Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Tuyển với những lần vẽ chân dung Bác Hồ
Hoàng Tuyển tên thật là Chung Kim Tiền, sinh năm 1912, tại làng Tân Niên Trung, tổng Hòa Lạc Thượng, tỉnh Gò Công (nay là xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình nông dân.
Do có năng khiếu hội họa, ông được gia đình cho đi học vẽ với ông Nguyễn Thanh Dương, một họa sĩ học từ Pháp về, ở làng Đồng Sơn (nay là xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây). Sau đó, được sự giới thiệu của thầy, ông học vẽ với họa sĩ Huỳnh Phan, cũng học từ Pháp về. Được các gánh cải lương ở Nam kỳ mời, ông cùng với họa sĩ Huỳnh Phan chuyển sang chuyên vẽ phông màn và trang trí sân khấu.
Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Tuyển (thứ ba từ trái sang). |
Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng tại quê nhà. Đầu tháng 10-1945, ông trích tay lấy máu vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tranh được trưng bày tại cuộc triển lãm được tổ chức ở đình Trung, thị xã Gò Công và được ông Trương Văn Huyên, một nhân sĩ ở làng Tân Duân Đông (nay là xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) mua với số tiền rất lớn. Số tiền đó đã được nộp vào Quỹ “Tuần lễ vàng” để giúp cách mạng có kinh phí hoạt động.
Bằng tác phẩm nghệ thuật độc đáo đó, ông là họa sĩ đầu tiên ở nước ta vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu của chính mình, thể hiện lòng tôn kính của họa sĩ Hoàng Tuyển nói riêng, nhân dân Nam bộ nói chung đối với Bác Hồ kính yêu. Tiếc rằng bức tranh bằng máu vô giá ấy đã không còn nữa, vì sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh.
Cuối tháng 10-1945, sau khi giặc Pháp tái chiếm Gò Công, ông cùng với lực lượng bộ đội chuyển quân đến căn cứ Rừng Sác - Lý Nhơn (nay thuộc huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) tiếp tục kháng chiến. Giữa năm 1946, ông được điều động về Phòng Chính trị thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 8 đóng ở chiến khu Đồng Tháp Mười làm công tác văn nghệ, tuyên truyền.
Năm 1947, ông được cấp trên phân công thiết kế Nhà triển lãm tại Thiên Hộ (nay thuộc xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nhân Đại lễ kỷ niệm 2 năm Ngày Quốc khánh nước ta (2-9-1945 - 2-9-1947), do Ủy ban Kháng chiến Nam bộ tổ chức. Nhà triển lãm được hoàn thành chỉ trong vòng 1 tháng, rất hoành tráng, rực rỡ và tuyệt đẹp.
Mùa nước nổi năm 1948, trong điều kiện hết sức khó khăn, chỉ trong vòng 1 tháng, ông đã hoàn thành việc vẽ 12 bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch, khổ 1 m x 1,2 m theo yêu cầu của cấp trên để làm phần thưởng cho các đơn vị đạt được thành tích xuất sắc trong chiến đấu của Quân khu 8.
Họa sĩ Hoàng Tuyển cho biết: “Vào một buổi sáng năm 1948, anh Bảo Định Giang tìm tôi cho biết: Anh được ủy nhiệm của Bộ Tư lệnh Quân khu 8, yêu cầu tôi vẽ 12 bức chân dung Bác Hồ cỡ lớn làm giải thưởng cho các đơn vị quân đội và một số địa phương trong một hội nghị thi đua sắp tới.
Tôi đã chấp hành mệnh lệnh và hứa cố gắng hoàn thành trong thời gian quy định. Tôi được cấp 12 thước vải trắng với 1 chiếc xuồng con và 1 em bé tên Nga giúp việc. Nga rất thích hội họa, có khả năng bài trí sân khấu và còn có khả năng diễn kịch… (sau này Huỳnh Nga là Đạo diễn sân khấu và được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân).
Chia tay anh Bảo Định Giang với 3 tấm giấy giới thiệu trong tay, thầy trò chống xuồng ra đi. Đồng Tháp Mười lúc này nước ngập mênh mông. Việc đầu tiên là phải kiếm mua cho được các loại sơn và bút vẽ. Việc này phải ra chợ Cao Lãnh mới có bán, nhưng Huỳnh Nga đi 3 ngày rồi trở về tay không. Không ai dám cấp giấy phép cho em ra vùng tạm chiếm.
Chúng tôi đã tìm được tới Nhà in Báo Tổ quốc để may ra có thể nhờ giúp đỡ gì chăng. Nhà in này chỉ có 1 bàn in lăn tay, không có màu gì khác màu mực đen. May quá, vét lại các hộp sơn, có thể hòa lẫn màu tím với đỏ thành màu nâu, có thể dùng vẽ màu áo của Bác.
Màu da của Bác phải là màu hồng nhạt. Chúng tôi bàn với nhau, bật ra sáng kiến tìm tới 1 ngôi đình cũ bị máy bay Pháp bắn sụp, gạch ngói vung vãi khắp nơi, ngâm nước lâu ngày đã mềm lụn. Chúng tôi bóp thử thấy đỏ rực như son, có thể pha trộn vẽ da Người rất đẹp”.
Huỳnh Nga hỏi: “Không có màu trắng để pha màu đậm nhạt, làm sao anh Hai?”. Hoàng Tuyển nói với em: “Ta lấy ngay cái nền vải trắng này làm sơn trắng là xong thôi”. Nhưng điều khó khăn là vẽ rồi thì không thể bôi xóa để vẽ lại. Vậy phải tính toán từng nét vẽ.
Màu sơn như vậy là tạm được. Bây giờ làm sao có được mấy cây cọ, 1 cây lớn, 1 cây nhỏ, 1 cái bút nhọn để vẽ tóc và râu. Trước đây, hồi còn ở Sài Gòn, khi quân Pháp bị quân Nhật đảo chính, nhiều cửa hàng không mở cửa, ông phải kiếm đuôi ngựa bó lại làm cọ lớn và dùng râu dê làm bút nhọn.
Bây giờ ở Đồng Tháp Mười mênh mông nước nổi thì lấy đâu ra đuôi ngựa và râu dê. Không dè Huỳnh Nga bật ra sáng kiến: “Để em tìm râu mèo làm bút nhọn và lông ngỗng làm cọ to, anh Hai vẽ coi có đặng không”. Cái mẹo nhỏ đó đã có kết quả.
Sau 2 tháng trời làm việc không kể ngày đêm, ông đã hoàn thành 12 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những thứ màu và cọ đặc biệt. Những bức chân dung cao rộng, hoành tráng nổi bật lên trên bộ khung bọc vải đỏ rực rỡ và uy nghi.
Với những tác phẩm hội họa này, ông đã được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, gởi thư khen: “…Tôi cùng với phái đoàn Nam bộ vừa đi họp hội nghị từ Trung ương mới về tới. Đâu đâu, phái đoàn chúng tôi cũng được chính quyền và đồng bào địa phương chào mừng, đón tiếp trọng thể…
Tôi đã được chính quyền và đồng bào địa phương tặng cho 1 tấm hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bức vẽ rất đẹp, rất giống. Tôi đã đưa về cơ quan lồng kiếng và treo ngay văn phòng, để ngày nào tôi cũng được trông thấy và tưởng như Người đang ở trước mặt mình… Tôi gởi thư này tỏ lòng khen ngợi người nghệ sĩ đã đem tài năng mình cống hiến cho cách mạng…”.
Do những công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và nền nghệ thuật nước nhà, năm 1993 ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân. Ông mất năm 1999 tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 87 tuổi.
Với những tác phẩm vẽ chân dung Bác Hồ, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Tuyển đã để lại dấu ấn đặc biệt của nền hội họa hiện đại Việt Nam.
SONG LAN