Thứ Hai, 06/10/2014, 14:25 (GMT+7)
.

Nghệ sĩ múa Kim Hạnh: Đam mê và khổ luyện

“…Tuổi xuân qua đi, hay dáng vóc không còn chuẩn thì buộc người diễn viên múa phải rời sân khấu, buông bỏ niềm đam mê của mình…” - Kim Hạnh đã tâm sự như thế và đưa chúng tôi ngược về ký ức của cô.

Kim Hạnh từng tham gia hội diễn văn nghệ ở khu phố I (phường 1, TP. Mỹ Tho). Cô múa đẹp, lại có dáng sân khấu nên được chọn đi hội diễn cấp phường và được phường chọn tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng cấp thành phố. Người thầy đầu tiên đã dạy cho Hạnh múa mâm là Biên đạo múa Thu Thủy (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm VHTT tỉnh). Từ đó Kim Hạnh yêu thích và nuôi ước mơ trở thành diễn viên múa.

Kim Hạnh (thứ 2  từ phải sang trái) cùng tổ múa nữ  của Đoàn  Nghệ thuật  tổng hợp tỉnh.
Kim Hạnh (thứ 2 từ phải sang trái) cùng tổ múa nữ của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh.

Kim Hạnh tâm sự: “Hội diễn văn nghệ quần chúng năm đó, chú Trần Chính phát hiện ra em và nhận em làm cộng tác viên cho Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh. Lúc ấy em chỉ được múa nền cùng nhiều người. Được sự hướng dẫn của biên đạo chuyên nghiệp nên em ngày càng tiến bộ.

Đi sâu vào nghiệp múa, em càng thấy cái hay của nó và niềm đam mê thôi thúc đã làm mẹ em phải xiêu lòng chấp nhận cho em làm diễn viên múa của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh. Năm 2000 - 2002, em vừa biểu diễn vừa học lớp trung cấp Múa ở Trường Múa TP. Hồ Chí Minh. Trong khổ luyện em mới hiểu thêm nhiều, thấm thía và đồng cảm hơn với những người theo nghề múa”.

Với tinh thần chịu khó, đam mê và cầu thị, dần dần Kim Hạnh thường xuyên được xuất hiện “ở mặt tiền”, rồi lên diễn viên múa nhì và đảm nhiệm vai múa chính. Năm 2005, lần đầu tiên đoạt Huy chương Bạc với vai múa người mẹ trong vở Lời mẹ - lời quê hương (Biên đạo múa Chí Thiện) tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, Kim Hạnh rất mừng và tự thấy rằng mình đã trưởng thành trong nghề nghiệp.

“4 năm sau, cũng trong Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (tổ chức ở TP. Nha Trang), trong pha tự sáng tạo “bưng” mâm vàng bằng chân và lăn mấy vòng, tinh thần em căng thẳng, chỉ sơ xuất 1 giây thì mâm vàng rớt xuống thì coi như “phá sản” hoàn toàn.

Ánh mắt lo lắng của đồng đội từ 2 bên cánh gà sân khấu hướng theo từng động tác của em. Em chuyền mâm từ chân này qua chân kia, người cuộn tròn dưới sàn sân khấu, 1 vòng, 2 vòng…

Tiếng vỗ tay không ngớt dưới hàng ghế khán giả và em thấy những nụ cười hân hoan của đồng đội. Lúc ấy em vui sướng tột cùng. Đến khi kết thúc bài múa, vào bên trong em mới phát hiện toàn thân mình đẫm mồ hôi” - Kim Hạnh kể lại với đôi mắt long lanh hạnh phúc.

Tôi hiểu, đó là phút giây thăng hoa khó quên của nghệ sĩ Kim Hạnh. Pha múa đó do chính cô sáng tạo trong những ngày tập luyện chuẩn bị hội thi. Lúc nghỉ giải lao, cô nằm trên sân khấu, ôm cái mâm (đạo cụ múa) suy nghĩ về bài tập và những động tác lắc mâm. Hạnh cảm thấy những động tác đó không có gì đặc biệt so với những nghệ sĩ múa chuyên nghiệp.

Cô chợt nghĩ ra và đặt mâm lên chân đưa thẳng lên, còn người nằm sát sân khấu lăn vòng tròn, chiếc mâm chuyền từ chân này qua chân kia không rớt. Làm đi làm lại thấy được nên đề nghị với thầy. Biên đạo múa Chí Thiện cho là sáng tạo hay nên áp dụng vào phần Hạnh múa sô lô. Dù sau này có thêm những huy chương, nhưng chiếc Huy chương Bạc cá nhân năm đó Kim Hạnh cho là đáng nhớ, trân trọng nhất trong đời nghệ sĩ múa của mình.

Được lãnh đạo đoàn tạo điều kiện, Hạnh thi đậu đại học (Khoa huấn luyện Múa), vừa học, vừa công tác, nhưng chỉ được 1 học kỳ, vì lúc này Hạnh là diễn viên múa chính của đoàn, trách nhiệm công việc nặng nề hơn nên đành gác lại việc học.

Tuy chưa qua trường lớp biên đạo, nhưng Hạnh đã đóng góp rất nhiều trong phong trào văn nghệ quần chúng qua các cuộc hội thi, hội diễn và được nhiều đơn vị mời dàn dựng, có nhiều tác phẩm đoạt giải và đi vào lòng khán giả như: Cánh bướm vườn xuân, Hương sen, Niềm vui thao trường…

Kim Hạnh tâm sự: “Có lúc kinh phí khó khăn, tụi em giống như đội văn nghệ xung kích, chiều làm hậu đài, tối lên sàn diễn, diễn xong cùng nhau tháo gỡ sân khấu… Thế nhưng em vẫn cảm thấy mình sướng hơn thế hệ của cô Hồ Đẹp (nguyên là diễn viên múa chính của đoàn), chú Trần Chính, cô Bích Vân…

Hồi đó phương tiện giao thông rất khó khăn, nên các cô chú diễn xong phải ngủ lại, sáng chuyển đến điểm khác và ăn uống, sinh hoạt cá nhân rất kham khổ, khó khăn. Chính những tấm gương của những người đi trước đã giúp em luôn cố gắng rèn luyện và cho rằng khó khăn là thử thách để mình trưởng thành…”.

NGỌC LỆ

.
.
.