Ông Ba
Ông Ba Khương là cán bộ Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu 8 Trung Nam bộ, được anh em trong cơ quan gọi vui là ông Ba Thợ Mộc. Ông đưa tôi tới một lùm tre ngoài bìa một khu rừng lớn bạt ngàn thuộc vùng ô-cà-đau, tỉnh Kom-pong-chàm (Campuchia). Dừng chân trước một lối mòn, hai bên chằng chịt gai mây, chùm lé, ông chỉ tay vô trong đó nói:
Minh họa: Lê Duy |
Tới Tiểu ban Báo chí rồi đây. Nó vậy đó. Chú em mầy cứ lách qua, lách lại theo đường mòn này mà vô. Nhớ rẽ trái, bọc vòng qua chỗ ổ mối bự đó là tới. Đừng quẹo đâu hết, ở rừng mà, lơ mơ lạc khó kiếm lắm nhe. Rồi ổng kêu lớn:
- Ông Ba ơi. Có bồ te của ông ở chiến trường dìa (về) tới rồi nè. Ra rước vô. Tui giao ông đó nghen.
Người từ lùm tre gai lom khom đi ra với dáng to, cao, mắt sáng, mày rậm, trông rất… khôi ngô. Ông mặc quần bà ba cũ, vải rằn, xăn lên ống cao ống thấp khỏi mắc cá chân, có vài miếng vá phía trước, phía sau, miếng treo, miếng trễ; mặc áo sơ mi rằn, cụt tay, cũng có vài miếng vá màu xanh, đen. Đầu ông khất khăn rằn đen (kiểu người ta thường gọi là khất đầu rìu). Chân ông đi dép cao su được cắt ra, xỏ quay bằng vỏ xe hơi cũ. Tay ông cầm cây roi tre.
Ông Ba Khương hỏi:
- Trời phật ơi, giờ này mà cầm roi đi đâu vậy. Bộ tính quánh ai hả ông Ba?
Ông Ba cười giòn:
- Quánh heo chớ quánh ai. Tới giờ dẫn Trư Bát Giái đi ỉa đái rồi đây.
Sau phút giây chào hỏi, tôi mang bồng bột theo ông Ba
vô “nhà”.
Mang tiếng là “nhà”, nhưng nó lại không giống nhà. Mái che được các anh buộc chằng bằng ni lông che mưa, xen với lá thốt nốt xòe ra như nhiều cái quạt ken nhau theo khoảng trống nào có dọi nắng giữa lùm tre măng le. Muốn vô cửa phải khum xuống để khỏi vướng sợi dây rừng vắt ngang. “Bàn, ghế” văn phòng là những cây rừng được các anh dùng cà-bách (rựa) đốn, đẻo khúc dài khúc ngắn bện bằng dây thốt nốt.
Lò nấu ăn được khoét sâu vô giữa ổ mối lớn để tránh khói, đề phòng máy bay ngụy từ miền Nam qua hay từ Nông Pênh tới phát hiện ném bom. Khi ăn, mỗi người có cái ca, muỗng riêng, tự bới cơm, canh vô đó rồi bưng đi ăn. Giường ngủ của ông Ba được kê dưới mái ni lông lủng lỗ chỗ được vá bằng thuốc muỗi “nắng nực, mưa dột”, là mấy khúc cây rừng khúc ngay, khúc cong, được cột chằng néo bằng dây thốt nốt, trên vạt được lót một lớp lá tranh êm như nằm… nệm, sau cùng là trải thêm một lớp ni lông.
Trên đầu “giường”, chung với những chồng sách, báo cao nghệu ông nghiên cứu hàng ngày là một ổ gà đang sắp khẽ mỏ, dưới chân giường là một ổ gà khác mới lót. Trên nóc nhà, ngay chỗ ông nằm là nhiều ngọn tre chen nhau chằng chịt, tới lúc đỏ đèn là bầy gà lớn lớp cồ lớp mái bay lên đó giành nhau chỗ ngủ, dưới đất là mấy bầy gà con kêu nhoi trời.
Kế đôi dép ông là con heo đực nằm chình ình chắn ngang lối ra, vô. Kế đó là nồi gọ ông lót cho con phèn cưng. Mỗi buổi sáng, khi trời hừng đông, gà gáy rân trên ngọn tre là ông thức dậy đọc báo rồi bắt đầu làm những chuyện thường ngày.
Thú vui đối với ông Ba là khi ông nằm đọc sách, báo, thỉnh thoảng với tay qua đầu cầm từng cái hột gà đưa ra trước mắt kiếng coi có cồ hay không. Con gà đang ấp, ban đầu cứ tưởng ông lấy trứng của nó, nó mổ vào tay ông, nhưng riết rồi nó quen không thèm mổ nữa. Khi nở, ông cầm trên tay úm nựng từng con mà lòng cảm thấy vui vui…
Cơ ngơi thật gọn nhẹ của Tiểu ban Báo chí Khu 8 Trung Nam bộ thời gian ở nhờ trên đất bạn Campuchia là vậy. Nếu có thêm người, gọi là “bổ sung nhân sự”, như tôi, thì phải tự “quậy ổ” như bao anh em khác trước tôi. Trường hợp ai đi xuống “chiến trường miền Nam” thì dọn sạch sẽ, xóa chỗ ở không còn vết tích.
Buổi đầu tiếp “nhân sự” mới về, ông Ba đãi tôi cữ trà hiệu Củ Măng, loại đặc sản nước bạn và thuốc A-Ra, uống với đường thốt nốt. Kế đó là thịt gà luộc, thịt nạc xé phai trộn với bông, lá sầu đâu, phần xương gà nấu chua với lá giang. Thêm một bình toong rượu gạo, gọi là “phất - xa - ra - ang - ko” (uống rượu gạo).
Rít một hơi thuốc “cà-bơ” dài, phả khói đặc quánh xung quanh, ông Ba vui vẻ nói:
- Nói là Tiểu ban Báo chí, cũng là cơ quan Báo Giải phóng Khu 8 Trung Nam bộ cho có tầm cỡ, cho oai, thằng giặc nghe ngán chơi, chớ thật ra có mấy “ngoe” đâu.
Ông mới nói tới đây thì con heo tạ ủn ỉn vô nằm ịch dưới chân ông. Ông xòe bàn tay gảy gảy trên lưng nó mấy cái, nói với nó:
- Để tao nói chuyện chút xíu rồi cho ăn mầy ơi. Ngủ chút nữa đi.
Đoạn ông nói tiếp:
- Tôi kể cho Tiền Phong nghe. Anh Tư Chí Nhân, phụ trách Tiểu ban, là thủ trưởng của tụi mình thì đi chiến trường trọng điểm tỉnh Mỹ Tho. Lúc này ảnh thêm chuyện cực nữa là phải viết cả báo công khai, gởi cho báo này báo nọ ở Sài Gòn như Báo Điện Tín, Báo Tin Sáng... Món này cũng là nghề của ảnh.
Nghe đâu bài vở ảnh viết cũng thủng lưới kiểm soát của giặc, lọt được vô trong đó, báo công khai đăng tải cũng nhiều, nên anh em đồng nghiệp từ khu tới chiến trường Mỹ Tho kêu ảnh là ông “Tư Trời Biển” (1). Người có tay viết kế cận ông chỉ có chú mày từ Bến Tre ổng “nơ” lên, nay mai rồi cũng trở xuống chiến trường như ổng thôi.
Ở nhà đây chỉ còn Tư Tới từ Nhà in Lý Tự Trọng rút qua làm thường trực tiểu ban, kế đó là Mộc Đạc từ Mỹ Tho lên, Tư Minh (Tư Cưu) từ An Giang về. Còn tôi, thuộc dân Sài Gòn, thuộc thành phần nhân sĩ, trí thức. Người cuối cùng là Quốc Hội, nhân viên tạp vụ.
Về cơ quan được mấy hôm là ông bắt đầu giao việc cho tôi:
- Viết lách gì đó thì cứ viết, nhưng phải tranh thủ lo cải hoạt nữa.
Ông giao tôi một cái xuổng nhỏ để đi xắn măng, học cách của người Campuchia là coi dưới gốc tre đất có nứt là xắn, gọi là măng nanh heo. Cây măng nào cao vượt khỏi đầu muốn thành tre thì rung cho gãy ngọn để xắt khoanh những khúc non.
Ông gọi đó là măng rung, để luộc, nấu canh hoặc xào mỡ heo. Kế đó, ông giao tôi chiếc xe đạp còi, tróc sơn, không dây thắng (kiểu chạy xe quen thuộc ở mọi cơ quan trên khu, khi muốn thắng xe chỉ dùng bàn chân mang dép râu được làm bằng vỏ xe hơi cắt vừa theo bàn chân rồi xỏ quay mang, ấn mạnh xuống bánh xe thì xe dừng lại).
Mỗi lần đi mua gạo, muối, thức ăn… thường là đi hai người, ổng vọt trước, tôi cọc cạch bám theo, cả buổi mới tới chợ Lon-nol, thuộc tỉnh Kom-pong-chàm (Campuchia). Khi bước vô chợ là ổng “trâm” lăng xăng nửa Miên nửa Việt với người bán. Mấy người Việt kiều, Khơme quen biết có vẻ thương ổng nên thường bán rẻ như đường thốt nốt, muối
ba-thắc Tây Ninh. Ổng hỏi:
- Bà mang (bao nhiêu) ký lô muối vậy bòn (anh - chị)?
- Bà mang một chục hột
bôn-tia (hột vịt) vậy bòn?
Nghe ổng hỏi, ai cũng cười ngất, rồi vừa bán vừa cho thêm.
Có một món ăn mà mỗi lần đi chợ là ổng không quên cộ về, đó là vỏ mít. Người ta vừa bán vừa cho ổng chất đầy ba ga xe đạp. Tôi hỏi:
Mình lấy thứ này về cho heo ăn hả anh Ba?
Ông vổ vai tôi nói:
- Ậy. Về nhà rồi biết. Ngon lắm đó!
Khi về tới nhà, ổng mặc quần đùi, ở trần tẳn mẳn gọt bỏ phần gai từng bệ xơ mít. Ổng phân ra: Phần này thái mỏng xào mỡ ăn trưa, còn phần này luộc chấm nước thịt kho mặn ăn chiều, phần chưa gọt gai thì để ngày mai xắt sợi bóp gỏi với lá giang.
Ổng lại nói:
- Chiến tranh mà, sinh hoạt phí mình ít ỏi quá, nên phải xài nhin nhín, tìm mọi cách cải hoạt thêm, lâu lâu mình mới ăn gà tẩm bổ. Tôi hứa sẽ đãi chú em mày một bữa thịt gà trộn lá, bông sầu đâu, rồi lại thịt gà nấu lá giang cho đã chơi.
Tôi về cơ quan không lâu, việc trước mắt là phải viết bài trong thời gian ở chiến trường để gởi về Ban Tuyên huấn Khu 8 thông qua trước khi chuyển về Đài Phát thanh Giải phóng. Kế đó là lo sức khỏe để đi chiến trường.
Ở Campuchia lúc bấy giờ vùng nông thôn dân nghèo lắm, người ta có gạo, muối, đường thốt nốt, vịt, gà mà lại không có tiền. Xách quần áo cũ, nón cối, dép râu vô phum sóc đổi vịt, gà thì lúc nào cũng có; nếu mua, phải đúng giá tiền, chớ người ta không có tiền thối, như mua một ống nước thốt nốt giá một ria, mà mình đưa tờ mười ria, họ sẽ trả lời: “Tê” (không) thì chịu khát.
Trong giờ làm việc, tôi ra bụi tre giăng võng viết bài thì ổng nằm trên giường đọc báo, thỉnh thoảng đưa tay lên đầu giường lấy từng cái hột gà đưa lên mắt xăm soi. Cơm nước xong là tới giờ ổng cầm roi tre dẫn heo đi ra bìa rừng cho “Trư bác giái” tự do một chút. Xong lại xoay qua chăm sóc liếp rau quanh miệng giếng.
Luống rau của ông Ba tốt mịch, do ông cần mẫn tưới tiêu sáng chiều mỗi ngày. Ông nói có vẻ thỏa mãn:
- Đây là rau dền. Cứ ăn tới tấp. Hết đợt này tới đợt khác. Hễ cắt ngọn ăn là nó ra đọt non hổng mấy hồi. Mấy đợt khách từ trên R. (Trung ương Cục miền Nam) xuống đây, tui đãi ăn thỏa mãn. Cơ quan nào tới xin tui cũng cho hết ráo.
Tôi hỏi: - Anh có tưới bằng nước tiểu của anh hôn đó?
Anh nói: - Không đâu, tui chỉ vô bằng phân của anh Trư bác giới này thôi.
Tôi lại hỏi:
- Anh có chắc rau này là rau dền hôn anh ba?
Ổng trả lời:
- Chắc quá đó chớ. Trước nay tui từng ăn nó mà.
Tôi nói:
- Không phải rau dền đâu ông chủ rẫy ơi. Đây là cây mồng gà đó. Bông nó mới lú ra đỏ đỏ kia kìa.
Đưa tay vạch cái nụ bông coi một hồi, ông cười ngất:
- Trời phật ơi… Té ra trước giờ tui chi ăn rau mồng gà không hà, mà sao trong người tui lúc nào thấy cũng khỏe trân hè.
Tôi nói:
- Người ta nói rau mồng gà nấu canh ăn mát, có khi hơn cả rau dền nữa, anh ba ơi!
Ông tỏ vẻ khoái chí:
- Vậy thì mình cứ trồng thêm, ăn nữa.
…
Ông Ba, người mà tác giả kể mấy chuyện vui vui với bạn đọc trong bài này, đó là Giáo sư Quách Anh Tú, anh em cơ quan gọi thân mật là anh Ba Tú. Anh là Giáo sư, nhân sĩ trí thức của Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ XX, người có tên tuổi trong hàng giáo chức thuộc các đô thị miền Nam lúc bấy giờ. Anh ra chiến khu theo kháng chiến từ giữa thập niên 60.
Đầu tiên anh là người của Báo Giải Phóng thuộc Tiểu ban Báo chí miền Trung Nam bộ, sau đó chuyển về Ban Trí vận thuộc Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Trung Nam bộ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh phụ trách ngành Giáo dục TP. Mỹ Tho. Anh cũng là cộng tác viên thuộc hạng “gạo cội” của Báo Ấp Bắc trước đây. Sau khi hoàn thiện ngành này, anh về TP. Hồ Chí Minh, trong Ban Trí vận thành phố.
Anh là một trí thức nhiều tài năng mà ai cũng cảm mến. Bên cạnh tài năng hiếm có của người trí thức miền Nam trước đây, Giáo sư Quách Anh Tú còn là vua cờ tướng nổi danh một thời từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Nam. Khi ra “bưng biền”, cuộc sống quá nhiều khó khăn, thiếu thốn; khi đi chiến trường phải lao vào bao gian khổ, hiểm nguy nhưng anh lúc nào cũng hòa mình với tập thể, ăn, ở, làm việc không cách biệt với ai.
Tập thể coi anh là một đảng viên cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Khi còn ở căn cứ, hàng ngày anh miệt mài đọc, nghiên cứu các loại báo chí tiến bộ công khai ở Sài Gòn; nghe các đài phát thanh trong, ngoài nước, kể cả các đài của giặc… để cung cấp nguồn thời sự đáng quan tâm cho cấp lãnh đạo và cho báo chí cách mạng.
Người đón anh trở về sau ngày chiến thắng là một cô gái Sài Gòn xinh đẹp, vừa là bạn học vừa là bạn đời của anh. Anh nói:
- Tôi xem cô ấy như Kiều Nguyệt Nga vậy! Đã bao nhiêu năm sống trong cảnh phồn hoa đô hội, trong không khí ngột ngạt ở Sài Gòn, thằng giặc nó o ép gây khó khăn đủ điều, nhiều “Bùi Kiệm” trổ nghề ve vãn, nhưng cô ấy vẫn vững tâm tham gia hoạt động nội thành với anh em công nhân, tu sĩ, trí thức, đồng nghiệp, âm thầm hy vọng, một lòng chung thủy ĐỢI ANH VỀ.
TIỀN PHONG