Thứ Hai, 17/02/2014, 10:09 (GMT+7)
.

Những kỷ niệm với Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Năm 1978, đang học năm thứ 2 sư phạm, về Trường THCS Cái Bè thực tập giảng dạy, tôi được chọn giảng tiết đầu tiên với một đoạn trích trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Đây là tiết giảng ra mắt của đoàn. Thầy trưởng đoàn căn dặn tôi phải chuẩn bị thật kỹ. Tôi bỏ gần 1 tuần cho giáo án, giảng thử, tập đi tập lại cách đọc diễn cảm...

Ngày lên lớp giảng, nhìn 2 dãy bàn sau cùng đủ mặt ban giám hiệu, thầy cô của trường, của đoàn, tôi hơi…khớp, nhưng sau các trình tự mở đầu, khi bắt đầu vô bài giảng, tôi trở nên dạn dĩ, nhập tâm kể lại cảnh gặp gỡ, chia tay của cha con ông Sáu, nỗi oái oăm vì vết sẹo trên mặt ông mà đứa con sau bao năm xa cách nhất định không chịu nhận cha, để khi tình phụ tử trỗi dậy, nó chạy xộc tới gọi tiếng ba như xé lòng, cũng là lúc ông phải lên đường và vĩnh viễn nằm lại trong cánh rừng, chỉ còn chiếc lược ngà do chính ông tỉ mẩn cưa từng răng lược để lại cho con…

Lớp học im phăng phắc, những ánh mắt học trò đau đáu nhìn lên… Tiết giảng kết thúc, thầy trưởng đoàn mang hoa lên tặng và nói: Cám ơn em đã mở đầu tiết giảng thật ấn tượng! Trong thâm tâm tôi “hàm ơn” Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết một tác phẩm đầy tính nhân văn để tôi được là người truyền đạt…

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và các cây bút trẻ - Trại sáng tác  văn học Trẻ năm 2000.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và các cây bút trẻ - Trại sáng tác văn học Trẻ năm 2000.

Duyên may, chỉ vài tháng sau, tôi được gặp ông trong lớp đào tạo lực lượng viết trẻ do Hội Văn nghệ Tiền Giang tổ chức. Đạo diễn Văn Sinh (ban tổ chức lớp học) giới thiệu: Ngày mai các cháu sẽ được gặp gỡ, tiếp xúc với Nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Khác với cá tính nho nhã cũng như lối viết chỉnh chu của Nhà văn Anh Đức, Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người hào sảng, sôi động, văn phong của ông thấm đẫm chất đời…

Quả nhiên, không lý luận, vòng vo, trong buổi tiếp xúc đầu tiên, tác giả Chiếc lược ngà cho chúng tôi một lời khuyên… ấn tượng: Các bạn trẻ mới cầm bút phải chú ý đến chi tiết, có những chi tiết tưởng như bá vơ trong cuộc sống nhưng khi cần có thể đem vô truyện. Ông kể, thuở mới lớn, “cô bồ”  đã hẹn ông: “Đêm nay trời sáng trăng suông, mình ra ruộng ngồi tâm sự”. Ông nhớ mãi câu nói đó và khi viết Chiếc lược ngà, ông đã mở đầu bằng bối cảnh: “Vào một đêm trời sáng trăng suông…”.

Sau này, khi tôi về Hội Văn nghệ Tiền Giang, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với chú Năm Sáng, dù trong các buổi nói chuyện, trao đổi về văn chương hay trong những lần “bù khú” nơi quán xá, tiệc tùng, qua những câu chuyện mà giới văn nghệ gọi là tào lao, tôi đều học hỏi ở ông nhiều điều thú vị.

Đối với ông, chuyện “ăn chơi”, cũng như “viết lách” đều phải rạch ròi, dứt dạt, nhậu ra nhậu, làm việc ra làm việc. Những cuộc hội họp văn nghệ kéo dài triền miên, mang tính chất “đấu đá” thì dù được mời ngồi ghế danh dự, ông cũng tìm cách… bỏ đi nhậu. Những trại viết kiểu ầu ơ ví dầu mở để có thành tích báo cáo, để chạy… kinh phí cuối năm của một số địa phương mời ông phụ trách, ông chỉ dự phần khai mạc rồi… không thấy xuất hiện ở đoạn kết.

Nhiều ý kiến phê bình ông thiếu trách nhiệm, không nghiêm túc, nhưng tôi đã chứng kiến sự nghiêm túc và đầy trách nhiệm ở ông. Năm 2000, Chi hội Văn mở Trại Sáng tác văn thơ trẻ, mời ông phụ trách phần văn xuôi.

Theo lịch làm việc, trại viên nộp tác phẩm đến ban tổ chức để gửi cho nhà văn đọc trước. Đến hôm khai mạc, sau phần trao đổi về kinh nghiệm sáng tác, nhà văn sẽ góp ý trực tiếp từng tác giả. Trong CLB Sáng tác Trẻ Tiền Giang có em Khánh Liêm, học sinh Trường THPT Chuyên, được đánh giá là cây bút văn xuôi có nhiều triển vọng, vào thời điểm mở trại em đang tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Buổi làm việc ở trại vừa kết thúc. Bạn bè văn nghệ Mỹ Tho nghe Nhà văn Nguyễn Quang Sáng về, đã bày tiệc chào đón, nhiều cú điện thoại thúc giục, nhưng khi em Khánh Liêm chạy đến (sau cuộc thi) nộp bản thảo truyện ngắn, ông đã… mượn phòng làm việc của tôi đóng cửa 15 phút để đọc truyện ngắn của Khánh Liêm. Ông đã nhận xét: Cháu viết khá lắm và nói vui: Chú có thể trễ một bữa nhậu, nhưng nếu không đọc truyện này, biết đâu chú đã bỏ sót một “tài năng” văn chương…

Dù sống ở Sài Gòn nhưng ông luôn xem mình là người ĐBSCL và luôn có chút ưu ái với các cây viết ở đồng bằng. Ông là người đầu tiên giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1996). Sự việc không thành, ông tỏ ra áy náy: Thôi vô Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh đi! Lần cuối tôi gặp Nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong Hội nghị Dịch thuật Quốc tế (Hội nghị của những dịch giả Việt Nam, dịch giả quốc tế và những nhà văn Việt Nam có tác phẩm dịch ra tiếng nước ngoài), lúc nào cũng có một ông Tây to cao cặp kè bên.

Khi tôi đến chào chú Sáng, ông Tây bằng giọng Hà Nội chuẩn đã tự giới thiệu: “Tôi là Trịnh Công Long, em nuôi anh  Trịnh Công Sơn, đệ tử anh Năm Nguyễn Quang Sáng, bạn anh Nhà thơ Nguyễn Duy...”. Sau này tôi được biết anh là TS. Đông Nam Á và Việt Nam học Frank Gerke (người Đức), rất nổi tiếng trong giới nghệ thuật và học thuật Việt Nam với cái tên Trịnh Công Long.

Frank mê nhạc Trịnh, mê văn Nguyễn Quang Sáng và nói tiếng Việt rất chuẩn. Trong tiệc chiêu đãi sau đó, tôi ngồi giữa một ông Tây nói tía lia chuyện xã hội, văn hóa Việt và ông nhà văn Việt luôn gật gù tán thưởng, lâu lâu mới chen ngang: “Mày nói trật lất rồi!”.

Ngay trong hội thảo văn học, Frank cũng dành nguyên bài tham luận để nói về “anh Năm”. Anh đang nỗ lực chuyển ngữ tiểu thuyểt Đất lửa của Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cũng như đã từng chuyển ngữ thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử... sang tiếng Đức.

Kỷ niệm với Nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn nhiều. Bất ngờ nhận tin ông qua đời, dẫu biết cõi tạm rồi ai cũng phải xa rời, vẫn thấy trống vắng không dễ gì bù đắp. Xin mượn bài viết này như một nén nhang tưởng nhớ ông - nhà văn của miệt vườn Nam bộ thân thương, cây đại thụ của nền văn học nước nhà.

THU TRANG

.
.
.