Thứ Sáu, 04/07/2014, 09:09 (GMT+7)
.

Bảo tồn và phát huy nhạc tài tử Nam bộ - nỗi niềm trăn trở

Trong xu thế hội nhập hiện nay, đờn ca tài tử (ĐCTT) đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình nghệ thuật hiện đại khác, tác động thị hiếu của một bộ phận người dân, nhất là lớp trẻ, khiến nguy cơ tiềm ẩn đối với di sản văn hóa nghệ thuật ĐCTT là rất cao, cho nên việc bảo tồn và phát huy loại hình này như tiếng chuông hối thúc.

Trong tham luận “Bảo tồn và phát huy ĐCTT Nam bộ trong xã hội đương đại”, nghệ nhân dân gian Nguyễn Tấn Nhì mở đầu bằng nỗi lo lắng: “Có những người mê say ĐCTT nhưng họ chỉ biết đây là một thú vui chơi giải trí đơn thuần, chơi hay, chơi dở, chơi trúng, chơi trật gì cũng được; thậm chí trong các quán nhậu, người đờn cương gặp người ca cương, hết bài này tới bài kia không hề biết chán, nhưng không bao giờ họ tìm hiểu, học tập trở thành một tài tử thực thụ, hoàn mỹ…”.

Nghệ nhân Thế Châu dạy học viên đờn ca tài tử. Anh: Ngọc Lệ
Nghệ nhân Thế Châu dạy học viên đờn ca tài tử. Anh: Ngọc Lệ

PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liên thì cho rằng, sáng tác bản đờn là một cách bảo tồn và phát triển ĐCTT trong giai đoạn hiện nay. Rồi cô giải thích:

“Hơn 100 năm tồn tại, ĐCTT luôn có sự sáng tạo không ngừng, bởi bản chất của ĐCTT là sáng tạo, ngẫu hứng… Tuy nhiên, những buổi hòa đờn ngày nay ít thấy ngẫu hứng, đối đáp; những sáng tác bản đờn mới cho ĐCTT thưa thớt, vắng bóng hoặc có cũng rất hiếm hoi… Đã lâu rồi không còn có những bản đờn được nhạc giới yêu thích, lưu truyền như: Văn Thiên Tường, Trường tương tư, Thanh dạ đề quyên…

Điều gì ngăn trở sáng tác bản đờn mới cho nhạc tài tử? Trong hàng vạn nghệ nhân, nhạc sư, tài tử đờn, phải chăng không còn có những khao khát sáng tạo, không còn tài năng? Tuy sáng tạo bài bản không phải là điều duy nhất để bảo tồn và phát triển ĐCTT, nhưng sáng tạo bản đờn mới là điều cơ bản để ĐCTT tồn tại bền vững, bảo tồn được vốn cổ và phát triển…”.

Như đồng cảm, TS. Mai Mỹ Duyên cũng nêu lên nỗi niềm của mình: Từ nhiều năm qua, các hình thức sinh hoạt của các CLB, nhóm ĐCTT đi vào lối mòn, rất ít có sự sáng tạo ra bản nhạc mới để làm giàu thêm cho tài sản âm nhạc dân tộc.

Khi còn là Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở VH-TT, nay là Sở VH-TT&DL Tiền Giang), Mai Mỹ Duyên đã từng trăn trở với việc lưu giữ và phát triển ĐCTT. Chị từng có ý kiến đề xuất về việc nghiên cứu và ứng dụng nhạc tài tử vào trường học nhưng sự đồng tình quá ít, số còn lại thì thổ lộ sự băn khoăn là không biết sẽ dạy các em bộ môn này như thế nào và thời gian học ra sao trong khi lịch học đã phủ kín suốt tuần.

TS. Mai Mỹ Duyên cho biết thêm, năm 2010 - 2011 Viện Âm nhạc Việt Nam đã kết hợp cùng các tỉnh, thành Nam bộ tiến hành khảo sát, điều tra, sưu tầm, nghiên cứu nghệ thuật ĐCTT. Toàn vùng có 2.258 CLB, đội, nhóm ĐCTT với 18.800 nghệ nhân và tài tử tham gia hoạt động âm nhạc này - con số rất “hoành tráng”, cho thấy tầm vóc và sức sống của bộ môn âm nhạc này ở vùng đất phương Nam.

Tuy nhiên, khi được xem các tiết mục diễn tấu, hòa ca, sinh hoạt lệ kỳ cũng như trong hội thi, liên hoan…, tôi nhận thấy nghệ thuật ĐCTT (cả cải lương) đang đứng trước nguy cơ “mai một” và “biến dạng”…

Đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch ở Khu du lịch Thới Sơn - TP. Mỹ Tho.				                    Ảnh: N.L
Đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch ở Khu du lịch Thới Sơn - TP. Mỹ Tho. Ảnh: N.L

Nỗi niềm chung của những người từ phía diễn đàn của hội thảo là lo lắng cho sự nguy cơ bị “mai một” và “biến dạng” của ĐCTT là hết sức thực tế. Bởi lẽ, lực lượng trẻ kế thừa không nhiều lại không có niềm đam mê như các bậc tiền bối, học lấy có, ít miệt mài rèn luyện, học không đến nơi đến chốn. Người đam mê thì bị gia cảnh chi phối, đa phần những người có nghề trong ĐCTT mắc bận “chạy sô” nhạc lễ. Nhiều tài tử ca lẫn đờn chỉ biết lớp chứ không biết hết bài.

Thực tế cho thấy, trong 8 nghệ nhân của Tiền Giang tham gia Liên hoan ĐCTT ở Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ I tại tỉnh Bạc Liêu vừa qua, trẻ nhất là Trọng Nhân (tài tử ca) và Hồng Tươi (tài tử đờn) đều ngấp nghé tuổi 40; còn người đứng lớp hướng dẫn ca tài tử hiện nay chỉ có nghệ nhân Thế Châu đã lớn tuổi, sức khỏe không được tốt, nhưng lớp kế thừa có “tính khả thi” thì chưa thấy xuất hiện.

Hơn 30 tham luận tại buổi Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ”, có rất nhiều ý kiến nên đưa ĐCTT vào chương trình học phổ thông như một môn học (được ghi vào thời khóa biểu) để cho học sinh sớm làm quen và yêu thích môn nghệ thuật dân tộc này, nhưng vấn đề trăn trở là ai sẽ đảm trách giảng dạy và chưa có giáo trình….

Khá nhiều ý kiến xoay quanh việc lưu giữ và phát triển ĐCTT là phải đầu tư cho phần biên soạn thống nhất về lòng bản của 20 bài bản tổ, thu âm bản đờn, lưu giữ bằng phim ảnh những tư liệu về sinh hoạt ĐCTT. Với các nhạc sĩ, nghệ nhân tài tử (kể cả cải lương) luôn lấy nghĩa tình làm trọng, có người cả đời tâm huyết với nghề, nhưng khi về già sống trong bệnh tật, thiếu thốn.

Từ đó nên có chế độ đãi ngộ nghệ nhân có nghề, cống hiến nhiều công sức cho môn nghệ thuật này. Nhà nước nên có danh hiệu để phong tặng cho những nghệ nhân có nhiều cống hiến cho ĐCTT như: Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân… và quan tâm đến hoàn cảnh của họ.

Làm sao để ĐCTT trở thành nhu cầu sinh hoạt tinh thần thiết yếu của cộng đồng như cách đây 1 thế kỷ và làm thế nào để thực hiện cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT sau khi được thế giới công nhận?

Nỗi trăn trở này, Tiền Giang đã và đang quan tâm thực hiện “Chương trình hành động Quốc gia về bảo tồn nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trong giai đoạn 2014 - 2020”: Tổ chức sáng tác vọng cổ và lời mới trong 20 bài bản tổ có chọn lọc in thành sách bài ca để phát hành trong tỉnh; tổ chức giao lưu, biểu diễn ĐCTT thường kỳ tại rạp hát “Thầy Năm Tú”; tổ chức 2 khóa học ĐCTT nâng cao; tổ chức tọa đàm về ĐCTT; ngành Văn hóa phối hợp cùng Hội Nông dân tổ chức Liên hoan ĐCTT tỉnh Tiền Giang…

NGỌC LỆ

.
.
.