Đội TTLĐ Tiền Giang: Những dấu ấn khó quên
Đội Thông tin lưu động tỉnh, nay là Đội Tuyên truyền lưu động (TTLĐ) tỉnh thành lập năm 1981, do ông Nguyễn Ngọc Minh (hiện là Giám đốc Sở VH-TT&DL) quản lý. Trên 30 năm qua, đã thay đổi các đội trưởng: Nguyễn Văn Hòa, đạo diễn Tấn Lộc (nay là Trưởng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh), Thanh Hải (hiện là Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT&DL), cố nghệ sĩ Lệ Quyên và hiện nay là nghệ sĩ Ngọc Sánh.
Đội hiện có 7 biên chế và 6 cộng tác viên có thể làm nhiều việc như ca, múa hoặc diễn kịch, hát cải lương… 100% tuyên truyền viên của đội đã qua trình độ trung cấp, đại học và trình độ chuyên môn về biểu diễn.
Tiết mục ca múa trong Chương trình “Mừng Đảng - Mừng Xuân năm 2012” (biên đạo Thu Thủy). |
TUY CỰC MÀ VUI
Có 14 năm làm “lính thông tin” và có nhiều đóng góp cho đơn vị, anh Đoàn Vũ Cường chia sẻ: “Đội viên TTLĐ kiêm nhiệm nhiều việc, từ việc lắp ráp, tháo dỡ sân khấu, ánh sáng, âm thanh, cho đến ca, múa, diễn…, tuy cực mà vui.
Thế nhưng, lượng khán giả đến với những đêm diễn của đội ngày càng thưa dần, không riêng tôi mà mọi thành viên trong đội đều buồn. Có điều, nhiều nơi khán giả rất tình cảm với đội. Họ nhiệt tình phụ khiêng đồ đạc, lắp, tháo dỡ sân khấu; có khi đội diễn xong, khán giả vẫn quyến luyến chưa về.
Có lần đội diễn ở huyện phía Tây, điểm ăn cơm ở xa, mưa không về kịp, bà con ở gần chạy lại đậy loa, máy móc giùm… Những việc làm đó của bà con đã tạo động lực để chúng tôi yêu nghề hơn và mong muốn chương trình biểu diễn của mình hay hơn để không phụ lòng bà con…”.
Các thế hệ làm “chiến sĩ văn hóa” đã kể nhiều chuyện vui - buồn trong những chuyến công tác vùng sâu, vùng xa. Những năm đầu, phương tiện hoạt động rất thô sơ, âm thanh chỉ một thùng loa và cái loa sắt, đôi khi phải diễn bằng đàn thùng, đèn măng xông, diễn ở gò đất, bờ đê, thềm nhà…
Diễn xong, trú lại nhà dân hoặc ở trụ sở UBND xã, mọi sinh hoạt rất khó khăn, nhất là đối với phụ nữ. Mỗi đợt đi diễn từ 15 đến 20 ngày mới về nhà. Phương tiện, vật chất thiếu thốn nhưng đêm nào bà con cũng đến xem rất đông.
Nhiều lần theo đội đi diễn, tôi nhớ nhất là đợt về huyện Tân Phú Đông diễn phục vụ cuộc bầu cử. Qua Tân Thạnh diễn phải đi 2 lần phà. Đội trưởng phải nhờ người thuê đò, từ chị Nguyệt Châu đã 50 tuổi, đến thành viên trẻ nhất cũng phải quần vo, áo vận khiêng từng tấm ván, trụ, sườn sân khấu, vác từng cái thùng loa… chuyển xuống đò rồi vác lên bờ.
Giữa nắng trưa, tất cả hì hụi ráp sân khấu. Tối đang diễn thì trời đổ mưa, vậy mà bà con vẫn yêu cầu phục vụ. Lúc ấy con lộ chính của huyện Tân Phú Đông chưa nâng cấp, cầu yếu xe của đội qua không được. Đội trưởng Ngọc Sánh cùng tài xế Đình Hạ phải thuê “xe ôm” đi tìm xe ba gác để chở từng chuyến nhỏ, chuyển đồ từ điểm diễn này qua điểm khác…
Một cảnh trong kịch bản “Phải chăng là số phận”, (tác giả Ngọc Lệ, đạo diễn Tấn Lộc). |
Đội không có lực lượng hậu đài mà thường đi diễn ở xa. 15 giờ xe chạy, đến điểm diễn mỗi người một tay khuân vác, lắp láp sân khấu, âm thanh…; đôi lúc giập tay, bầm chân nhưng tối cũng phải ca diễn trên sân khấu. Hết chương trình lại nhanh chóng thay trang phục để tháo dỡ sân khấu chuyển lên xe trở về lúc đêm khuya, nhiều thành viên “ngủ gà ngủ gật” trên xe bị dằn xốc do đường xấu… Vậy mà, hầu như không có ai than vãn.
Anh Thanh Hải, nguyên Đội trưởng đội TTLĐ tỉnh kể lại: “Có rất nhiều chuyện vui - buồn hồi còn trong đội, nhưng nhớ nhất vẫn là những lần sập sân khấu, tôi hoảng hồn sợ anh em bị xây xát, còn khán giả thì cười rần, phụ dựng lại sân khấu và yêu cầu diễn tiếp…”.
DẤU ẤN TỰ HÀO
Hiện nay hoạt động Đội TTLĐ đã đi vào nền nếp: Chương trình được sáng tác, biên tập có chủ đề xuyên suốt, được dàn dựng kỹ càng, đủ các loại hình: Ca, múa, kịch, cải lương…; lực lượng tuyên truyền viên của đội đa phần có trình độ trung cấp sân khấu, thanh nhạc trở lên nên ca - diễn khá tốt.
Đạo diễn Quang Minh (TP. Hồ Chí Minh) nhiều lần làm việc với anh em trong Đội TTLĐ Tiền Giang, đã khen ngợi: “Tôi dàn dựng cho nhiều đội TTLĐ của các tỉnh, nhưng chưa nơi nào chuẩn bằng lực lượng đội viên của Tiền Giang. Các em làm việc có trách nhiệm, nền nếp, chuyên môn đều nhau và đều được đào tạo qua trường lớp…”.
Đội trưởng Ngọc Sánh thì cho biết: “Những năm qua, lãnh đạo Trung tâm VHTT tỉnh đã tạo điều kiện và tôi là người trực tiếp gồng gánh công việc, sắp xếp thời gian để các em học đại học; tổ chức tập dợt chương trình ngoài giờ và luôn đảm bảo mỗi năm 4 chương trình với từ 100 đến 120 đêm diễn.
Nhiều năm qua, chúng tôi áp dụng phương pháp xã hội hóa, phối hợp với các ngành Y tế, Ban An toàn giao thông, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng, chống AIDS... xây dựng chương trình theo chủ đề để tuyên truyền phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa.
Chỉ tính trong 3 tháng qua, chúng tôi đã xây dựng 2 chương trình, nhất là chương trình tham gia Liên hoan TTLĐ toàn quốc với 2 chủ đề “Con đường huyền thoại” và “Về với Điện Biên” đã ghi dấu ấn tốt đẹp suốt 2 giai đoạn của chuyến đi xuyên Việt”, với 2 Huy chương Vàng ở 2 giai đoạn”.
Biên đạo múa Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT, phó đoàn của chuyến đi phấn khởi cho biết: “Các tiết mục của Tiền Giang đều thu hút khán giả, nhất là bài ca vọng cổ “Kể chuyện Điện Biên” của Soạn giả Huỳnh Anh là 1 trong 15 tiết mục được Ban tổ chức chọn từ 49 đơn vị để biểu diễn khai mạc chặng 2. Đội TTLĐ Tiền Giang đã đem bản sắc văn hóa Tây Nam bộ giới thiệu với cả nước. Một số cán bộ lãnh đạo được sống, chia sẻ những cực nhọc và niềm vui cùng anh em Đội TTLĐ tỉnh nhiều ngày nên càng hiểu nhau hơn”.
Gần đây, tại Hội thi Tuyên truyền lưu động “Biên giới và biển đảo Việt Nam” khu vực miền Tây Nam bộ; Thông tin tuyên truyền lưu động về an toàn giao thông khu vực miền Đông Nam bộ và các tỉnh lân cận; Liên hoan Kịch ngắn - kịch vui không chuyên toàn quốc..., Đội TTLĐ tỉnh đã đoạt nhiều huy chương. Nhiều cá nhân đoạt giải diễn viên, tuyên truyền viên xuất sắc như: Đoàn Vũ Cường, Lý Nhơn, Quốc Hưng, Hà Thanh, Thu Hằng...
Hằng năm, đội luôn hoàn thành xuất sắc công tác phối hợp, được Trung ương, UBND tỉnh, các ngành tặng Bằng khen và Giấy khen.
NGỌC LỆ