Thứ Hai, 08/09/2014, 14:15 (GMT+7)
.

Ngày Sân khấu Việt Nam: Những người yêu nghề xích lại gần nhau hơn

Người lâu năm trong nghề, kể cả những nhà nghiên cứu đều không biết “Giỗ Tổ Sân khấu” có từ bao giờ và tổ nghiệp của nghề chỉ là những truyền thuyết lưu lại. Thế nhưng, cứ đến ngày 12-8 âm lịch hàng năm, những người trong nghề như: Bầu gánh, trưởng đoàn, nghệ sĩ lâu năm… tổ chức giỗ tổ rất trang trọng.

Từ năm 2010, ngày giỗ tổ sân khấu được Ban Bí thư Trung ương Đảng công nhận là Ngày Sân khấu Việt Nam (theo Thông báo 364-TB/TW, lấy ngày 12-8 âm lịch hàng năm làm Ngày Sân khấu Việt Nam), sức lan tỏa của ngày này càng rộng lớn, tất cả những người làm nghề xuất hiện trên sân khấu đều xích lại gần nhau hơn và hướng về ngày này đông đúc hơn.

Có ít nhất 3 truyền thuyết xoay quanh Tổ nghiệp sân khấu Việt Nam:

Truyền thuyết thứ nhất: Ngày xưa, không ghi lại đời vua nào, có một ông vua cha hay tổ chức cúng bái trong cung và khi cúng cho người đóng vai tiên, vai tướng trên trời, hát biểu diễn trong buổi tế trời đất và thường hát trong cung cho các quần thần xem.

Có 2 vị hoàng tử nhỏ rất mê xem hát nên thường trốn cha đi xem đến quên ăn, quên ngủ và chết. Đào kép thấy họ vẫn thường hiện về xem hát nên lập bàn thờ cúng ở gần sân khấu khi ra sân khấu diễn, đi ngang bàn thờ ai cũng vái lạy, lâu dần cho là tổ nghiệp.

Truyền thuyết thứ hai: Có 2 vị hoàng tử mê ca hát, bỏ cung điện ra đi theo đoàn hát, sau chết được tôn thờ.

Truyền thuyết thứ ba: Tổ của sân khấu là 1 tướng cướp và 1 ăn mày…

Cũng từ truyền thuyết thứ ba, nhiều đào kép nổi tiếng, giàu có không bao giờ cho tiền người ăn xin, cho rằng làm như thế là xúc phạm đến tổ nghiệp; còn ăn cướp thì chẳng bao giờ cướp bóc của đoàn hát cả.
Cho dù tổ nghiệp là ai, nhưng hàng năm cứ đến ngày giỗ tổ thì người trong nghề có dịp gặp nhau, tâm sự hàn huyên, trao đổi nghề nghiệp…

Theo lời kể của những nghệ sĩ cao niên, các đoàn lớn, nghệ sĩ giàu có tổ chức cúng bái rất lớn. Ngày xưa, các bầu gánh đoàn cải lương lớn cúng 3 ngày đêm 11, 12 và 13-8; các đào kép sắm tuồng lộng lẫy, biểu diễn những trích đoạn mình ăn ý nhất cho “Tổ xem” mong “Tổ đãi”  hát ăn khách và được tiền catse cao… Các gánh hát “bồ tèo” thì cũng có con gà hay dĩa trái cây thắp hương khấn tổ.

Nghệ sĩ Bảo Ân cho biết: “Ngày xưa, tổ nghiệp sân khấu là của hát bội, sau đó là cải lương. Trải qua bao thăng trầm của sân khấu, ngày giỗ tổ vẫn tồn tại và lan tỏa đến tất cả những ai làm nghề xuất hiện trên sân khấu như: Kịch nói, xiếc, ca nhạc, biểu diễn thời trang, MC… Trước khi xuất hiện trước khán giả, họ đều khấn tổ nghiệp để được “Tổ đãi” cho công việc của mình trôi chảy, tốt đẹp, thành công…”.

Đến hẹn lại lên, khi đường phố giăng những lồng đèn, bánh Trung thu thì những văn nghệ sĩ cũng nhắc nhở, hẹn hò cùng đến nơi quen thuộc hàng năm để dự giỗ tổ.

Ở Tiền Giang, những năm gần đây, ngoài việc tổ chức cúng giỗ của những cá nhân, gia đình, còn tổ chức cúng ở 3 nơi để văn nghệ sĩ hội tụ về: Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, Hội Văn học - Nghệ thuật và Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Từ năm 2012, Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật đã nghiên cứu theo truyền thuyết và những cống hiến to lớn cho sân khấu của các thế hệ để tổ chức kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Ông đã bày trí bàn thờ có bài vị của các bậc tiền hiền của Tiền Giang như: Soạn giả Trần Hữu Trang, các Nghệ sĩ Nhân dân Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nam… và các bậc hậu hiền như: Nghệ sĩ Minh Tô, tác giả Lệ Quyên…

Năm nay cũng vậy, 3 điểm trên vẫn là nơi gặp gỡ, hội tụ của các tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, diễn viên hát, kịch, xiếc, múa… Mỗi người dâng hương tổ nghiệp đều có những nguyện cầu tốt đẹp cho công việc của mình: Tác giả sẽ khẩn cầu có nhiều tác phẩm hay; đạo diễn cầu xin dựng được nhiều vở tốt; biên đạo dựng nhiều bài múa hay; diễn viên ca diễn, múa hát được khán giả ủng hộ…

Cũng có rất nhiều gia đình truyền thống cải lương, hát bội cúng kiến rất hoành tráng tại nhà mình như gia đình nghệ sĩ Bảo Ân (TP. Mỹ Tho), gia đình Bầu Lân (huyện Chợ Gạo), gia đình Yến Hồng (mẹ là Nghệ sĩ Ngọc Mai - Năm Đáng ở huyện Cai Lậy)…

Yến Hồng tâm sự: “Cúng Tổ nghiệp là truyền thống của gia đình em, từ lúc ba mẹ em làm bầu gánh, hồi đó mẹ mới 20 tuổi. Giờ tụi em theo nghề vẫn tiếp tục cúng tổ của nghề, tối 11 cúng chay, sáng 12 cúng mặn và tiếp đón anh em nghệ sĩ thân thuộc về thắp hương cả ngày 12-8”. Giờ đây Nghệ sĩ Ngọc Mai đã 73 tuổi, có nghĩa là trên nửa thế kỷ gia đình này gần 3 đời thủy chung với nghiệp ca cầm.

Riêng Hương Thanh Thảo, cô đào chính của gánh hát bội gia đình Bầu Lân chia sẻ: “Từ hồi nhỏ em đã thấy ba má cúng tổ. Mỗi lần cúng nhà em vui lắm, đào kép trong dòng họ và đào kép của đoàn do ba mẹ em quản lý về rất đông, hát suốt ngày đêm để làm vui cho Tổ và cho bà con đến xem. Còn tụi em thì thích lắm, được xem hát, được ăn uống thoải mái chẳng ai rầy la. Mấy năm nay ba em mất, má em vẫn giữ lệ cũ, cúng Tổ và hát ở nhà. Các chú bác, anh chị em trong gánh vẫn tề tựu về đông đủ…”.

Năm nay, giỗ tổ vẫn đông vui, thêm những gương mặt trẻ triển vọng mới vào nghề. Tất cả tạo nên nét đẹp của ngày hội văn hóa truyền thống. Nếp sinh hoạt nghề nghiệp này mãi trường tồn qua bao thế hệ và là dịp để những người chung thủy với nghề xích lại gần nhau hơn.

NGỌC LỆ

.
.
.