Chợ Gạo: Nhiều giải pháp đồng bộ xây dựng đời sống văn hóa
Chợ Gạo là một trong những huyện dẫn đầu phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”(TDĐKXDĐSVH). Từ phong trào này, diện mạo nông thôn từng bước được đổi thay, hệ thống các thiết chế văn hóa dần được hoàn thiện, những giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.
Năm 2014, huyện Chợ Gạo tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, lồng ghép thực hiện các hoạt động làm cho phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, toàn diện và đồng đều hơn.
Xã Lương Hòa Lạc vừa được công nhận Xã Văn hóa nông thôn mới. |
Xác định xây dựng gia đình văn hóa, xã (thị trấn), ấp (khu phố) văn hóa là một nội dung quan trọng của phong trào TDĐKXDĐSVH nên công tác tuyên truyền luôn được chú trọng. Toàn huyện có 47.093/47.098 hộ đăng ký gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 99,98%. 6/19 xã, thị trấn văn hóa, chiếm tỷ lệ 31,7%. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị giai đoạn 2013 - 2015.
Sau 1 năm phát động, xã Lương Hòa Lạc và Đăng Hưng Phước đã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thị trấn Chợ Gạo đạt chuẩn văn minh đô thị. Toàn huyện có 6 chợ văn hóa, 23 con đường văn hóa, 55 cơ sở thờ tự văn hóa và 1 công viên văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Giang, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Thực tế cho thấy, phong trào TDĐKXDĐSVH đã tạo hiệu ứng xã hội rộng rãi. Các tiêu chí văn hóa luôn thực hiện tốt và vượt chỉ tiêu đề ra”. Cùng với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, huyện Chợ Gạo còn quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi như khuôn viên cây xanh, sân chơi, bãi tập, nhà văn hóa…
Chợ Gạo tuy là huyện nông thôn, song nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trong huyện đều có ý thức xây dựng văn minh công sở, giữ gìn vệ sinh và cảnh quan môi trường sạch đẹp.
Có 70/72 cơ quan, doanh nghiệp đạt cơ quan văn hóa, chiếm tỷ lệ 98,59%; đặc biệt là hộ có ý thức bảo vệ, làm đẹp cảnh quan, môi trường và 3 công trình hợp vệ sinh tăng lên 85 - 87%. Đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, mối quan hệ gia đình và xã hội ngày càng tốt đẹp, ý thức cộng đồng được khơi dậy và phát huy có hiệu quả.
Toàn huyện có 36 CLB Hát với nhau và Đờn ca tài tử hoạt động thường xuyên; phong trào luyện tập TDTT được duy trì và phát triển rộng khắp với nhiều bộ môn.
Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện tổ chức thực hiện đồng bộ. Trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, huyện lấy xuất phát điểm từ mỗi gia đình, mỗi ấp, xã làm yếu tố động lực; đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả và chất lượng các tiêu chí.
Cùng với đó, việc bình xét theo các tiêu chí làng văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa được các cấp trong huyện tiến hành công khai, dân chủ nên chất lượng phong trào được nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Giang khẳng định: Để đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), ban hành quy chế hoạt động, phân công cụ thể trách nhiệm cho các thành viên.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò quan trọng nên BCĐ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nêu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa.
Huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nâng cao chất lượng phong trào bằng cách phối hợp chặt với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện. Do đó, các hoạt động tuyên truyền về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, về quyền và nghĩa vụ công dân, về phòng, chống bạo lực gia đình, tìm hiểu pháp luật… được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức.
Kết quả là các tấm gương ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo xuất hiện ngày càng nhiều, gia đình sống hòa thuận, hạnh phúc, bình đẳng. Từ đó, các phong trào xây dựng xã (thị trấn), ấp (khu phố) văn hóa, xây dựng nông thôn mới… diễn ra khá thuận lợi.
P. MAI