Nhạc sĩ Văn Lưu: Các ca khúc cách mạng hào hùng mãi ngân vang
Nhạc sĩ Văn Lưu tên thật là Đoàn Lý Ân, sinh năm 1928 tại TP. Mỹ Tho. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Thuở thanh niên, Văn Lưu chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Tham gia cách mạng, Văn Lưu được giao nhiệm vụ là Trưởng đoàn Ca múa miền Nam. Tập kết ra Bắc, Văn Lưu là Biên tập viên âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau năm 1975, Văn Lưu trở về quê hương và công tác trong ngành Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch cho tới ngày về hưu.
Hơn 40 năm qua, Văn Lưu đã sáng tác hàng trăm ca khúc ca ngợi sức mạnh hào hùng và tinh thần lạc quan của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và quá trình xây dựng đất nước. Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhạc sĩ Văn Lưu có nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền với từng bước thăng trầm của dân tộc, tiêu biểu như các ca khúc: Nữ dân quân miền biển, Bài ca người săn máy bay, Ta chiến sĩ giải phóng quân”.
Thưởng thức các ca khúc cách mạng của Văn Lưu, người yêu nhạc cảm nhận được âm hưởng hào hùng, lạc quan pha lẫn tính trữ tình, sâu lắng. Đề cập đến sự độc đáo của phong cách âm nhạc trong các ca khúc của Văn Lưu, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cho biết: “Nhạc của Văn Lưu có sự hòa quyện giữa chất bi tráng và chất trữ tình. Tác phẩm của nhạc sĩ Văn Lưu có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và tính hiện đại…”.
Nhận xét về tác phẩm Bài ca người săn máy bay của Văn Lưu, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho rằng: “Giai điệu của ca khúc thật duyên dáng, ca từ nôm na. Chất dữ dội của chiến tranh và chất trữ tình thể hiện tâm hồn của người chiến sĩ chan hòa với nhau tạo nên tính hấp dẫn của ca khúc”.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho rằng: “Phong cách âm nhạc của Văn Lưu có sự đa dạng, phong phú về giai điệu, ca từ. Mỗi ca khúc của Văn Lưu đều là một khám phá, tạo sự cuốn hút đối với người thưởng thức…”.
Ngoài các ca khúc mang âm hưởng hào hùng, nhạc sĩ Văn Lưu có một số ca khúc trữ tình được nhiều thế hệ yêu thích. Nổi bật nhất là các ca khúc: Trắng trong, Ngọt mận hồng đào, Mỹ Tho, Em đi giao lương…
Ca khúc Mỹ Tho được nhạc sĩ Văn Lưu sáng tác vào năm 1980, lời bài hát được phỏng từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Việt Ánh. Ca khúc Mỹ Tho khắc họa vẻ đẹp thi vị của con người và vùng đất Mỹ Tho; đồng thời thể hiện niềm lạc quan của con người trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Ca khúc mở đầu bằng ca từ và giai điệu du dương, thánh thót:
“Ai bảo Mỹ Tho là cô gái đẹp
Ai bảo Mỹ Tho ấy lại là nàng tiên
Đẹp vì sông nước cây xanh
Đẹp vì phong cảnh hữu tình nên thơ”.
Đoạn tiếp theo, giai điệu ca khúc phát triển theo nhịp nhanh, khỏe khoắn, thể hiện sức sống của con người mới trong lao động sản xuất và trong cuộc sống mới:
“Trai gái sống bên nhau đang dâng tràn mơ ước
Rẽ sóng thuyền ai buông điệu lý câu hò”.
Cuối bài hát, ca từ và giai điệu ngân cao vút, thể hiện niềm lạc quan của con người trong cuộc sống và sự lưu luyến của khách tham quan đối với vùng đất Mỹ Tho hiền hòa và thơ mộng:
“Ngàn phương khách đến rồi đi không nỡ
Như vương vấn tình với Mỹ Tho”.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời thơ thi vị, giàu hình ảnh và giai điệu du dương, da diết đã chắp cánh cho bài hát bay cao, bay xa và ngân vang mãi giữa hồn người. Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng vẻ đẹp thi vị, tràn đầy sức sống của con người và vùng đất Mỹ Tho được thể hiện trong ca khúc Mỹ Tho vẫn sống mãi trong hồn người.
Nhạc sĩ Văn Lưu đã về với cõi vĩnh hằng nhưng các ca khúc cách mạng hào hùng và những ca khúc trữ tình của ông mãi ngân vang trong tâm hồn bao người.
VÕ TẤN CƯỜNG