Bên dòng Bảo Định
Bà Hợi nằm rũ rượi, mái tóc lâu ngày không chải rối bung, lòa xòa trên mặt đất. Thỉnh thoảng bà lại ngóc đầu lên hờ một tiếng thiệt dài nghe não ruột: Mão ơ… ơi…!
Mão a… à…!
Tiếng hờ của bà làm những người đi chợ mủi lòng. Có người len lén lấy vạt áo chùi nước mắt. Có người dáo dác nhìn trước nhìn sau rồi vội vã cúi xuống đặt cạnh bà một khúc bánh mì. Chợ Thang Trông từ ngày có tiếng hờ của bà Hợi càng thêm ảm đạm. Người ta đi chợ nhanh hơn, vội hơn vì không ai cầm đặng lòng mình trước nỗi đau của người đàn bà góa chồng vừa mất đi đứa con trai độc nhất.
Minh họa: Lê Duy |
Cánh đàn bà bán trong chợ lúc ế khách tụm đôi tụm ba thì thào:
- Tội nghiệp! Chắc bả không sống nổi. Có cách chi giúp cho bả nguôi ngoai, chớ kéo dài kiểu này không chết cũng điên mất.
- Tụi nó canh chừng hoài, làm sao giúp được, không khéo lại “tai bay, vạ gió”.
Chợt có tiếng lao xao nổi lên. Cánh đàn bà trong chợ tản mác về sạp dỏng tai, dõi mắt lấm lét nhìn về phía ngoài chợ. Đám lính đồn Bờ Xe ngổ ngáo đang đi vào. Thiếu úy Bình chột, Đồn trưởng đồn Bờ Xe dừng chân cạnh bà Hợi. Hắn vừa đưa tay huơ lên định nói câu gì đó thì tiếng hờ của bà Hợi lại cất lên: Mão ơ… ơi…! Mão a… à…!
Tiếng hờ của bà Hợi làm hắn điên tiết. Hắn rướn người, co chân đá thốc mũi giày vào người bà Hợi. Bà Hợi oằn quại trong tiếng rít của hắn: ĐM! Thằng con mày làm tao đui một con mắt, nó chết như vậy là phúc bảy đời. Tao còn tính mổ bụng, moi gan nó ra mới hả giận. Mầy còn kêu nữa, tao cho lính đào xác con mầy lên chặt thành trăm khúc.
Cả vùng này không ai không biết con mắt chột của thiếu úy Bình là do Xã đội phó Trần Đình Mão làm. Đó là những ngày thượng sĩ Bình dẫn lính cào nhà, lùa dân vào ấp chiến lược Bờ Xe. Địch làm, ta phá. Du kích quần nhau với địch cả ngày lẫn đêm. Trong một lần đụng độ, Xã đội phó Trần Đình Mão đã ném một quả lựu đạn M26 làm hai tên lính chết ngay tại chỗ, còn thượng sĩ Bình đui một mắt. Chột mắt, hắn càng hung hãn hơn và được thăng hàm thiếu úy.
Hắn và Xã đội phó Trần Đình Mão là bạn bè thuở chăn trâu, cắt cỏ. Không cùng chí hướng, cả hai trở thành hai kẻ đối nghịch. Nhiều lần vì tình bạn, Mão đã gởi thơ khuyên răn, cảnh cáo hắn đừng làm tay sai cho giặc phản dân, hại nước, nhưng hắn không những không nghe lời khuyên của Mão mà còn nhiều lần dẫn lính đi săn lùng để bắt Mão.
Thế địch đang mạnh, sự ác liệt diễn ra từng ngày. Hai Lùng là du kích nhưng không chịu đựng nỗi khó khăn, gian khổ, sợ hy sinh, đã hèn nhát chạy ra đầu thú. Chính Hai Lùng đã dẫn Bình chột ra gò Đẫy chỉ hầm bí mật của Mão. Bình chột gọi Mão ra hàng, nhưng không nghe tiếng Mão trả lời. Hắn lệnh cho Hai Lùng và bọn lính khui hầm.
Quyết không để rơi vào tay Bình chột, Mão tung nắp hầm ném lựu đạn làm Hai Lùng và hai tên lính chết tại chỗ, ba tên khác bị thương. Mão vọt lên khỏi hầm, lia một loạt đạn để tìm cách chạy thoát, nhưng do lực lượng địch đông, bắn xối xả và Mão đã anh dũng hy sinh. Bình chột cho lính kéo xác Mão về chợ Thang Trông.
Hằn học và dã man, Bình chột cho chặt đầu Mão bêu lên nhằm uy hiếp tinh thần của du kích và quần chúng nhân dân. Mão chết, nhưng mắt vẫn mở. Trước mắt Mão là dòng sông Bảo Định vẫn trong xanh, hiền hòa chảy. Nơi Mão bị chặt bêu đầu là nơi bà Hợi thường nằm vật vã và hờ lên những tiếng kêu ai oán, não nùng: Mão ơ… ơi…! Mão a… à…!
o0o
Tiếng hờ của bà Hợi không còn, nhưng lại lanh lảnh tiếng reo của bọn trẻ con chạy theo sau một người đàn bà dáng đi thất thểu: “Bà điển bà điên - Bà hiền như bụt - Áo bà không nút - Quần bà rách bươm - Da bà bọc xương - Bà điên bà điển”. Vai mang tụng bàng, đầu trần, chân đất, bà Hợi vật vờ, đi lang thang khắp nơi.
Nhiều khi người ta thấy bà bước thấp bước cao giữa đồng không mông quạnh. Không ít lần bà liều lĩnh, lầm lũi đi vào đồn Bờ Xe. Bước chân bà vô định, miệng lẩm bẩm những điều vô nghĩa. Chỉ đến khi bị bọn lính đồn thúc báng súng vào lưng đuổi đi, bà mới ré lên: Mẹ cha chúng mày!
Bọn trẻ con thường chạy theo trêu chọc để được nghe bà chửi rồi cùng nhau cười ré lên. Có điều, dù đi đâu chăng nữa thì cuối cùng điểm dừng chân của bà vẫn là chợ Thang Trông, nơi đứa con yêu dấu của bà bị tên thiếu úy Bình chột chặt đầu bêu trước chợ.
Ai cũng nghĩ bà Hợi bị điên. Riêng Bình chột là chưa tin, con mắt còn lại của hắn vẫn luôn dòm ngó để ý đến bà. Không ít lần hắn cho lính chặn bà lại, lục tung cái tụng bàng bà mang trên vai nhưng chỉ thấy một khúc bánh mì ăn dở dang khô cứng, nải chuối nát bét hoặc mấy trái bắp chưa lột vỏ… và hôi rình.
o0o
Tiếng động mỗi lúc một rõ dần. Bí thư chi bộ Tư Lượm vội thổi phụp ngọn đèn hột vịt, lên đạn khẩu súng ngắn. Lát sau, một bóng đen xuất hiện trước cửa chòi cất tiếng gọi: Tư Lượm! Có ở trong không, Tư Lượm?
Im lặng một lúc, tiếng gọi lại cất lên: Tư Lượm!
- Má sao quên mật khẩu hoài.
- Khỏe không con!?
Chiếc đèn hột vịt được thắp lên. Tư Lượm cầm lấy hai bàn tay của bà Hợi giọng thổn thức: Má! Má khỏe không má? Cực cho má quá, hay là…!
- Lại mềm lòng hả? Thằng địch xảo quyệt lắm. Không làm vậy, không thắng nổi nó đâu con à. Hãy tin ở má, má chịu đựng được mà.
Chiếc tụng bàng trên vai hạ xuống, bà Hợi lấy ra nào gạo, muối, nước mắm, nước tương, bọc khô sặt, bịch thuốc rê, bốn quả lựu đạn và hai trăm viên đạn. Giọng bà Hợi như trẻ ra: Trung sĩ Tám gởi lời thăm con. Từ hôm ra gặp con đến nay, nó tiến bộ dữ lắm. Nó đã vận động thêm được hai đứa nữa. Số lựu đạn và đạn này là của hai đứa nhờ trung sĩ Tám chuyển ra làm tin. Má thấy, đã đến lúc lấy đồn Bờ Xe được rồi đó.
- Má à! Má cho con hỏi một điều mà bấy lâu nay con vẫn chưa hiểu: Làm sao má vận động được trung sĩ Tám?
- Chuyện dài lắm con à. Khi biết chồng má hy sinh trong thời kỳ chống Pháp, thằng Mão hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, nó ngồi đăm chiêu, tư lự mà nước mắt chảy dài. Má kể cho nó nghe về dòng sông Bảo Định, về cụ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân kiên dũng, can trường; về cái chết hiên ngang, bất khuất của cụ nơi đầu giáp nước, bên dòng sông Bảo Định.
Nó nói nó bị bắt buộc cầm súng, nhà dưới miệt Gò Công, còn mẹ già và một đứa em gái sống rất cơ cực. Nó không muốn cầm súng bắn giết bà con mình. Nó biết má giả vờ điên nên thường tìm mọi cách giúp má vượt qua mọi cạm bẫy do tên Bình chột bày ra. Nó năn nỉ xin má móc nối với đằng mình cho nó theo về với cách mạng. Những thông tin bấy lâu nay má báo cho con là do trung sĩ Tám cung cấp, đạn dược cũng vậy. Cho nên, má mới…!
- Dạ! Vậy là con an tâm rồi. Trước đây sở dĩ con còn đắn đo là do sợ bị phản vận, còn kế hoạch lấy đồn Bờ Xe đã được trên chấp thuận. Theo nguồn tin con nắm được, tháng sau trung sĩ Tám phải chuyển đi nơi khác. Ngặt nỗi, chưa hợp đồng được với mũi đấu tranh chính trị nên con còn lưỡng lự chưa định được ngày.
- Tưởng gì chớ chuyện đó má đã lo chu đáo, chỉ chờ con ra lệnh là bà con sẽ tham gia. Má vô ra ấp chiến lược Bờ Xe như cơm bữa, bà con trong đó rất nóng lòng muốn bung ra trở về vườn ruộng làm ăn. Cơ sở con giới thiệu cho má nhắn ra là đã sẵn sàng chờ lệnh. Bà con tiểu thương chợ Thang Trông cũng sẽ phối hợp hành động bãi chợ. Má sẽ cùng với bà con tham gia đấu tranh. Má sẽ dẫn đường cho các con đánh vào đồn. Má sẽ…!
- Má…! Giọng Tư Lượm nghẹn ngào: Để con bàn tính lại đã, bởi vì… má đang trong vai một người đàn bà điên, làm sao có thể đi đấu tranh được.
- Sao lại không thể, đừng bàn tính nữa. Má nói thiệt, má giả vờ điên là để qua mắt tụi địch, chớ làm sao qua mắt nỗi bà con mình. Thời cơ chỉ có một lần, nếu con không quyết, sau này sẽ không còn cơ hội nữa. Má không sợ hy sinh, con đừng vì má mà hỏng việc lớn. Thôi, má phải đi đây.
o0o
Anh cán bộ Phòng Chính sách giọng mềm dẽo: Thưa má! Con đã giải thích cho má là trường hợp của anh Nguyễn Văn Tám không thể công nhận là liệt sĩ được. Thứ nhất, anh là trung sĩ thuộc chế độ cũ. Hai là, không có ai xác nhận anh là nội tuyến của ta, hy sinh trong trận đánh đồn Bờ Xe. Thứ ba là…!
Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Hợi bực mình ngắt lời anh cán bộ Phòng Chính sách: Chú bảo sao, tôi là người móc nối trung sĩ Tám làm nội ứng đánh chiếm đồn Bờ Xe. Còn bí thư chi bộ Huỳnh Văn Lượm trực tiếp giao nhiệm vụ cho trung sĩ Tám nổ súng làm hiệu lệnh tấn công đồn. Tôi đứng ra làm chứng chưa đủ sao?
Giọng anh cán bộ Phòng Chính sách vẫn mềm dẽo: Thưa má! Xác minh thời kỳ đó, má là một người bị bệnh điên. Mà người điên thì không thể…! Còn bí thư Huỳnh Văn Lượm đã hy sinh sau đó. Theo nguyên tắc và quy định để xét công nhận liệt sĩ thì phải có ít nhất hai người làm chứng sự hy sinh đó là vì nhiệm vụ cách mạng giao. Con rất thông cảm với má, nhưng nguyên tắc và quy định…!
Bà Hợi lại ngắt lời anh cán bộ Phòng Chính sách: Sao chú cứ ôm mãi cái nguyên tắc và quy định cứng nhắc ấy mà không chịu nhìn nhận một thực tế hiển nhiên xảy ra trong thời kỳ chiến tranh. Hoạt động nội tuyến đâu được phép cho nhiều người biết đến. Cán bộ thời đó hy sinh hết còn đâu, lấy ai làm chứng bây giờ.
Bà Hợi buông một tiếng thở dài, ngồi ủ rũ, khuôn mặt héo hắt đầy thất vọng. Trận đánh đồn Bờ Xe năm nào bỗng nhiên hiện về trong tâm trí bà rõ mồn một. Theo kế hoạch hợp đồng tác chiến, trung sĩ Tám dùng súng bắn hạ tên lính gác trên chuồng cu và nhanh chóng mở cổng đồn.
Tiếng súng của trung sĩ Tám cũng chính là hiệu lệnh tấn công. Bộ đội và du kích ém quân sát đồn từ lúc nửa đêm, ào ào xông vô đồn. Nguyên một trung đội lính trong đồn ngái ngủ chống cự yếu ớt. Đau đớn thay, một trong những loạt súng yếu ớt đó đã cướp đi sinh mạng của trung sĩ Tám. Tiếng súng vừa dứt, trong tay cầm một con dao phay, bà Hợi đã có mặt trong đồn.
Bà không thể nào quên được hình ảnh con mắt còn lại của Bình chột đứng tròng, trợn tròn khi nhìn thấy bà. Hắn quỳ lạy dưới chân bà như tế sao, xin được tha mạng. Con dao trong tay bà Hợi giơ lên cao, mắt bà rực lửa, đầy căm hờn. Thay vì bổ xuống đầu Bình chột, con dao trong tay bà run run. Đột nhiên, cánh tay bà từ từ hạ xuống, buông thỏng.
Hình ảnh đó như một tia sáng lóe lên, làm cho khuôn mặt của bà Hợi giãn ra, bừng lên. Bà hấp tấp nói với anh cán bộ Phòng Chính sách mà như nói với lòng mình: Còn… còn một người nữa có thể làm chứng cho trung sĩ Tám làm nội tuyến cho ta, hy sinh trong trận đánh đồn Bờ Xe.
Cảm thông với nỗi day dứt trong lòng bà Hợi, anh cán bộ Phòng Chính sách vội hỏi: Ai có thể làm chứng được, thưa má?
- Thằng Bình… Bình chột thiếu úy Đồn trưởng đồn Bờ Xe.
Anh cán bộ Phòng Chính sách thất vọng: Bình chột là một tên ác ôn, hắn không đủ tư cách làm chứng và không đủ cơ sở để tin cậy.
Bà Hợi cố vớt vát: Nhưng hắn đã đi học tập cải tạo...
- Gia đình trung sĩ Tám đâu, sao lại để má một mình đi tới đi lui quá cực!
- Mẹ và em gái của trung sĩ Tám bị pháo Mỹ ở Bình Phước bắn qua chết hồi Xuân Mậu Thân 1968, gia đình không còn ai cả.
- Vậy thôi đi má à! Vụ này khó lắm, không thể làm được đâu. Không có người làm chứng thì không thể giải quyết được, thôi má về nghỉ ngơi cho khỏe!
Câu nói của anh cán bộ Phòng Chính sách làm bà Hợi vô cùng thất vọng. Bà uể oải cúi xuống xách chiếc tụng bàng thẩn thờ ra về. Bà về đến chợ Thang Trông lúc mặt trời đứng bóng. Tuổi già sức yếu, bà tựa lưng vào thân dừa bên bờ sông Bảo Định thở dồn. Gió thổi nhẹ, nắng lấp lánh nhảy nhót trên mặt sông. Bỗng dưng hình ảnh Mão và trung sĩ Tám lung linh hiện về chấp chới trên sóng nước.
Đường xa, say nắng, mắt bà Hợi hoa lên. Bà đưa hai tay run lẩy bẩy vói về phía trước. Chiếc tụng bàng trong tay bà buông rơi, lật nghiêng một bên làm hàng chục lá đơn đề nghị truy phong liệt sĩ cho trung sĩ Tám rơi ra, vương vãi trên mặt đất. Gió thổi, từng lá đơn nhẹ nhàng như những cánh bướm bay lên, hạ xuống, rồi lại bay lên, phủ trắng trên mặt sông.
Bần thần một lúc, bà Hợi chợt tỉnh cơn say. Nhìn những lá đơn dập dờn trên sóng nước, bà Hợi bật lên thành tiếng: Tám à! Má sẽ không nản lòng. Cho dù phải đi gõ hàng trăm cửa, má cũng sẽ quyết tâm đưa bằng được hài cốt của con vào nghĩa trang liệt sĩ.
Nắng vẫn như đổ lửa. Sóng dập dờn, lung linh. Dòng sông Bảo Định vẫn trong xanh, hiền hòa chảy.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG