồi ngoại còn sống em chưa làm gì được cho ngoại. Hồi đó em còn nhỏ quá mà. Ước gì quay lại ngày xưa, chị hén. Qua bóng trăng mờ chiếu từ cửa sổ, tôi ngắm khuôn mặt trông nghiêng với sóng mũi cao cao của Thư. Câu hoài niệm đầy nuối tiếc này phải để dành cho tôi. Thư mới qua 30, còn quá trẻ, lại thành đạt như vậy…
Như đoán được suy nghĩ của tôi, Thư thủ thỉ kể: Chị biết không, nhìn vậy chứ em cũng trải qua nhiều bầm dập lắm. Ngày yêu ông xã, bên nội đòi “loại” em ra khỏi dòng họ. Chỉ chuyện em theo đạo hay không theo đạo, bên nào cũng khư khư giữ chính kiến của mình, tụi em bị áp lực dữ lắm. Gia đình ông xã thuộc diện cấp sổ nghèo, lại còn một đám em nheo nhóc, ba mẹ sợ em khổ. Mấy cô còn nghi ngờ ông xã “đeo bám” em vì “đào mỏ”.
Để minh chứng cho tình yêu của mình, tụi em chỉ cầu xin sự chấp nhận của gia đình hai bên, còn mọi chuyện đều tự lập. Hai đứa vay mượn bạn bè, đặt tiệc ở nhà hàng cưới xong làm từ từ trả nợ. Chị có tin là bộ nữ trang em đeo ngày cưới cũng phải đi thuê. Tụi em ở nhà mướn, đi tiếp thị bia, tiếp thị mỹ phẩm kiếm tiền dành dụm đi du học. Hai đứa quyết tâm phải gầy dựng được sự nghiệp mới quay về.
***
Sáng hôm sau, trước khi trở về TP. Hồ Chí Minh, Thư rủ tôi ra vườn. Gần 3 mẫu đất của ông bà ngoại xưa trồng chủ yếu là dừa, giờ chia năm xẻ bảy cho các cậu dì, mạnh ai nấy canh tác, lam nham, thu nhập không được bao nhiêu với tình trạng được mùa, rớt giá.
- Em định “hỗ trợ” vốn cho mấy cậu, mấy dì khôi phục lại vườn dừa. Gẫm dừa kinh tế cao vì không chỉ thu hoạch trái, toàn bộ cây dừa từ thân, lá đến vỏ, gáo dừa đều có thể sử dụng được. Hồi ở Úc em có tham quan một trang trại trồng dừa ở miền Bắc. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như vậy mà người ta còn khôi phục lại cây dừa vì hiệu quả kinh tế của nó, thì tại sao ở xứ nhiệt đới đầy đủ điều kiện như mình lại bỏ qua thứ cây quý này.
Ngẫm lại, ông bà xưa làm vườn hay hơn mình bây giờ. Vườn tược xưa, dù trồng gì cũng có hàng dừa ở mé mương, mé rạch, vừa để chống sạt lở, vừa có thêm thu nhập từ dừa tươi, dừa khô; tàu dừa rụng thì róc lấy lá, lấy củi chụm. Mình cứ chạy theo mấy loại cây xa xỉ, nhập từ nước ngoài về, có khi không hợp với thổ nhưỡng của mình mà bỏ qua những loại cây “truyền thống”.
Tôi hỏi Thư theo học ngành gì lúc ở nước ngoài? Thư bảo Công nghệ thông tin. Vậy mà chị tưởng em nghiên cứu về nông nghiệp. Thư cười hì hì nói giờ thiếu gì những người trẻ, làm những việc trái với chuyên môn của mình, miễn là có niềm đam mê.
Trên đường về Mỹ Tho, Thư cho tôi biết về công việc hiện tại. Vợ chồng Thư đang quản lý một công ty cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch, liên kết với một số nhà vườn, trang trại lớn chuyên trồng trọt theo hướng hữu cơ. Hướng tới công ty sẽ xuất khẩu một số sản phẩm làm từ nông sản sạch.
- Chị còn nhớ ngày xưa bà ngoại hay thắng dầu dừa không?
- Nhớ, nhớ nhất là món “cứt dừa”, đã mấy chục năm rồi không được ăn.
Thư hào hứng.
- Đó, đó, đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu tụi em đang nhắm vào. Dầu dừa không chỉ tốt cho sức khỏe, có công dụng hỗ trợ việc điều trị một số bệnh, mà còn rất hiệu quả trong việc làm đẹp, chống nhăn da, trị rụng tóc, trị gàu. Ngày xưa nhờ sức dầu dừa mà búi tóc mấy bà no tròn, bóng mượt. Từ ý tưởng đó, hồi ở Úc, tụi em có làm dầu dừa bán thử, rất được hưởng ứng từ cộng đồng.
Tôi kêu lên.
- Cái gì, làm dầu dừa ở bên Úc hả?
Thư cười.
- Có gì mà không làm được, chị. Tụi em còn chụm bằng củi đàng hoàng, chứ hổng phải xài bếp gas đâu. Chính thu nhập từ dầu dừa đã giúp vợ chồng em vượt qua phần nào những khó khăn ban đầu. Mấy lúc ngồi canh chảo dầu, nghe tiếng củi nổ lách tách trong lò, em có cảm giác như mình đang ở quê nhà..
Đưa tôi về Mỹ Tho, Thư hẹn Tết này về ngoại sẽ cùng tôi… thắng một chảo dầu dừa. Nhìn Thư ung dung lái chiếc xe đời mới hướng ra Quốc lộ trở về TP. Hồ Chí Minh mà lòng tôi chộn rộn nỗi niềm khó tả. Người ta hay vu cho lớp trẻ bây giờ, càng được đi học ở nước ngoài, càng hiện đại thì càng xa rời gốc gác, quê hương, xa rời những gì thuộc về truyền thống. Xem ra không hẳn là vậy.
Chuyến về quê tảo mộ, gặp lại cô em họ sau bao năm xa cách đã gợi lại trong tôi biết bao điều.
THU TRANG