Những tập tục cổ truyền ăn Tết của các nước trên thế giới
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc thế giới đều có các tập tục đặc biệt đón chào năm mới cùng những ngày Tết độc đáo của riêng mình. Lễ mừng năm mới luôn là một dịp của vô số những cuộc vui tưng bừng thú vị được diễn ra.
* Tại Trung Quốc: Tết Trung Quốc tương tự như Tết của người Việt, Tết Hàn Quốc, Tết Nhật Bản, Tết Tây Tạng, Tết Mông Cổ. Tết này được tổ chức trong cộng đồng người Hoa khắp thế giới. Theo truyền thống đón Tết, mọi người đổ tiền mùa quà tặng, đồ trang trí, quần áo, thực phẩm...
Mọi gia đình đều lau dọn nhà cửa sạch sẽ để quét đi những điều không may và chào đón các may mắn sắp tới. Cửa sổ, cửa ra vào đều được dán giấy đỏ với câu đối và những từ như "Phúc", "Lộc" và "Thọ".
Vào đêm Trừ Tịch, bữa tối trở thành đại tiệc của gia đình. Các món ăn bao gồm món heo, vịt, gà và đồ ngọt. Buổi tối sẽ kết thúc với pháo hoa. Sáng sớm hôm sau, trẻ em sẽ chào người lớn bằng những lời chúc Tết, chúc sức khỏe và nhận tiền trong phong bao đỏ. Tết thực sự là một dịp để hòa giải, quên đi mọi hận thù và chân thành chúc nhau bình an và hạnh phúc.
Hoa mai là biểu tượng mùa Xuân về, Tết đến ở Việt Nam. Ảnh: Phùng Long |
* Tại Brazil: Vào đêm Giao thừa, ở khắp các thành phố trên toàn Brazil đều tổ chức tiệc mừng, đặc biệt là ở Rio de Janeiro, mọi người sẽ tới bờ biển để ngắm pháo hoa. Người Brazil thường mặc quần áo trắng với mong muốn may mắn sẽ tới vào năm mới. Đến giao thừa, pháo hoa bắt đầu bừng lên kéo dài khoảng 30 phút và trong thời điểm đó, mọi người cầu nguyện những điều ước nhân dịp năm mới như tiền bạc, tình yêu, sức khoẻ.
* Nga: Người Nga đón năm mới với cây thông Tết trong nhà. Có nhiều loại thông nhựa, nhưng thông thiên nhiên được quý hơn nhiều. Nhiều gia đình cha mẹ cùng con cái tiến hành trang hoàng thông khi trẻ ngủ, để sáng mùng một, chúng có một niềm vui sướng bất ngờ: nhìn thấy trong nhà một cây thông tuyệt đẹp. Một đặc trưng nữa trong lễ Tết ở Nga là việc ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em.
* Tại Ý: Vào ngày 25 tháng chạp, toàn gia đình quây quần ăn bữa tiệc Tết bên cây thông Noel. Họ chờ đợi ông già Tuyết mang túi quà tới. Trong đêm giao thừa, không một ai ra đường vì có lệ, hễ chuông đồng hồ đánh xong 12 tiếng, người Ý vứt hết ra đường phố mọi đồ cũ, bàn ghế hỏng, thậm chí cả giường hỏng. Theo tập tục cũ, nếu nửa đêm giao thừa vứt hết đồ cũ thì trong năm mới, người ta sẽ tậu được những đồ vật đó còn mới tinh.
* Tại Anh: Trước kia người Anh đón năm mới ngày 1-3, song từ năm 1752 đã chuyển sang ngày 1-1 như nhiều nước châu Âu khác. Trong đêm giao thừa, mọi người đánh bài đến tận 12 giờ đêm, rồi mỗi người viết ba điều ước tốt lành trên một mảnh giấy lụa riêng, đốt mảnh giấy ấy lấy tro hòa tan vào cốc sâm banh mới và uống cạn.
Người Anh tin rằng làm như thế thì sẽ có một điều ước trở thành hiện thực. Theo phong tục của người Anh, sau giao thừa, người đầu tiên bước vào nhà xông đất sẽ báo hiệu năm mới tốt lành hay xui xẻo.
* Tại Pháp: Người Pháp dùng rượu champagne đón năm mới, từ đêm giao thừa mọi người bắt đầu mở tiệc ăn uống đến 3-1 mới kết thúc. Sáng sớm ngày mùng 1, mọi người đều xem hướng gió, nếu là gió Nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa, năm mới sẽ bình an, nếu là gió Tây sẽ là năm nghề cá và nghề vắt sữa bò phát đạt, nếu là gió Đông thì năm đó hoa quả được mùa, còn nếu là gió Bắc thì đó là năm mất mùa. Đặc biệt người Pháp không bắn pháo bông rực rỡ vào đêm giao thừa.
* Tại Đức: Lễ đón năm mới ở Đức kéo dài trong một tuần. 15 phút trước giao thừa mọi người đều ngồi yên trên ghế, khi chuông đồng hồ điểm họ đều nhảy xuống khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau coi như vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào năm mới. Trẻ em tập hợp thành những nhóm nhạc đem đến một bầu không khí náo nhiệt trên khắp các đường phố. Người lớn thì cầm trong tay những lá cờ rực rỡ màu sắc theo sau ca hát đón chào năm mới.
* Tại Nhật Bản: Người Nhật tổ chức ngày lễ mừng năm mới cũng vào ngày 1-1 Tây lịch như các dân tộc khác nhưng họ vẫn giữ niềm tin theo đạo Shinto của mình. Để đuổi tà ma, họ treo một sợi rơm ngang qua cửa nhà, tượng trưng cho sự hạnh phúc và may mắn. Khi năm mới bắt đầu, người Nhật sẽ cười thật to vì như thế may mắn sẽ tới với họ. Đêm giao thừa, các ngân hàng đều làm việc tới khuya vì mọi người tin rằng muốn may mắn thì phải trả hết nợ năm cũ. Lúc giao thừa, chuông chùa gióng 108 tiếng.
HOÀNG AN