Thứ Tư, 22/10/2014, 14:25 (GMT+7)
.

Đội văn nghệ CLB dưỡng sinh tỉnh: Ai cũng thích ca hát

Chị Đinh Thị Thanh Nga, nguyên cán bộ Sở VH-TT&DL cho biết: “CLB Dưỡng sinh của Trung tâm VHTT tỉnh là khách mời tham gia Hội thi Tiếng hát người cao tuổi từ những lần hội diễn đầu tiên. Tinh thần các cụ rất cao, tự đóng góp kinh phí và đi tập rất đúng giờ, rất nhiệt tình. Ai biết múa thì hỗ trợ dựng múa, tập múa; ai biết sáng tác thì viết lời mới cho bài hát, viết kịch cho toàn đội diễn… Mỗi thành viên đến tập tự mang nước, mang trái cây đến chia sẻ với nhau trong giờ giải lao…”.

Cụ Nguyễn Thị Lan đơn ca và nhóm múa minh họa do chị Đinh Thị Thanh Nga dàn dựng.
Cụ Nguyễn Thị Lan đơn ca và nhóm múa minh họa do chị Đinh Thị Thanh Nga dàn dựng.

Chúng tôi đã nhiều lần được xem chương trình Tiếng hát Người cao tuổi của CLB Dưỡng sinh Trung tâm VHTT Tiền Giang, tuy mang tính mộc mạc kiểu “cây nhà lá vườn”, không có bàn tay chuyên nghiệp dàn dựng, nhưng chương trình đảm bảo đầy đủ các thể loại theo quy định của ban tổ chức, bởi người “chủ xị” biết khai thác thế mạnh của mình, ví dụ như không thể mời biên đạo múa và thầy dạy hát (vì không có kinh phí) thì chị Nga làm tiểu phẩm thay thế thể loại ca múa (quy chế hội thi cho phép).

Đội văn nghệ của CLB Dưỡng sinh hiện có trên 30 thành viên, chưa kể lực lượng chạy vòng ngoài. Chị Nga vui vẻ kể: “Các cụ ai cũng thích tham gia ca hát. Có cụ xin vào nhóm hát nhưng hát yếu quá, mấy cô ở Trung tâm VHTT tỉnh góp ý phải loại khỏi CLB để không ảnh hưởng đến thành tích chung. Chị phải nói khéo lắm các cụ mới chịu ra khỏi nhóm nhưng buồn cả tuần lễ chưa hết”.

Cụ bà Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1938) vừa nhận 2 giải thưởng: Giải B đơn ca và giải người cao tuổi nhất hội thi, đã vui vẻ cho biết:

“Cô tập dưỡng sinh 19 năm và được tham gia ca hát qua nhiều mùa hội diễn. Cô hát đơn ca, ca những điệu lý cải biên và lần nào cũng được giải thưởng. Năm nay nhờ cô Nga cho luyện giọng mỗi sáng mà cô hát khỏe hơn, không bị hụt hơi, mặc dù năm nay tuổi cao hơn. Năm nào cô hát có thêm tốp ca minh họa thì hát “có hồn” hơn. Cô mong mình luôn khỏe mạnh để được tham gia biểu diễn hoài hoài…”.

Cô Trần Thị Tình tâm sự: “Tham gia 3 mùa hội diễn với 3 vai kịch khác nhau. Lần đầu diễn còn run, nhưng những lần sau cô thích lắm và cảm thấy mình diễn đạt hơn”. Cô Lê Thị Thu Nguyệt chen vào: “Tôi cũng vậy, lúc đầu bỡ ngỡ suýt quên kịch bản, nhưng lần sau thì bình tĩnh, tự tin hơn”.

Nói đến múa hát và thể thao, cô Mai Thị Mỹ kể không hết chuyện: “Ngày xưa còn thiếu nữ cô tham gia bóng rỗ, cầu lông và là thành viên ưu tú của đội múa. 3 năm qua cô giúp dàn dựng múa cho đội, biết gì tập nấy, vậy mà đội lên diễn cũng xôm tụ lắm”.

Không tiền thuê đạo cụ, các cô xúm nhau tự làm đạo cụ, tự may trang phục. Có năm làm hoạt cảnh thầy trò Đường Tam Tạng, các cô tự may trang phục cho Trư Bát Giới, cho Tề Thiên và làm binh khí…  để diễn.

Nhiều tiết mục của Đội văn nghệ CLB Dưỡng sinh tạo dấu ấn trong lòng người xem như: Hội nghị Diên Hồng, Thầy trò Tam Tạng thỉnh kinh, tiểu phẩm “Hối hận”…

NGỌC LỆ

.
.
.