Nguyễn Tri Khương với vở cải lương Giọt lệ chung tình
Năm 1927, vở cải lương Giọt lệ chung tình của nhạc sĩ và thầy tuồng Nguyễn Tri Khương ra đời. Ông viết tuồng cho gánh hát Đồng Nữ Ban do bà Trần Ngọc Viện thành lập (tức bà Trần Ngọc Viện, giảng viên Khoa Gia chánh Trường Nữ Học Đường - nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai).
Gánh hát không có kép nam, toàn là nữ diễn viên. Nữ không phải toàn là “đàn bà” mà toàn là “con gái” của các gia đình nông dân, điền chủ trong làng Vĩnh Kim và các làng lân cận: Đông Hòa, Rạch Gầm, Kim Sơn, Long Hưng… (Châu Thành, Tiền Giang), được cô Ba Viện tuyển lựa vào gánh hát. Khi gánh Đồng Nữ Ban được thành lập, thầy tuồng Nguyễn Tri Khương cho bà Năm Viện cất trên đất của ông một căn nhà lá rộng rãi để làm nơi tập tuồng.
Nguyễn Tri Khương (1890 - 1962) nổi danh là ông Cả Năm thổi sáo, em ông Bái Lạc ở làng Vĩnh Kim và là con ông Hội đồng Nguyễn Tri Túc, cháu nội ông Nguyễn Tri Phương (vị đại thần triều Nguyễn), là anh của bà Nguyễn Thị Dành, Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành năm 1930. Đến ấp Thới, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành (gần chợ Vĩnh Kim), hỏi thăm dân trong vùng, ai cũng biết nhà thờ họ
Nguyễn Tri.
Có dịp tôi ghé thăm, được ông Nguyễn Tri Triết, là cháu đời thứ 5 của Nguyễn Tri Phương, đã cho tôi xem gia phả dòng họ Nguyễn Tri và quyển tập giấy kẻ ngang viết vở cải lương Giọt lệ chung tình. Trang đầu tiên là bài Madelon, bài hát mở đầu đào kép đứng hết trên sân khấu đồng ca, góc phải cuối trang là mấy dòng ngắn gọn của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê xác nhận bản thảo đó là bút tích của cậu Năm tôi, tức ông Nguyễn Tri Khương.
Vở cải lương Giọt lệ chung tình phỏng theo tiểu thuyết dã sử “Giọt máu chung tình” của nhà văn Nguyễn Hữu Ngởi, tức Tân Dân Tử. Trong lời tựa tác phẩm “Giọt máu chung tình” của mình xuất bản năm 1926, Tân Dân Tử viết:
“Những nhà đại gia văn chương trong xứ ta khi trước hay dùng sự tích sử truyện Tàu mà diễn ra Quốc văn của ta và cũng chưa thấy tiểu thuyết nào làm ra một sự tích của bậc anh hùng hào kiệt và trang liệt nữ thuyền quyên trong xứ ta đặng mà bia truyền cho dân rõ biết.
Như vậy thì trong xứ ta chỉ biết khen ngợi, sùng bái người anh hùng liệt nữ xứ khác mà chôn lấp cái danh giá của người anh hùng liệt nữ xứ mình, chỉ biết xưng tụng cái oai phong của người ngoại ban, mà vùi lấp cho lu mờ cái tinh thần của người bản quốc”.
Trên tinh thần đó, ông đã viết nên tiểu thuyết “Giọt máu chung tình” để rồi 2 tư tưởng lớn gặp nhau. Phỏng theo tiểu thuyết dã sử đó, ông cả Năm thổi sáo đã soạn ra vở cải lương Giọt lệ chung tình, nhắc lại chuyện tình trắc trở của Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà.
Vở cải lương ra đời trong hoàn cảnh phong trào cách mạng ở xã Vĩnh Kim dâng cao, với sự hỗ trợ của em gái và sự hợp tác chặt chẽ với chị chồng của em gái, tức bà Trần Ngọc Viện, vở cải lương đã ra mắt khán giả. Đây là vở diễn chủ lực của gánh cải lương Đồng Nữ Ban, là vở tuồng dã sử.
Khác với “Ngoại sử, dã sử”, ngoài việc lấy sử Việt Nam làm bối cảnh chính, các nhân vật chính cũng phải là nhân vật có thực trong lịch sử Việt Nam thể hiện trong bài:
Kim tiền vắn có đoạn Võ Đông Sơ tự giới thiệu với Bạch Thu Hà rằng:
Khai Quốc công tước làm hậu quân
Tên Võ Tánh vốn thiệt chung đường
Tước công chúa hiệu là Ngọc Du
Ấy là mẫu thân
Trên song đường vui cảnh hạt đã xa dời
Tên tiểu tử ấy tên là Đông Sơ….
Theo thúc thân nương ngụ…
Trong tuồng, các câu nói lối Xuân, lối Ai đều viết theo lối văn biền ngẫu, nội dung nhiều đoạn rất mạnh, nói lên tâm tư của dân tộc Việt Nam lúc đó đang có tinh thần chống chính sách đô hộ thuộc địa, như đoạn Võ Đông Sơ đánh bại gian nhơn rồi thì khi đạp trên mình gian nhơn (kẻ cướp) đã chỉ mặt nó mà hỏi:
Ơ tên kia!…
Đem cường quyền hòng xâm lấn
Mượn áp chế dốc tung hoành
Phạm tự do, xã hội dám hy sanh
Đạp công lý quốc dân đành xả mạng…
Ngoài những nhân vật lịch sử, về nghệ thuật, vở cải lương có đầy đủ các bản nhạc theo các điệu, hơi Bắc, Quảng, Hạ, Xuân, Ai đảo, Hành vân, Văn Thiên Tường, Kim tiền vắn, Lưu thủy trường, Bình bán vắn, Tứ đại oán, Bài hạ, Lưu thủy đoản, Kim tiền ngự giả, Khổng Minh tạ lầu,...
Đặc biệt, bài Vọng cổ Hoài Lang nhịp 2 xuất hiện gắn liền với tuồng Giọt lệ chung tình vào năm 1927. Vọng cổ Hoài Lang nhịp 2 có đoạn (có nhiều bài, tôi xin trích 1 đoạn):
…Chàng ôi vốn đây nữ liệt
Dễ đâu làm trở gót hùng anh
Vì thương chàng bể dâu cam đành
Tuyết sương tên đạn vẫy vùng…
Đoạn này ca ngợi sự trung trinh, tiết liệt của Bạch Thu Hà dù bị gia đình ép gả nhưng nàng một mực chung tình.
Và lần đầu tiên, ông đã sáng tạo ra nhiều bài bản mới (có nhiều bài bản mới, tôi xin trích mỗi loại 1 bài):
Yến tước tranh ngôn (Chim én và chim sẻ tranh lời)
Hôm nay ngày
Cậy người đem lời mai ước
Mà chẳng rõ
Chẳng rõ khúc nỗi duyên do…
Phong xi trịch liễu (cơn gió làm nghiêng cây liễu) theo hơi Xuân nữ, nhưng nhịp dồn dập như bài Nam tẩu trong Hát Bội:
Việc cô tôi liều mình
Việc cô tôi liều mình
Nhơn vì đau lòng nợ duyên…
Tới ngày nay, không thấy soạn giả nào sử dụng các bài này trong cải lương, trong đó có bài Phong xi trịch liễu mà GS-TS Trần Văn Khê có thu vào dĩa hát bên Pháp vào năm 1959.
Với vở chủ lực Giọt lệ chung tình, gánh hát Đồng Nữ Ban dùng sân khấu làm nơi tập hợp, giáo dục quần chúng, giáo dục tinh thần yêu nước và gây quỹ tài chính cho tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Mỹ Tho.
Đến năm 1928, lấy lý do gánh Đồng Nữ Ban hoạt động quốc sự, nhà cầm quyền Pháp ở Nam kỳ ra lệnh giải tán. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng gánh Đồng Nữ Ban là niềm tự hào của nữ giới Tiền Giang trong công cuộc vận động giải phóng dân tộc và góp thêm sự đa dạng của sân khấu cải lương trong những năm 20 của thế kỷ trước.
PHẠM THỊ HƯƠNG