Thứ Sáu, 08/08/2014, 13:03 (GMT+7)
.

Nhớ cây đồng đưng

Thuở nhỏ, tôi hay theo ba vào rừng để nhổ bàng, kiếm củi, thỉnh thoảng bắt gặp những mảng xanh ngút mắt, gió thổi ngang qua nghe rào rào tạo thành một làn sóng chạy tít cuối chân trời, ba tôi gọi mảng xanh như rừng gươm tua tủa đó là cây đưng. Hình như tôi có cảm tình với chúng nên hay đưa tay vuốt, đôi khi bị lá đưng cứa vào da rướm máu, về nhà ê ẩm mấy ngày.

Minh Họa: Lê Duy
Minh Họa: Lê Duy

Nhưng tôi vẫn thích cái màu xanh kỳ lạ của rừng đưng, nó cứ rập rờn xô đẩy nhau, réo rắt những thanh âm trong trẻo, hòa với tiếng chim rừng lảnh lót chỉ một mình, một cõi. Những chú chim nhỏ nhắn không biết tên gì, chúng có cách làm tổ độc đáo là kéo những lá đưng chụm lại, dùng chiếc mỏ khéo léo bện những cọng lác mỏng manh thành chiếc rổ nhỏ nhắn xinh xinh.

Tôi theo dõi những động tác của chúng từ khi mới tha những cọng lác đầu tiên về xây tổ ấm. Dưới gốc đưng là nơi trú ngụ lý tưởng của loài cá đồng như cá trê năn, cá rô, cá lóc, cá lia thia... Vào mùa cạn, dưới những hố bom ngày xưa bây giờ là những vũng nước đọng, tôi say sưa mò cá đến nỗi quên cả buổi cơm trưa. Ở đây có đầy đủ thức ăn, nước mát nên con cá nào cũng mập ú, nhiều khi bắt được rắn bông súng và lươn nữa, nên tha hồ nướng trui chấm muối ớt.

Vào mùa nước nổi, cánh đồng đưng lại dập dềnh theo sóng nước, chúng vượt cao khỏi đầu người, bơi xuồng len lỏi trong đó bắt rắn bông súng hoặc giăng lưới bắt cá rô mề là số một. Nhưng càng đi sâu vào cánh đồng đưng càng phải nhớ làm dấu để còn biết đường chui ra, nếu không sẽ bị lạc trong đó cứ loay hoay mãi, lại đổ thừa ma dắt thì không nên.

Đưng là một loại cây hoang dã rất thích nghi với vùng đất nhiễm phèn nặng. Nó giông giống cây lác, u du nhưng lá to và cao hơn, bẹ ốp lại thành thân và mọc thẳng đứng. Đã từ bao đời nay, cùng với cọng bàng, cây tranh, đưng là loại cây được ông cha ta dùng để lợp nhà. Vào mùa khô cây đưng sẽ già đi, bẹ có màu đỏ thẫm, đây cũng là lúc người ta vào rừng cắt mang về.

Cắt đưng phải dùng liềm thật bén, xả cho nó nằm xuống đất, sau đó nắm ngọn tót (giũ) lựa những cọng cao nhất bó lại thành bó để tiện vận chuyển. Cọng đưng khi về đến nhà thì trải ra sân phơi vài nắng cho nó khô. Người ta chẻ hom tre để bện chúng lại thành tấm chiều dài khoảng 1,2 - 1,5 m đem lợp nhà. Từ lúc cắt đưng ở rừng, cho tới việc chọn tre già chẻ hom, đến khâu bện (hay còn gọi là đánh đưng, quánh đưng) là một khoảng thời gian khá dài và khá công phu. Vì thế ai có ý định lợp lại nhà thì ít ra cũng chuẩn bị trước vài ba tháng.

Cây đưng từ lâu đã gắn bó với đời sống của người dân nông thôn. Từ ngày mở đất, ông cha ta đã biết chọn cây đưng làm mái ấm, rồi sinh con, đẻ cháu. Trong nỗi lo sinh kế, cây đưng được lưu truyền qua nhiều thế hệ, che chở biết bao mảnh đời cơ cực, chỉ khi công nghệ làm ngói, tôn phát triển thì cây đưng mới bị soán ngôi.

Ngày nay do quá trình khai phá Đồng Tháp Mười với tốc độ nhanh làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cây đưng, nghiễm nhiên nó bị “gạt” ra bên lề cuộc sống của lớp dân cư mới và lẻ loi, nép mình trong các cánh rừng tràm còn sót lại.

Tôi không phải là người hoài cổ, nhưng những gì thuộc về quá khứ đẹp thì vẫn muốn lưu giữ. Trong lúc lang thang, tình cờ gặp lại mảng đưng xanh ngắt bên vành đai cụm dân cư vượt lũ, kỷ niệm khó quên của thời cơ cực chợt ùa về. Ngồi viết lại mấy dòng này để chia sẻ với bạn đọc chút hương vị của Đồng Tháp Mười khó quên.

NHẬT LINH

.
.
.