Bạc Liêu tích cực chuẩn bị cho Festival Đờn ca tài tử 2014
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết về công tác chuẩn bị cho Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất.
Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất năm 2014 sẽ chính thức diễn ra trong các ngày từ 20 - 25-4. Đây sẽ là ngày hội lớn để tài tử khu vực Nam bộ và toàn quốc tụ hội về quê hương bài “Dạ cổ hoài lang” để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tôn vinh, khẳng định hướng đi bảo tồn bền vững di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO.
Phóng viên VOV phỏng vấn bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu về công tác chuẩn bị cho Festival Đờn ca tài tử và hướng bảo tồn của loại hình văn hóa này.
P.V: Từ trước, các tỉnh, thành trong khu vực và toàn quốc đã tổ chức rất nhiều liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) các cấp. Tuy nhiên, Festival ĐCTT lần thứ nhất này ở trong một vị thế rất khác. Vậy, điểm khác ở lần này là gì, thưa bà?
Bà Lê Thị Ái Nam: Trong khuôn khổ Festival ĐCTT lần thứ nhất do Bạc Liêu đăng cai tổ chức, chúng tôi sẽ tổ chức Liên hoan ĐCTT toàn quốc nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản phi vật thể đại diện của nhân loại mà UNESCO vừa vinh danh.
So với các Liên hoan ĐCTT khác, đối với Bạc Liêu, chúng tôi phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở của Bộ VHTT & DL sẽ tổ chức festival này theo qui mô lớn hơn: mời 21 tỉnh, thành phố khu vực Đông, Tây Nam bộ cùng các tỉnh, thành phố khác có điều kiện thì cử đội về tham gia.
Mỗi đội sẽ dàn dựng 1 chương trình. Chúng tôi cũng sẽ có qui định các thể loại: đơn ca, ca ra bộ, độc tấu, hòa tấu… Thứ hai, trong số nghệ nhân tài tử đờn, tài tử ca sẽ có qui định bao nhiêu phần trăm ở dưới 25 tuổi và khuyến khích các đội nên có nghệ nhân trẻ tuổi để kế thừa các lớp đi trước, đồng thời cũng góp phần bảo tồn nghệ thuật ĐCTT.
Ngoài ra, Festival này không diễn ra trong hội trường bình thường mà dự kiến sẽ tổ chức trong không gian ở Hồ Nam. Nó sẽ gần gũi hơi với ĐCTT và phong cách sống của người Nam bộ. Ngày xưa cội nguồn của ĐCTT cũng bắt đầu ở nông thôn.
P.V: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, tuyên truyền cũng như kêu gọi các đơn vị tham gia đã đến đâu, thưa bà?
Bà Lê Thị Ái Nam: Quá trình chuẩn bị cho Festival ĐCTT đến giờ này đều đã hoan tất. Ban tổ chức, Ban chỉ đạo và các tiểu ban đều đã được thành lập, họp bàn và kế hoạch tổng thể. Ban tổ chức cũng đã họp báo báo tại TP. Hồ Chí Minh và tại Hà Nội.
Ảnh: Như Lam |
Hiện nay, các hoạt động cụ thể trong Festival do các Sở ngành được giao chủ trì đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai thực hiện. Chúng tôi đang đi vào từng công việc cụ thể. Một số công việc, chúng tôi đã phát động trong năm 2013 như các cuộc thi: giải báo chí viết về Bạc Liêu trên đường phát triển, phim tài liệu, thi ảnh nghệ thuật, thi sáng tác lời mới cho 20 bản tổ của ĐCTT, sáng tác vọng cổ, sáng tác nhạc về Bạc Liêu… và dự kiến trao giải tại Festival.
Ban tổ chức đang chuẩn bị ráo riết cho kịch bản khai mạc, bế mạc và một số hoạt động lớn đang thông qua lần cuối cho kế hoạch chi tiết và kịch bản cho từng hoạt động.
P.V: Sau Festival này, còn rất nhiều việc phải làm để bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử... Vậy, hướng đi của Bạc Liêu sau Festival sẽ là gì?
Bà Lê Thị Ái Nam: Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT – một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đối với tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều hoạt động bảo tồn. Thứ nhất là chúng tôi gắn phong trào ĐCTT ở địa bàn cơ sở với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Mỗi một ấp, khu văn hóa khi được công nhận, chúng tôi đều thành lập CLB ĐCTT và được tỉnh hỗ trợ, tặng nhạc cụ, âm thanh để các CLB hoạt động.
Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo xây dựng các CLB ĐCTT trong các trường học, đặc biệt là các trường Cao đẳng, Đại học. Hiện nay, CLB ĐCTT của trường Đại học Bạc Liêu, các em sinh viên tham gia rất tích cực, CLB này hoạt động rất là tốt.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bạc Liêu biên soạn giáo trình về ĐCTT để đưa vào giảng dạy trong trường. Hiện các trung tâm văn hóa đang tổ chức các lớp ĐCTT cho các đối tượng học từ trẻ đến già, đặc biệt giới trẻ, chúng tôi khuyến khích học nhiều hơn.
Sắp tới, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo tiếp tục, giao Sở Văn hóa chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục biên soạn tài liệu sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh phổ thông làm quen, học ĐCTT…
Bởi đối với các em, nếu như tuyên truyền trong tốt thì đây sẽ là đối tượng góp phần bảo tồn nghệ thuật ĐCTT về lâu dài nhất và đúng như kế hoạch mà chúng ta đã cam kết với UNESCO: làm sao cho nghệ thuật ĐCTT được tiếp tục bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện đại, nhất là trong giới trẻ.
Chúng tôi nghĩ rằng, nghệ thuật ĐCTT là loại hình độc đáo, đặc sắc, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân Nam bộ. Cứ mỗi người khi sinh ra và lớn lên, cha mẹ mình có thể ngân nga một điệu lý, một câu vọng cổ để ru mình ngủ thì nó đã ăn vào máu thịt rồi. Cho nên nghệ thuật này sẽ trường tồn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ.
Hiện, tài tử của tất cả các địa phương Nam bộ đang rất nóng lòng hướng về Festival. Họ không chỉ đến Festival làm điểm giao lưu, học hỏi và khẳng định ĐCTT đang ở một vị thế mới mà sẽ còn học được những mô hình, cách tổ chức hoạt động của tỉnh Bạc Liêu để cho loại hình này sẽ phát triển bền vững hơn trong cộng đồng.
P.V: Xin cảm ơn bà./.
(Theo vov.vn)