Thứ Tư, 08/01/2014, 11:04 (GMT+7)
.

Vườn kiểng độc đáo của cụ Năm Lý

Cụ Lý  bên gốc khế.
Cụ Lý bên gốc khế.

Cụ Năm Lý (Võ Thành Lý), năm nay 85 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành có vườn kiểng khá nổi tiếng vì có nhiều cây kiểng cổ độc đáo. Tham quan vườn kiểng của cụ, nhiều người không ngớt trầm trồ bởi không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại, mà còn có nhiều cây kiểng cổ quí hiếm. Dẫn chúng tôi đi tham quan, cụ Lý vừa giới thiệu như một hướng dẫn viên du lịch; vừa giảng giải triết lý sâu xa từng dáng, thế, điển tích của từng cây kiểng cổ quí hiếm mang tính giáo dục sâu sắc. Giọng cụ thiệt thà: “Kiểng cổ còn là một loại hàng hóa đặc biệt, bởi vì giá trị kinh tế của nó ít ai ngờ tới”. Chỉ vào cây khế sần sùi, rêu phong bao phủ, gốc hơn một người ôm, cụ cho biết có người trả giá 350 triệu đồng nhưng cụ chưa bán. Theo cụ Lý: “Chơi kiểng không chỉ là một thú vui tao nhã, mà còn lưu giữ, bảo tồn một loại hình văn hóa dân gian đặc trưng, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc”.

Giàn mai kiểng của cụ có đủ loại: mai vàng, mai tứ quí, mai chiếu thủy, với độ tuổi không dưới 50 năm, có nhiều cây trên 100 năm tuổi, thậm chí có gốc mai vàng trên 200 năm tuổi, tàng cao 7m, chu vi gốc gần 1 m. Cụ giảng giải: “Để có một cây kiểng cổ quí hiếm, cần 2 yếu tố: thiên tạo và nhân tạo. Ngoài giá trị về chủng loại, có những loại cây không ai nghĩ rằng sẽ trở thành kiểng cổ, nhưng nhờ có yếu tố thiên tạo và bàn tay khéo léo của con người cắt, tỉa, uốn, nắn có thể trở thành “hàng độc”.

Trong vườn kiểng của cụ có cây sapôchê 40 năm tuổi được xếp vào loại độc đáo, có một không hai. Là một loại cây ăn trái trong vườn, nhưng khi phát hiện gốc, rễ có dáng dấp kỳ lạ, bắt mắt, nhìn từ phía bên này thấy giống như một con lân đang phủ phục, nhìn từ phía đối diện sang lại thấy giống một chú ếch đang chuẩn bị một bước nhảy xa, còn nhìn tổng thể từ ngọn xuống đến thân và gốc thì chẳng khác gì một con rồng đang uốn lượn. Trải qua một quá trình dày công cắt tỉa, uốn nắn, gốc sapôchê đã trở thành một cây kiểng quí hiếm. Còn cây đào tiên ở vườn kiểng nhà cụ Lý cũng không giống ai, chẳng thấy một cái lá nào, gốc thẳng đứng, cành quấn quít với nhau đan thành 4 tầng hình tháp, mỗi tầng treo lủng lẳng những trái đào tiên to tròn, trông rất đẹp mắt. Hàng “độc” còn có cây cà na trên 200 năm tuổi, dáng cổ kính lồ lộ từ gốc, rễ đến thân cành, cụ bảo phải dùng đến xe cần cẩu mới chở về được. Gốc cà na to phải đến 3, 4 người ôm, quí vì nó hiếm - cụ nói. “Độc” nhất có lẽ phải kể đến cây tràm, bởi mấy ai ngờ cây tràm cũng trở thành cây kiểng cổ. Gốc tràm 350 năm tuổi này do đứa con thứ của cụ là anh Bảy Cảnh “săn lùng” từ ngoài Huế đưa về. Dáng đứng hiên ngang sừng sững, gốc rễ sù sì, rêu phong bao phủ, từng cục u nần nổi lên từng lớp, từng lớp, tạo nên một nét cổ kính, phong trần, thách thức với thời gian, “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Cụ cho biết, có nhiều “đại gia” từ TP. Hồ Chí Minh nghe tiếng tìm tới năn nỉ cụ xin “rước về”, nhưng cụ chưa muốn “gã bán”. Tôi hỏi giá cả, cụ cười: “Đã là hàng “độc” thì giá vô chừng. Vả lại, bây giờ có đốt đuốc cũng không tìm đâu ra cây tràm 350 năm tuổi. Nếu tôi “hét” khoảng 1 tỷ đồng, chắc giờ này nó không còn nằm ở đây”.

Vườn kiểng của cụ Năm Lý không dưới 200 gốc. Cụ nói, gốc nào giá thấp nhất cũng không dưới 50 triệu đồng. Chỉ cho tôi xem cặp vạn niên tùng quý hiếm, cụ cho biết, năm 2008, anh Bảy Cảnh đưa lên TP. Hồ chí Minh tham dự Hội hoa Xuân được trao giải Bạc, sau đó có người trả 500 triệu đồng, cụ tiếc nên không bán. Hàng “độc” trong vườn kiểng nhà cụ Lý còn nhiều, trong đó có những bộ khế gân, ổi xiêm tứ diện gần 100 năm tuổi, không chỉ cổ kính, rêu phong mà còn đẹp về hình thế, cành tán. Cặp sanh trong vườn của cụ cũng thuộc vào hàng đặc biệt. Một cây tàng ngũ phúc bề thế, uy nghi, đẹp từ tàng trên cùng đến tàng sát gốc. Một cây phơi bộ rễ “quái cổ” xây tròn nổi trên mặt đất cao 3m, đường kính 2m, trông giống như một túp lều của người dân tộc, một người lớn có thể chui vào trong đó. Cả 2 cây đều do anh Bảy Cảnh săn lùng từ vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang đem về.

Kể về vườn kiểng của mình, cụ Lý tâm sự: “Tôi mê kiểng từ hồi còn trẻ, nhưng để có được vườn kiểng như hiện nay là do các con tôi cùng chung tay, góp sức”. Tảo tần khuya sớm nuôi 9 người con (trong đó có 1 liệt sĩ) khôn lớn, trưởng thành, thấy cha mình mê kiểng, các con ông thường tìm kiếm những cây kiểng quí hiếm đem về tặng cha. Trong số những người con của cụ Lý, anh Bảy Cảnh là người làm ăn khấm khá nhất và cũng là người mê kiểng như cha, nên thường cất công đi săn lùng kiểng từ các nơi đem về.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.