Lên đồi Thi Nhân viếng mộ Hàn Mặc Tử
Hội Nhà báo tỉnh vừa tổ chức chuyến giao lưu học hỏi kinh nghiệm làm báo tại các tỉnh Tây Nguyên và tham quan một số di tích, danh lam thắng cảnh, trong đó có khu mộ Hàn Mặc Tử tại Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, làm thơ từ năm 16 tuổi. Trước đây, nhà thơ lấy bút danh là “Hàn Mạc Tử”, có nghĩa chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau đó bạn bè gợi ý ông nên vẽ thêm mặt trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả sự cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. “Mặt trăng khuyết” đã được “đặt vào” chữ “Mạc” thành ra chữ “Mặc”. Hàn Mặc Tử có nghĩa là “chàng trai bút nghiên”.
Vườn thơ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân. |
Theo một số lời kể, Hàn Mặc Tử tâm sự với bạn bè về ước nguyện sau khi chết được chôn trên đèo Son, là 1 địa điểm ở đầu TP. Quy Nhơn. Năm 1940, ông mất ở Quy Hòa và mai táng tại đây. Đến năm 1959, gia đình cùng các bạn thân mới lo việc cải táng, di dời mộ của ông ra Ghềnh Ráng, đúng như ước mơ của Hàn Mặc Tử là được nằm cùng với thiên nhiên thơ mộng, trăng sao hữu tình.
Nhà thơ Quách Tấn từng mô tả nơi yên nghỉ của Hàn Mặc Tử như sau: Một khoảng đất bằng phẳng và sạch sẽ như 1 cái sân, nằm ngay trên đầu gò cao, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển khơi.
Vượt qua dốc Mộng Cầm để lên đồi Thi Nhân viếng nơi an nghỉ cuối cùng của Nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ khá đẹp, giữa hàng cây song song chụm đầu vào nhau rì rào 4 mùa đón gió biển. Từ trên đồi Thi Nhân ngắm nhìn trọn vẹn thành phố biển Quy Nhơn đẹp đến lạ lùng.
Ghềnh Ráng tọa lạc dưới chân núi Xuân Vân, được công nhận di tích Quốc gia năm 1991. Nơi đây từng là nơi thi sĩ “tài danh bạc mệnh” Hàn Mặc Tử đã sống và cho ra đời những áng thơ tình bất hủ. Những người yêu thơ Hàn Mặc Tử đều biết, vào những năm tháng cuối đời, nhà thơ “tài danh bạc mệnh” Hàn Mặc Tử đã sống cùng căn bệnh hiểm nghèo trong Trại phong Quy Hòa.
Thiên nhiên thơ mộng Ghềnh Ráng đã tiếp thêm nguồn cảm hứng dồi dào cho ông sáng tác những vần thơ bất hủ để lại cho đời. Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét nguồn thơ của Hàn Mặc Tử “rào rạt” và “lạ lùng”.
Trên đồi Thi Nhân đâu đâu cũng nhìn thấy những vần thơ “mỹ miều” của Hàn Mạc Tử. Những bài thơ chan chứa tình cảm về thiên nhiên, về tình yêu đôi lứa, được thể hiện qua nét bút thư pháp vô cùng thi vị trên những phiến đá, bia đá cách điệu làm cho du khách có cảm giác như đang lạc vào khu vườn thơ.
Ở khu bán quà lưu niệm trong quần thể Ghềnh Ráng có căn lều gỗ nhỏ xinh xắn (cách mộ Hàn Mặc Tử chưa đầy 100 m) và bảng hiệu ghi rõ: “Lưu bút thơ lửa Hàn Mặc Tử”, bên trong treo đầy những bức tranh, thư pháp bằng gỗ thông, gỗ mít. Chủ nhân căn lều thơ này là nghệ sĩ Dzũ Kha, người có hơn 30 năm khắc thơ Hàn Mạc Tử bằng lửa.
“Người ta bút mực bút chì/ Dzũ Kha bút lửa khắc ghi thơ Hàn” - câu thơ mà nghệ sĩ Dzũ Kha tự đặt và đọc cho mọi người nghe khi đến thăm Ghềnh Ráng. Người nghệ sĩ này còn thuyết minh về cuộc đời, những mối tình đẫm chất thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử cho du khách ghé thăm.
Trong không gian thơ mộng của đồi Thi Nhân và gian nhà thơ của nghệ sĩ Dzũ Kha, du khách dễ dàng tìm thấy những câu thơ Hàn Mặc Tử mình yêu thích và Dzũ Kha sẵn sàng “ai mua thơ tôi bán thơ cho” - một món quà lưu niệm ý nghĩa và độc đáo.
P. MAI