Thứ Bảy, 12/04/2014, 03:33 (GMT+7)
.

Lễ hội Nghinh Ông ở Vàm Láng

Ngày Lễ Quốc giỗ Hùng Vương ngày 10-3 (âl) hàng năm được nhân dân cả nước hướng về với mục đích tìm về nguồn cội. Với người dân Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, ngày 10-3 (âl) còn tổ chức Lễ hội Nghinh Ông. Có thể nói, đây là “ngày Tết Nguyên đán thứ hai” tại huyện biển Gò Công Đông, một lễ hội dân gian quy mô lớn, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của những người dân hành nghề đi biển.

Từ lâu, nghinh Ông đã trở thành một ngày hội lớn của ngư dân vùng biển. Dọc theo suốt chiều dài bờ biển từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng có xây dựng các miếu, lăng, đình… để thờ cúng cá Ông và được duy trì tổ chức lễ hội hàng năm. Trên địa bàn huyện Gò Công Đông hiện còn khoảng 10 lăng, miếu thờ cá Ông ở các xã Tân Thành, Vàm Láng, Phú Tân, Tân Phước… Người dân làm nghề biển rất sùng kính cá Ông (cá Voi, Ông Khơi, Ông Lộng, Ông Nam Hải…).

Họ xem cá Ông là vị thần linh luôn phù hộ và cứu giúp ngư dân mỗi khi gặp hoạn nạn trên biển cả. Cá Ông được xem là một vị phúc thần trong đời sống tâm linh của ngư dân vùng biển. Tục kể rằng, khi phát hiện Ông “lụy” (chết) ngoài biển, ngư dân đưa xác vào bờ đăng lại, chờ thịt rã hết rồi vớt xương cho vào hòm đem vào trong lăng để phụng thờ. Người đầu tiên gặp Ông “lụy” phải để tang Ông tròn 3 năm như tang cha mẹ và lo việc cúng giỗ hàng năm.

Quang cảnh lễ hội nghinh Ông.
Quang cảnh lễ hội nghinh Ông.

Với niềm tin được sự che chở của cá Ông mỗi khi sóng to gió lớn hay tàu thuyền gặp nạn, mỗi ngư dân đều hướng về ngày hội này với mục đích cầu mong những điều tốt đẹp cho mình trong một mùa biển mới. Ở Tiền Giang, hiện duy trì lễ hội nghinh Ông tại nhiều địa phương có nghề đi biển, tuy nhiên lễ hội lớn nhất được tổ chức tại xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông vào mùng 9 và mùng 10-3 hàng năm.

Trong dịp lễ hội này, ngư dân rủ nhau về chiêm bái Ông để tỏ lòng thành kính, cầu cho trời yên sóng lặng và một năm đánh bắt bội thu. Những lúc “biển đói”, ngư dân tổ chức cúng cá Ông để cầu ngư. Những lúc “biển no” thì tổ chức lễ cúng để tạ ơn cá Ông.

Ở Vàm Láng, mặc dù lễ hội chính thức diễn ra vào 2 ngày 9 và 10-3 âm lịch, nhưng nhiều ngày trước đó mọi người đã tề tựu về trang trí lại lăng Ông; trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón một ngày hội lớn. Theo nhiều ngư dân, việc chuẩn bị tươm tất cho không gian hành lễ này sẽ làm cho ngày hội thêm phần trang nghiêm, long trọng, mở đầu cho một mùa đánh bắt mới với nhiều sự tốt lành và bội thu.

Bắt đầu từ sáng 9-3 (âl), các nghi thức lễ được tiến hành liên tục cho đến nửa đêm: Lễ thỉnh sắc, lễ cúng tiên sư, lễ thỉnh cổ bánh, lễ thỉnh vong trên bộ, lễ thỉnh vong lạc thủy… Quan trọng nhất là lễ cúng cầu an tại giàn thí. Nghi thức này mang ý nghĩa tế các vong linh và cầu mong những điều tốt lành trong một mùa biển mới.

Ngoài các nghi thức lễ, các hoạt động hội cũng được tổ chức phục vụ nhân dân: giao lưu đờn ca tài tử, hát với nhau, hát bội, múa lân, trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ… Đặc biệt là trò chơi leo cây thoa mỡ đã được duy trì tổ chức nhiều năm và được xem như một trò chơi truyền thống không thể thiếu của ngày hội nghinh Ông tại Vàm Láng.

Tâm điểm và hấp dẫn nhất của ngày hội vẫn là nghi lễ nghinh Ông được diễn ra vào sáng 10-3. Dẫn đầu là 1 ghe chính với nhiều lễ vật, Ban tế lễ, Đội tế thần… Tiếp theo sau là hàng trăm ghe thuyền nối đuôi nhau ra khơi. Cuộc “diễu hành” trên biển này tạo nên 1 không khí hội vui tươi, náo nhiệt, là tín hiệu tốt lành cho một mùa biển mới.

Trên mỗi ghe tàu đều có bày trí 1 bàn cúng Ông với nhiều lễ vật: gà luộc, heo quay, hương đăng, hoa quả… tùy theo khả năng của từng gia đình. Sau khi ra biển cúng Ông với nhiều nghi thức truyền thống như: khai sắc, đọc văn tế…, đoàn trở về cảng, ai trở về nhà nấy tự tổ chức vui chơi tại nhà và đi chia vui cùng những gia đình lân cận.

Ngày nay, các phương tiện dự báo thời tiết và thông tin liên lạc đã phát triển rất nhiều giúp chúng ta có thể dự báo từ xa những hiểm họa của thiên nhiên một cách chính xác. Mặc dù vậy, mỗi ngư dân vẫn còn giữ một niềm tin nhất định vào sự che chở của cá Ông mỗi khi thiên nhiên nổi giận, bằng chứng là lễ hội nghinh Ông vẫn được duy trì tổ chức hàng năm ở nhiều nơi và được đông đảo ngư dân tham dự. Điều đó cho thấy lễ hội nghinh Ông là một giá trị không thể thiếu trong đời sống tâm linh của ngư dân vùng biển và đang cần được quan tâm bảo tồn, tiếp tục phát huy.

VĂN NGHỆ

.
.
.