Thứ Sáu, 23/05/2014, 20:37 (GMT+7)
.

Người Nam bộ với Dạ cổ hoài lang và đờn ca tài tử

Nhà nghiên cứu Phan Thanh Nhàn đã nói về bản vọng cổ Dạ cổ hoài lang: “Nó đã đi vào cuộc sống nhân quần như một tất yếu của nghệ thuật. Nó trong sáng, bình dị lạ thường. Nó đã và đang xâm thực vào hồn người và ở đó nó đã mọc rễ... Ở thế kỷ này, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã dành cho thế hệ người Việt đương đại Dạ cổ hoài lang. Khúc nhạc ấy đã cắm một cột mốc vào lịch sử và phát sáng như một ngôi sao trên bầu trời âm nhạc Việt Nam”.

DẠ CỔ HOÀI LANG TRONG LÒNG NGƯỜI DÂN NAM BỘ

Nơi dừng lại đầu tiên của chuyến hành trình nửa ngày từ Mỹ Tho đến Bạc Liêu của Đoàn Tiền Giang là Khu du lịch sinh thái Hồ Nam (Bạc Liêu). Trên bờ hồ là 21 chiếc nón thật lớn, nghiêng nghiêng như làm duyên với mặt hồ êm đềm… Bất chợt ngọt ngào vang lên câu hát: “Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin nhạn/ Năm canh mơ màng...” (Bài Dạ cổ hoài lang). Trong đoàn, nhiều người cất tiếng hát theo.

Một hình thức sinh hoạt đờn ca tài tử. Ảnh: Ngọc Lệ
Một hình thức sinh hoạt đờn ca tài tử. Ảnh: Ngọc Lệ

Đêm khai mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014 với chương trình nghệ thuật hoành tráng, sinh động, nội dung theo dòng chảy thời gian của lịch sử Đờn ca tài tử (ĐCTT). Quảng trường Hùng Vương (Bạc Liêu) không còn sức chứa, những người dân bên ngoài rào bảo vệ chen chúc nhau để được thưởng thức những ngón đờn, giọng ca đúng chất tài tử; những tiết mục pha múa dân gian để tạo sức hấp dẫn riêng.

Tiếng đờn kìm của nghệ nhân Ngọc Cần quyện vào giọng ngân nga ngọt ngào của nghệ nhân trẻ Ngọc Đợi cùng với dàn múa mà đạo cụ là kìm, cò, tranh, bầu… khiến ai cũng cất tiếng hát theo “… Chàng là chàng có hay/ Thiếp đêm nằm luống những sầu tây/ Bao thuở đó đây sum vầy…”.

Đêm trao Giải Trần Hữu Trang, tiết mục ca múa Dạ cổ hoài lang được cả khán phòng hưởng ứng. Từ miệt vườn cây trái hay đồng nước mênh mông, người Nam bộ từ trẻ đến già đều có thể hát vài câu trong bài Dạ cổ hoài lang. Điều này cho thấy Dạ cổ hoài lang đã “bén rễ” vào lòng bao thế hệ.

Soạn giả Ngô Hồng Khanh đã phát biểu trong bài tham luận: Từ “Dạ cổ hoài lang” đến bài “vọng cổ” - những bước đột phá nghệ thuật: “…Dạ cổ hoài lang của Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (nhịp 2) ra đời năm 1919, qua các lần “biến thiên lịch sử” từ nhịp 4 - 8 (nghệ nhân Lư Hòa Nghĩa mở đầu kỷ nguyên của bản vọng cổ) đến nhịp 16 và nghệ nhân Trần Tấn Hưng đã biên soạn vọng cổ nhịp 32 (năm 1955) là 36 năm”.

Từ đó đến nay gần 60 năm, vọng cổ nhịp 32 đã định hình và giữ được nét độc đáo riêng của nó. Năm 1935, vọng cổ nhịp 8 ra đời với bài “Văng vẳng tiếng chuông chùa”, người yêu nhạc tài tử mê giọng ca mùi của nghệ nhân Năm Nghĩa thể hiện bài hát này.

Năm 1946, giọng ca thâm trầm của cô Tư Sạng (Mỹ Tho - Tiền Giang) làm day dứt lòng tri âm bằng bài vọng cổ nhịp 16 “Mẹ dạy con”. Thế hệ hôm nay vẫn ngưỡng mộ lối ca của danh ca Út Trà Ôn qua bài vọng cổ nhịp 32 “Tình anh bán chiếu”… và hàng loạt bài vọng cổ của các soạn giả: Viễn Châu, Loan Thảo, Trọng Nguyễn, Châu Thanh…. đã đi vào lòng công chúng.

Ai là dân miền Tây mà không biết đến bài vọng cổ. 59 năm với sự trụ hạng và độc tôn của mình, bài vọng cổ nhịp 32 (hậu duệ của bài Dạ cổ hoài lang) có mặt trong các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử, sân khấu cải lương, đĩa nhựa, sóng phát thanh, truyền hình và kéo theo bao danh hiệu: Đệ nhứt danh ca, Hoàng đế vọng cổ, Đệ nhứt danh cầm với những bản độc tấu vọng cổ bằng guitar phím lõm, violon, hạ uy duy, đờn cò, gáo, tranh, kìm, sến và gần đây là Chuông vàng vọng cổ…

Bản vọng cổ đã có sức sống mãnh liệt và gieo vào lòng người nỗi niềm quặn thắt, da diết đến nao lòng như bài “Lá trầu xanh” của soạn giả Viễn Châu. Nghe tâm sự của cô gái bán trầu mà rưng rứt: “… Anh phụ em rồi anh không tới nữa, để phiên chợ chiều làm héo úa lá trầu xanh…”.

BÀN VỀ PHONG CÁCH VÀ LỐI CHƠI NHẠC TÀI TỬ NAM BỘ

Nếu miền Bắc có Ca trù, miền Trung có Ca Huế thì ở Nam bộ có Đờn ca tài tử (ĐCTT), là một nghệ thuật đờn ca đậm sắc dân gian, nhưng mang tính bác học trong bài bản. ĐCTT có thể chơi ở bất cứ nơi đâu và thời điểm nào, trang phục giản dị, khi vui có thể nhấm nháp chun rượu rồi “nâng phím so dây” bài Tây Thi,  Xuân tình… sôi nổi; lúc buồn có thể não nuột khúc Nam ai… (phát biểu của ông Dương Huỳnh Khải, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu).

Tiết mục Dạ cổ hoài lang trong đêm trao Giải Trần Hữu Trang ở tỉnh Bạc Liêu.
Tiết mục Dạ cổ hoài lang trong đêm trao Giải Trần Hữu Trang ở tỉnh Bạc Liêu.

Người chơi ĐCTT gồm đủ mọi thành phần, trình độ trong xã hội. Có thể vì yêu thích, chơi hay, chơi dở, chuyên nghiệp để kiếm sống hay chơi để giải trí, nhưng khi nói đến nhạc tài tử Nam bộ là ta phải hiểu đó là một loại hình âm nhạc với những bài bản bác học, loại nhạc tinh hoa trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đã sinh sản ở đất Nam bộ hơn 100 năm nay. Đó là dòng nhạc theo lối ký âm ngũ cung lòng bản, mộc mạc chân phương…

Thiên, địa, nhân, ảnh hưởng hổ tương nhau khi chơi đờn ca. Vào cuộc chơi (hoặc biểu diễn), người cầm đờn phải rao trước để kiểm tra dây đờn có ăn với nhau không. Các cây đờn từ từ dứt câu rao theo một trường tống thì người giữ song lang gõ song lang khai trường tống (nhịp đầu trước khi vô bài)…

Thường thì các tài tử đờn và ca ngồi thành vòng tròn để dễ cảm nhận tiếng đờn, lời ca của nhau. Xưa nay, phong cách trình tấu ĐCTT Nam bộ không hề thay đổi, chỉ thay đổi khi ứng dụng sân khấu cải lương thì tài tử phải tuân theo tình huống kịch, cách viết của soạn giả mà thay đổi phong cách đệm đờn. Người đờn hoặc ca tài tử phải có năng khiếu và trình độ chuyên môn, phải thuộc lòng căn cơ, bài bản và phải “tâm tấu”, đem bài bản thuộc lòng ra chơi, không phải “thị tấu” nhìn bài bản như các nhạc công chơi tân nhạc.

Trong cuộc chơi phải có tri âm, có bạn đờn, ca chung hoặc người nghe mới có cảm hứng để nắn phím so dây, đờn ca hay. ĐCTT mà khán giả có mặt càng đông nhưng không phải là tri âm thì càng làm người chơi phân tâm, mất hứng, không thể đờn, ca hay được. Chính vì vậy, ĐCTT có tính thính phòng, trình tấu trong một không gian vừa đủ để người chơi và người nghe cùng nhau thưởng thức mà không cần máy móc tăng âm. Thưởng thức ĐCTT nghe là chính, người nghe có thể nhắm mắt dùng trái tim và tâm hồn để cảm nhận.

GS-TS-VS Trần Văn Khê có nói: “Đối với người Nam bộ, ĐCTT là một thú vui tiêu khiển, đem cái vui cho mình và cho mọi người chung quanh. Có thể đờn chơi một mình, lúc đó tiếng đờn như người bạn chí thân, khi buồn có thể trút buồn vào tiếng đờn, khi vui có thể tìm bạn để hòa đờn… Chơi nhạc tài tử phải biết truyền cảm hứng cho nhau đúng lúc và nhường nhịn, đón rước nhau như tính cách phóng khoáng của người phương Nam vậy!...”.

Có đến tham dự sinh hoạt ĐCTT mới biết sức sống của nó như thế nào. Người đến chơi không phân biệt tuổi tác, giới tính, không phân biệt ngành nghề… Niềm đam mê xóa đi ranh giới xã hội, lời ca, tiếng đờn gắn kết mọi người lại với nhau. Người biết đờn thì nắn nót sao cho tiếng đờn hay nhất, người biết ca cố gắng thể hiện bài hát cho mùi mẫn, ngọt ngào để chinh phục người nghe.

Đó là dịp để người ca, người đờn cọ xát nhau, rèn luyện, gọt dũa kỹ năng nghệ thuật, cho nên có lỡ đờn sai chữ, ca trật nhịp cũng không phải là vấn đề quan trọng. Có ngồi lại thưởng thức, chung vui buổi sinh hoạt ĐCTT mới nếm hết vị ngọt ngào của cung bậc cảm xúc, chất “tài tử” ở thể loại âm nhạc cổ truyền này khác loại hình nghệ thuật khác là như thế.

Chúng tôi đã tham gia buổi giao lưu của Ban ĐCTT Tiền Giang: Thanh Hải, Đức Huệ, Thanh Nhàn, Tấn Hưng, Nguyệt Châu, Trọng Nhân với các tài tử tỉnh Bạc Liêu: Công Tràng, Mỹ Thanh, Văn Trung… Tất cả đều có “thâm niên thành tích” trong nghề. Trong buổi giao lưu này, nghệ nhân đờn có thể sử dụng nhiều loại nhạc cụ và họ ca cũng rất hay, thay phiên nhau xoay vòng hòa đờn, hòa ca không biết chán.

Có lúc họ cũng thử tay nghề của nhau, nhưng tất cả đều cân sức cân tài, rồi phải lưu luyến chào nhau. Chị Nguyệt Châu kêu lên: “Anh Đức Huệ “khôn nhà dại chợ”, đờn chơi hay hơn đờn thi”. Có lẽ do có “tri âm, tri kỷ” mà người chơi thêm cảm hứng, nên ngón đờn thăng hoa và người ca cũng thật có hồn. Đối với chúng tôi, được hòa mình với cuộc chơi hết sức “tài tử” như vậy là rất hiếm hoi.

NGỌC LỆ

.
.
.