Những kỷ niệm với nhà văn Tô Hoài
Tôi đọc Dế mèn phiêu lưu ký từ thời cấp 1. Trước năm 1975, ở miền Nam, sách của các nhà văn sinh sống ở miền Bắc được in lại nhiều.
Cùng với Không gia đình của văn hào Pháp Hector Malot, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của nhà văn Anh Mark Twain, Dế mèn phiêu lưu ký là quyển truyện được thiếu nhi yêu thích bấy giờ.
Thời cấp 2, tôi “gặp lại” Tô Hoài trong trích đoạn Xóm Giếng ngày xưa (chương trình Việt văn lớp 6). Đoạn văn lung linh hình ảnh, màu sắc của làng quê Bắc bộ in đậm dấu ấn trong ký ức tôi cho tới bây giờ: “Ngõ thăm thẳm xuyên vào ruột hàng tre, tre mọc liền sát khít gốc, ở trên cành và lá giao nhau, lối mòn đi giữa đôi bờ tre cũ. Bốn mùa màu lá tre bóng rợp, che con đường đất mịn…”.
Sau này đọc “Tre xanh xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc lá mong manh/ Mà sao nên lũy nên thành, tre ơi!”của nhà thơ Nguyễn Duy, tôi gặp lại cảm xúc dạt dào với con ngõ dẫn vào Xóm Giếng ngày xưa của Tô Hoài. Quê nhà, đôi khi chỉ là những hình ảnh đơn sơ, bờ tre, mái rạ…, nhưng lại in đậm dấu ấn trong tâm hồn hơn cả những hình tượng ví von, hoa mỹ…
Sau năm 1975, tôi được “học” Tô Hoài trong chương trình Ngữ văn lớp 12 với truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Tác phẩm không chỉ vẽ nên cảnh sắc thiên nhiên núi rừng Tây Bắc với đêm tình mùa xuân của tuổi trẻ dập dìu tiếng sáo, mà còn làm xúc động tâm hồn người đọc bởi sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của hình tượng nhân vật Mị - cô gái Mèo đã đứng lên đấu tranh với những kẻ thống trị tàn bạo, thoát khỏi kiếp đời nô lệ tủi nhục để trở thành con người tự do…
Giữa năm 1991, tôi được mời đi dự Trại Sáng tác văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Hà Nội. Ngoài nỗi niềm náo nức do lần đầu tiên được tới thủ đô, tôi nôn nóng đến với trại vì trong chương trình có các buổi được tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm với nhà văn Tô Hoài - người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Văn học thiếu nhi Việt Nam (bây giờ là Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam) cùng với các nhà văn Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Võ Quảng, Định Hải…
Nằm trên chuyến tàu hàng xuôi ra Bắc chật chội, ồn ào (hồi đó phương tiện đi lại còn khó khăn, phải đăng ký trước mới có được chỗ nằm trên toa hạng 3 như vậy), tôi hình dung ra cảnh được gặp tác giả đã viết Dế mèn phiêu lưu ký đã in đậm xúc cảm. Đích thân nhà thơ Phạm Hổ, Trưởng ban tổ chức trại đón tôi và bạn viết thiếu nhi Võ Phúc Châu (hiện là giảng viên Trường Đại học Tiền Giang) tại Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau này tôi dự nhiều trại sáng tác khác do Hội Nhà văn tổ chức ở Hà Nội và những địa danh thơ mộng hơn, sang trọng hơn, nhưng có lẽ trại sáng tác thiếu nhi thời nhà văn Vũ Tú Nam là Chủ tịch với ê kíp tổ chức Tô Hoài, Phạm Hổ, Định Hải… là trại viết để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp, ấn tượng nhất.
Hồi đó Hội Nhà văn chưa có kinh phí tài trợ hoạt động của Chính phủ như bây giờ, nhà thơ Phạm Hổ cứ ái ngại, phân trần mãi về chỗ ăn, nghỉ thiếu thốn tiện nghi của trại: Khách sạn Công đoàn. Mùa hè mà mỗi phòng “nhét” 4 chiếc giường cá nhân, chỉ có 1 chiếc quạt Liên Xô cũ kỹ, bật hết công suất luôn phát ra tiếng cạch cạch.
Phòng tắm và nhà vệ sinh chung, muốn sử dụng phải chờ. Chưa kể, vào giờ cao điểm, vòi nước ri rỉ phải hứng gần tiếng đồng hồ mới đủ dùng. Vừa tắm xong, trở lên phòng, mồ hôi đã vã ướt áo, nhưng những người viết trẻ chúng tôi không cảm thấy khó chịu vì luôn được sự quan tâm của các nhà văn trong ban tổ chức.
Ngoài các buổi gặp gỡ chung ở Hội, đi tham quan các danh thắng ở thủ đô, trong thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa tác phẩm, chúng tôi luôn được các nhà văn đến thăm hỏi, động viên. Hồi đó người viết cho thiếu nhi còn rất ít, nhất là những cây bút trẻ ở miền Nam ra nên rất được ưu ái. Ngày nào phòng nữ chúng tôi cũng có quà, khi thì bánh kẹo đặc sản Hà Nội, khi thì hoa Ngọc Hà và cả những vật dụng sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn do các chú trong ban tổ chức mang tới.
Một sáng chủ nhật, nhà văn Tô Hoài đến thăm. Vì tối thứ bảy được ban tổ chức trại cho xem rối nước, về muộn, nên chúng tôi dậy trễ. Một chi tiết vui mà mọi người nhắc mãi là chị Tuyết Mai ở tỉnh Cà Mau có mượn của nhà văn Trung Trung Đỉnh ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội chiếc xe đạp để đi dạo thủ đô.
Vì nóng bức, chúng tôi rinh chiếc xe đạp để lên giường, còn 4 đứa bò dài trên nền gạch ngủ. Nhà văn Tô Hoài nhìn thấy cảnh tượng đó đã hóm hỉnh kể lại với nhà thơ Phạm Hổ: Thấy tụi nhỏ nằm ngủ xếp lớp như cá mòi dưới gạch vừa tức cười, vừa thương…
Tôi không may mắn được nhà văn Tô Hoài trao đổi trực tiếp bản thảo, nhưng qua những buổi trao đổi kinh nghiệm chung và những lần trò chuyện thân mật riêng, ông luôn nhấn mạnh: Làm nên cốt lõi của văn chương là ngôn ngữ và chi tiết. Văn chương trước hết phải đẹp, không đẹp sao gọi là văn. Các bạn trẻ phải chú ý đến chi tiết, vì chi tiết là cái khó thể hư cấu…
Bước vào con đường văn chương, qua trải nghiệm bản thân, tôi dần nghiệm ra cái đẹp trong văn chương mà ông luôn tâm đắc và bỏ cả đời theo đuổi, để nói ra như một kinh nghiệm, là vẻ đẹp của ngôn ngữ giản dị, chân chất mà lay động lòng người. Những chi tiết mà ông chắt lọc từ cuộc sống để đưa vào tác phẩm là những gì tâm đắc nhất mà ông đã chiêm nghiệm suốt quãng đời cầm bút non một thế kỷ.
Vậy nên, dù Sen (*) đã lìa cành, nhưng Dế mèn, Giăng thề, O chuột, Vợ chồng A Phủ; rồi Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác… (**) vẫn sống mãi trong lòng người đọc.
THU TRANG
(*) Nguyễn Sen, tên nhà văn
Tô Hoài.
(**) các tác phẩm tiêu biểu cùa nhà văn Tô Hoài