Thứ Sáu, 14/03/2014, 12:33 (GMT+7)
.

Ngôi đình có giá trị về lịch sử cách mạng và phong cách thờ tự

Ngôi đình Nhơn Hội (ấp 1, Tam Hiệp, Châu Thành) không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, mà cả về lịch sử cách mạng và phong cách thờ tự. Theo Ban khánh tiết đình Nhơn Hội, đình này được xây dựng trên 100 năm. Hiện đình có cấu trúc 3 gian, 2 chái. Chính điện thờ Việt Nam Quốc Tổ, bên trái thờ Thần và bên phải thờ Quan Thánh Đế. Chái bên trái thờ chiến sĩ và chái bên phải thờ ông Địa...

Về phong cách thờ tự: Theo quan niệm của Ban khánh tiết thì Thần hay Quan Thánh Đế cũng mẹ phàm sinh ra, nên giữa chính điện phải thờ Việt Nam Quốc Tổ (Cửu huyền Thất tổ) chứ không thờ Thần như bao đình khác. Đình có 8 sắc phong thời vua Thiệu Trị và vua Tự Đức.

Mặt tiền Đình Nhơn Hội ngày nay.
Mặt tiền Đình Nhơn Hội ngày nay.

Về giá trị lịch sử cách mạng: Năm 1930, ông Phạm Hùng bị trục xuất khỏi Collge de MyTho, không về quê nhà ở tỉnh Vĩnh Long mà ông đã đến ấp 2, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành. Tại đây, ông Phạm Hùng được nhân dân và gia đình ông Bộ Đó, Bộ Liên che chở. Ông đã vận động quần chúng thành lập Hội Nhà vàng đình Nhơn Hội, phục vụ việc mai táng trong xã, nhưng mục đích chính là vận động quần chúng đấu tranh chống thực dân Pháp và trừng trị bọn tay sai.

Nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1931, dưới sự lãnh đạo của ông, trên 3.000 quần chúng các xã lân cận kéo về xã Long Định míttinh và bắt Hương quản Trâu, một tên khét tiếng phản động trừng trị ngay tại chỗ. Sau cuộc míttinh, thực dân Pháp tiến hành khủng bố, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực bị bắt. Mặc dù bị khủng bố, nhưng các cuộc đấu tranh của quần chúng vẫn liên tiếp nổ ra.

Nhân Ngày Chống chiến tranh đế quốc 1-8-1931, Chi bộ xã Tam Hiệp tổ chức biểu tình dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Hùng. Cuộc biểu tình từ cầu Nhơn Huề (ấp 2) kéo ra chợ Bưng, xã Tam Hiệp. Sau cuộc biểu tình, Pháp cho lính ruồng bố, bắt bớ tra tấn dã man một số cán bộ, đảng viên và quần chúng, trong đó có đồng chí Phạm Hùng.

Sau khi đồng chí Phạm Hùng bị địch bắt, ông Bộ Đó lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhà vàng được ông thợ Chi chạm búa liềm và dòng chữ ĐCSĐD (viết tắt của Đảng Cộng sản Đông Dương) để tuyên truyền, sau đó bị tên cảnh sát Gừng ác ôn phát hiện, phá bỏ nhà vàng vào năm 1938.

Đình còn là nơi xử án những tên tay sai ác ôn, cho nên đình Nhơn Hội còn có tên gọi khác là đình Cộng sản. Sau giải phóng, các bộ phận của nhà vàng được cắt ráp làm khánh thờ chiến sĩ trong đình cho đến ngày nay.

HG

.
.
.