Về 2 pho tượng cổ Óc Eo - Gò Thành
Tượng Thần VISHNU. |
Tháng 2-1988, Tiến sĩ Đào Linh Côn và Nguyễn Duy Tỳ thuộc Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Tiền Giang tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ Óc Eo - Gò Thành (Tân Thuận Bình, Chợ Gạo).
20 dân công khai quật đến ngày thứ tư đã phát hiện 1 pho tượng gồm 4 tay, được chế tác bằng đá xanh mịn, cao 59 cm (kể cả phần đế), còn nguyên vẹn. Các nhà khảo cổ cho biết: Đây là tượng thần Vishnu, được chế tác vào khoảng thế kỷ IV - VIII.
Do người Phù Nam bản địa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ nên tượng thần Vishnu được xem là 1 trong 3 tượng thần lớn linh thiêng: Brahma (đấng sáng tạo) - Vishnu (đấng bảo vệ) - Siva (đấng hủy diệt).
Tượng có tư thế đứng thẳng trên bệ chữ nhật dẹt, đầu đội mũ hình ống (Kiritamukuta), dưới thân là vành dây lưng cuốn quanh buông dải dài giữa 2 chân.
Tượng có 4 tay giơ trên đầu, 2 tay dưới hơi gập xuống, 1 tay cầm bánh xe (Chakara) thể hiện quyền năng bảo vệ vũ trụ của vị thần, 1 tay cầm con ốc (Sankha) biểu tượng cho các động lực bí ẩn thúc đẩy sự chuyển động sinh sôi nảy nở của muôn loài và làm kinh sợ quỷ dữ, 1 tay cầm gậy quyền (Gada) là vũ khí của Vishnu và 1 tay cầm quả cầu tròn, tượng trưng cho nguồn sáng của trí tuệ.
Với ý nghĩa của các vật cầm trên tay, cho thấy thần Vishnu là hiện thân của sự từ bi, luôn sẵn sàng bảo vệ, che chở và cứu giúp con người.
Trong thời gian khai quật, để mở rộng địa bàn nghiên cứu ở các vùng lân cận, đoàn khảo cổ đã đi khảo sát các vùng trong huyện Chợ Gạo, phát hiện pho tượng thần Ganseha, chế tác thế kỷ IV - VIII, chất liệu đá xanh, cao 40 cm, nặng 14 kg, do ông Mười Chính (ngụ xã Thanh Bình) trong lúc đào kinh bắt gặp vào năm 1973, tặng chùa Sơn Tăng (Long An, Châu Thành) thờ tự.
Thần Ganesha là con của thần Siva và nữ thần Parvatti. Thần Ganesha trên đầu không có đội nón, mình người, đầu voi, thân có bụng rất to, 2 mắt mở to, 2 vành tai rộng và lớn, vòi vểnh về phía bên trái, trên mặt 1 cái ngà bị gãy, có 2 tay: 1 tay cầm cây đinh ba, chứng tỏ vị thần này được coi là con của thần Siva và 1 tay cầm chùy, vốn thường đi đôi với thần Vishnu.
Thần Ganesha tượng trưng cho “sự hợp nhất giữa tiểu vũ trụ và đại vũ trụ”, được xem là có nhiều tài năng, quyền lực, hiện thân của sự thông minh, trí tuệ, dập tắt mọi cái ác và ban những điều tốt lành.
Do người Phù Nam lúc bấy giờ rất tin vào tín ngưỡng tôn giáo nên họ đục đẽo, điêu khắc cho các vị thần với lòng thành cẩn, kính trọng. Vì vậy các vị thần tuy được làm bằng đá nhưng được chạm khắc rất tinh xảo, sắc nét để thờ cúng, nhằm mong các vị thần phù hộ, che chở cho thế gian gặp nhiều may mắn.
Hiện 2 pho tượng thần Vishnu và Ganesha cùng các hiện vật hoa văn vàng, phù điêu, cột kiến trúc, bàn xoa, dọi xe sợi, bình gốm, chày, gạch, xương, than tro… đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Tiền Giang và Khu di tích khảo cổ Óc Eo (Tân Thuận Bình, Chợ Gạo) để phục vụ khách tham quan, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa vùng đất cổ Tiền Giang.
NGUYỄN MẠNH THẮNG