Cảm xúc trước kỷ vật của Anh hùng - Liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm
Những kỷ vật của nữ Anh hùng - Liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Tiền Giang chứa đựng lượng thông tin vô cùng phong phú về tấm gương kiên cường, bất khuất của nữ Anh hùng “Vành đai Bình Đức” còn rất trẻ, mới 19 tuổi đời.
Chiếc nhẫn là một trong những kỷ vật của Anh hùng - Liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm. |
Chị Nguyễn Thị Đấu, Phó Giám đốc Bảo tàng - người đã lưu giữ, bảo quản hiện vật trong nhiều năm kể lại:
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), cán bộ Bảo tàng đã bắt tay ngay việc sưu tầm hiện vật kháng chiến qua 2 thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong hàng ngàn tư liệu, hình ảnh, hiện vật sưu tầm được, có một số kỷ vật của chị Lê Thị Hồng Gấm còn lưu lại tại nhà ông Mộc Phước (cha của Lê Thị Hồng Gấm, ngụ xã Long Hưng, huyện Châu Thành).
Nâng niu từng hiện vật, chị Đấu chỉ vào chiếc áo bà ba kể: Đây là một trong những chiếc áo bà ba mà chị Lê Thị Hồng Gấm rất thích mặc trong thời gian hoạt động cách mạng, đã gắn bó cùng chị suốt nhiều năm tháng chiến đấu gian khổ. Khi áo bị cũ không thể sử dụng được, chị đã gởi về cho má chị cất giữ.
Về kỷ vật chiếc khăn tay có thêu bông hồng mà chính tay chị Gấm đã thêu trong những lúc rảnh rỗi gởi về tặng em gái Huỳnh Anh thân yêu. Nhận được chiếc khăn tay của chị, do em gái Huỳnh Anh còn nhỏ nên má chị đã cất giữ mà chưa giao cho Huỳnh Anh sử dụng. Khi chị Hồng Gấm hy sinh, gia đình đã giữ lại làm kỷ niệm.
Còn đoạn dây điện được nối liền nhiều khúc do chị Hồng Gấm (lúc đó là Xã đội phó xã Long Hưng) sử dụng dùng để đánh mìn ở đoạn đường gần cầu Long Định (cầu Kinh Xáng), tuy đã sử dụng đánh mìn 2 lần nhưng không thành công do điện quá yếu nên mìn không nổ, chị đã cuộn lại cất giấu để sử dụng cho những trận đánh tiếp theo. Đặc biệt là kỷ vật chiếc nhẫn vàng 18 kara (có hình nhẫn đôi) mà chị Hồng Gấm khi còn sống rất quý.
Theo lời kể của một số đồng đội cũng như tư liệu để lại, ngày 18-4-1970, phát hiện chị Hồng Gấm trên đường đi công tác, địch đã dùng 2 trực thăng hạ thấp bao vây định bắt sống. Trong tay cầm súng, chị bắn rơi 1 chiếc, chiếc còn lại cất lên và gọi quân đổ bộ đến bao vây định bắt sống chị. Chị bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm dùng súng tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, gây nhiều thương vong cho địch.
Biết không thể bắt sống được, địch đã nã hàng loạt đạn và chị đã anh dũng hy sinh. Chúng đã cướp một số vật dụng cá nhân của chị, nhưng chiếc nhẫn này chúng không lấy được vì chiếc nhẫn do đeo lâu ngày đã siết chặt vào ngón tay của chị. Trước khi tẩn liệm chị, đồng đội của chị đã dùng xà bông tháo nhẫn ra gởi về gia đình chị cất giữ cho đến khi trao tặng lại cho Bảo tàng Tiền Giang.
Nhìn và nghe kể về những kỷ vật cũng như sự hy sinh anh dũng của Anh hùng - Liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm, chúng tôi vô cùng cảm phục, biết ơn chị, nguyện ra sức phấn đấu xây dựng và bảo vệ quê hương theo gương chị, như nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết lời bài hát “Những cánh chim Hồng Gấm”: Viên gạch dựng xây quê hương, nhớ mãi Hồng Gấm...
NGUYỄN MẠNH THẮNG