Họa sĩ Phan Phương Trực tặng tranh vẽ thời kháng chiến
Họa sĩ Phan Phương Trực bên tác phẩm Cấy đêm. |
Biết Bảo tàng Tiền Giang đang tổ chức sưu tầm tư liệu, tranh, ảnh, kỷ vật của quân và dân miền Trung Nam bộ qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để chỉnh lý, bổ sung nhà trưng bày Lịch sử Khu 8 - Trung Nam bộ tại Bảo tàng Tiền Giang, ngày 28-3-2013 Họa sĩ Phan Phương Trực, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã tặng Bảo tàng Tiền Giang 2 tấm tranh ký họa kháng chiến, vẽ bằng bút chì trên giấy khổ A4 và 5 tấm tranh sơn dầu:
Cấy đêm, Chim lạc đàn, Chiếc lư hương, Bộ đội về làng, Những ngày tháng tư, Lính huyền thoại. Bức tranh sơn dầu lớn nhất có khổ 1,20 m x 1,40 m; bức nhỏ nhất khổ 80 cm x 80 cm.
Họa sĩ Phan Phương Trực cho biết, ông vẽ những bức tranh ký họa nói trên từ ý tưởng trong thực tế tham gia hoạt động cách mạng những năm 1964 đến 1975 tại chiến trường Trung Nam bộ; khi đến Tiểu đoàn chủ lực 261 (Gi-rông), Tiểu đoàn 263, bộ đội địa phương tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) và khi ông đi công tác ngang khu rừng tràm ngập nước yên bình tại vùng kinh Đứng (Tiền Giang) vào những năm 1964, chứng kiến cảnh những đàn chim quần tụ lúc chiều về, hót vang một góc rừng;
Sau đó (năm 1972) có dịp trở lại thì cây cối xác xơ bởi bom pháo địch, còn bầy chim thì vẫn hót nhưng ít hơn, từ đó ông liên tưởng đến những người nông dân chất phác, lam lũ với ruộng đồng nhưng khi giặc đến, dù bị bom pháo, đàn áp dã man vẫn quyết bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” đấu tranh bảo vệ quê hương, bảo vệ cách mạng.
Chỉ vào bức tranh Chiếc lư hương, ông kể: Do nhiều lần chứng kiến dù có phải di dời đi đâu hay bám trụ ở lại, người dân bao giờ cũng bảo vệ bàn thờ tổ tiên, trước hết là chiếc lư hương. Với họ, cái gì có thể mất đi nhưng chiếc lư hương, bàn thờ luôn được bảo vệ, gìn giữ, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Từ đó ông đã có ý tưởng vẽ bức tranh này.
Hay tác phẩm Cấy đêm là hình ảnh đọng lại trong ông từ những năm 1964, khi ông đi qua miền thượng tỉnh Long An, vùng kinh BoBo (Hội đồng Sầm), chứng kiến sự kiên cường bám đất, bám trụ của người dân và du kích Long An.
Ban ngày bà con lo chống địch càn, ban đêm tranh thủ cấy lúa để cung cấp cho cuộc kháng chiến. Bức tranh vẽ lại một không gian trải rộng tĩnh lặng, cùng với mối đe dọa của địch qua những tia sáng cực mạnh của đèn pha vào vùng địch hậu và những bóng người cặm cụi cấy lúa dưới ánh hỏa châu…
Những bức tranh của Họa sĩ Phan Phương Trực đã phản ánh tinh thần chiến đấu bền bỉ, không sợ hy sinh, gian khổ của quân và dân Khu 8 - Khu Trung Nam bộ trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược để làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
NGUYỄN MẠNH THẮNG