Thứ Hai, 01/09/2014, 09:45 (GMT+7)
.
Ông Trần Văn Quang:

Nâng cao giá trị cây tràm bằng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Say mê chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, ông Trần Văn Quang (sinh năm 1965, phường 2, TX. Cai Lậy) đã dành nhiều tâm huyết cho các sản phẩm từ gỗ tràm - loại cây được trồng khá phổ biến ở các xã tiếp giáp Đồng Tháp Mười của huyện Cai Lậy. Giá trị của loại cây trồng này được nâng cao khi được ông sử dụng làm nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ông Trần Văn Quang bên một số sản phẩm được làm bằng gỗ tràm.
Ông Trần Văn Quang bên một số sản phẩm được làm bằng gỗ tràm.

Bước vào khu nhà xưởng của ông Quang ở ấp 6, xã Phú Cường là cảnh công nhân tất bật với các sản phẩm khung tranh, bình hoa, bàn ghế … theo yêu cầu của khách tại địa phương và đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Qua bàn tay khéo léo của người thợ, cây tràm thô được xẻ thành những thẻ gỗ hình chữ nhật (được gọi là phôi), sau đó ghép thành những bình hoa, có kích cỡ đa dạng, sản phẩm hoàn thành ánh lên màu vân gỗ tự nhiên khá đẹp mắt. Những thân tràm lớn hơn được tạo hình, chạm khắc thành sản phẩm mỹ nghệ khá tinh xảo.

Hơn 10 năm gắn bó với cây tràm bông vàng ở vùng tiếp giáp Đồng Tháp Mười qua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ông Trần Văn Quang đã dành nhiều tâm huyết để các sản phẩm có chất lượng, đa dạng hơn về mẫu mã với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Cây tràm bông vàng là loại cây sinh trưởng nhanh và dễ thích nghi với môi trường khắc nghiệt của thiên nhiên. Tại các xã tiếp giáp Đồng Tháp Mười của huyện Cai Lậy như Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, cây tràm được nông dân trồng để giữ đất, tận dụng thân cây trong xây dựng, làm chất đốt.

Từng công tác trong ngành Nông nghiệp và có thời gian tham gia thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ, ông Quang có điều kiện tìm hiểu về đặc điểm sinh thái của cây tràm bông vàng. Cơ duyên khi một vài người bạn tại Bình Dương tạo điều kiện để ông tiếp xúc với các cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ bằng gỗ tràm.

Theo ông Quang, gỗ tràm có thể sản xuất ra đồ gia dụng và các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, có độ bền cao, giá thành hợp lý khi đã được sấy khô ở nhiệt độ nhất định.

Năm 2000, ông Quang quyết định chuyển sang chế tác đồ thủ công mỹ nghệ tại một cơ sở nhỏ đặt tại ấp 6, xã Phú Cường, thu mua gỗ tràm tại địa phương. Ông chia sẻ:

“Buổi đầu do chưa có kinh nghiệm nên tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nhiệt độ sấy chưa phù hợp nên gỗ bị cong, vênh không đáp ứng được yêu cầu, không kết dính các phôi gỗ thành sản phẩm theo ý muốn. Thời gian đó, sản phẩm làm ra chủ yếu giao cho các cơ sở lớn ở Bình Dương nên có lúc họ chỉ đặt hàng phôi gỗ mang về chế tác, mình không có cơ hội nâng cao tay nghề bằng việc thực hiện thành phẩm. Lúc có đơn hàng lớn thì cơ sở không kham nổi do thợ quá ít. Chính những trở ngại đó giúp tôi có thêm kinh nghiệm để làm những sản phẩm tốt hơn”.

Ngoài việc mạnh dạn thay đổi phương thức tiếp thị, ông còn dày công đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách. Đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, đặc biệt là sự tâm huyết với nghề giúp ông làm ra những sản phẩm độc đáo, có hồn. Sau thời gian dài gia công theo đơn đặt hàng của các công ty ở Bình Dương, đầu năm 2014, ông Quang quyết định thành lập Công ty TNHH Một thành viên Quang Tiền Giang cùng với việc đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm do cơ sở sản xuất và trực tiếp tìm những hợp đồng xuất khẩu sang nước ngoài.

Hiện nay, cơ sở của ông Trần Văn Quang giải quyết việc làm cho khoảng 30 - 40 lao động tại chỗ với thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng/người và có đơn hàng xuất khẩu ổn định sang thị trường Nhật, Trung Quốc, các nước châu Âu. Dự định của ông trong thời gian tới là mở rộng quy mô sản xuất, có cửa hàng trưng bày để giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ tràm đến khách hàng địa phương thay vì chủ yếu xuất khẩu như trước đây.

Ông chia sẻ: “Nghề nào cũng có vất vả riêng, đặc biệt việc sản xuất đồ mỹ nghệ đòi hỏi sự kiên nhẫn, óc sáng tạo và sự nhạy bén ở người thợ. Cầm khúc gỗ trên tay, người thợ phải biết mình sẽ làm gì với nó. Ai theo nghề này phải có cái duyên và đam mê thực sự, nếu không thì khó mà gắn bó lâu dài”.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.