Thứ Hai, 15/12/2014, 12:57 (GMT+7)
.

Để nhiếp ảnh Việt Nam chuyên nghiệp hơn

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam lần thứ VIII vừa diễn ra, ông Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nhiếp ảnh Việt Nam bám sát hơn nữa hơi thở cuộc sống, nâng cao chất lượng tác phẩm, không quá lạm dụng yếu tố công nghệ làm méo mó sự trung thực của tác phẩm và đề cao trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ. Đó cũng là những vấn đề đặt ra tại đại hội lần này, bởi lâu nay Hội NSNA Việt Nam tuy có số lượng ảnh nhiều nhưng còn ít tác phẩm mang tầm vóc Quốc gia và quốc tế.

NÂNG CHẤT TÁC PHẨM NHIẾP ẢNH

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo trước đại hội, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam cho rằng, nhiếp ảnh Việt Nam tuy nhiều tác phẩm, nhưng ảnh có chất lượng cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật thì chưa nhiều, do đa số hội viên sáng tác ảnh theo “thời vụ”, nghĩa là chạy theo các cuộc thi, mà chưa có nghiên cứu, đầu tư cho mình một hướng sáng tác riêng theo một chủ đề nào đó. Mặt khác, một số nhà nhiếp ảnh khi đã là nghệ sĩ đã tự mãn quá sớm với những thành tích đạt được - bị bệnh “ngôi sao”…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Theo nhận định của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, lý do của những hạn chế nêu trên là do lâu nay chúng ta thường đánh giá nghệ sĩ qua tác phẩm đoạt giải, trong khi hoạt động sáng tác, triển lãm và công bố tác phẩm của Hội thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Dù hàng năm có rất nhiều cuộc thi về nhiếp ảnh, nhưng tác phẩm đoạt giải đến với công chúng rất ít và chất lượng tác phẩm - cả những tác phẩm triển lãm và có giải cũng chưa cao.

Thực trạng tác phẩm trùng lắp ý tưởng, chụp theo “lối mòn”, thiếu tính sáng tạo trong phương pháp thể hiện vẫn còn nhiều và chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung, tư tưởng lẫn hình thức thể hiện, do nhiều nghệ sĩ sáng tác ảnh còn đơn giản, chưa đầu tư nhiều nên ít có những tác phẩm có giá trị, tạo ấn tượng cho những người yêu ảnh nghệ thuật.

Một vấn đề gây tranh luận tại đại hội là: Lâu nay Hội NSNA Việt Nam phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh theo tiêu chuẩn của FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế).

Trong nhiệm kỳ VII (2009 - 2014), có 58 nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được phong các tước hiệu của FIAP, trong khi chỉ có 2 nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

Vì thế, nhiều đại biểu cho rằng, cần xem xét, đề xuất Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân cho những nghệ sĩ nhiếp ảnh có thành tích xuất sắc, hơn là chạy theo tước hiệu của FIAP như thời gian qua mà nhiều người vẫn chưa hiểu hết giá trị của tước hiệu này.

Về vấn đề này, ông Vũ Quốc Khánh cũng thống nhất và cho biết nhiệm kỳ VIII này, song song với việc vẫn tham gia sân chơi do FIAP tổ chức, Hội sẽ đề xuất và mong muốn Nhà nước xem xét công nhận danh hiệu cao quý cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh như các nghệ sĩ ở các chuyên ngành nghệ thuật khác, như danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân.
 

Cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ nhiếp ảnh Việt Nam trong thời gian qua chưa có tác phẩm mang tầm vóc là do công tác thẩm định ảnh nghệ thuật của Hội có vấn đề.

Theo NSNA Duy Anh, thành viên Hội đồng Nghệ thuật, thẩm định ảnh nghệ thuật: Đánh giá giá trị của tác phẩm được cấu thành bởi cả nội dung lẫn hình thức thể hiện, giám khảo phải là người có khả năng “đọc” ảnh chính xác, phát hiện ra tính sáng tạo, tính nhân văn trong tác phẩm và cảm xúc của tác giả.

Ngoài ra, giám khảo còn phải hiểu về văn hóa vùng, miền; hiểu biết phương pháp sáng tác và các trào lưu nghệ thuật… Vì thế, để có được giám khảo toàn diện là rất khó và đây cũng là nỗi trăn trở của Hội.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội NSNA Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong công tác thẩm định ảnh, từ chấm chọn theo phiếu màu, sang phiếu điểm và chấm chọn chung sang quyết định riêng của từng giám khảo.

Đặc biệt, gần đây Hội áp dụng phương pháp chấm online - một cách chấm phù hợp với sự phát triển của nhiếp ảnh hiện đại, thể hiện sự hội nhập của nhiếp ảnh Việt Nam.

Ông Lê Hồng Linh, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Khóa VII cho rằng, hạn chế của công tác giám khảo, thẩm định ảnh tại các cuộc thi ảnh là chưa có sự thống nhất cao trong đánh giá các tác phẩm đạt giải thưởng của các thành viên hội đồng nghệ thuật, ban giám khảo.

Cũng ít có cuộc thi nào kết quả công bố được sự đồng tình, ủng hộ cao của các nghệ sĩ và tác giả. Đây cũng là điều khó khăn, bởi cảm xúc nghệ thuật mỗi người mỗi khác và cảm xúc chủ quan của mỗi thành viên trong hội đồng giám khảo cũng ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi.

HƯỚNG TỚI LỚP NGHỆ SĨ TRẺ

Làm thế nào để nâng chất tác phẩm nhiếp ảnh và cả “chất” của từng nghệ sĩ sáng tác? Nghệ sĩ Bùi Hỏa Tiễn, Trưởng ban Lý luận - Phê bình của Hội NSNA Việt Nam cho rằng, hội viên lớn tuổi của Hội hiện khá đông, nên việc tạo nguồn nhân lực nghệ sĩ trẻ cho Hội là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Lực lượng nhiếp ảnh ngoài Hội hiện rất nhiều, việc thu hút họ vào Hội NSNA là nhiệm vụ cần quan tâm thông qua việc mở ra nhiều sân chơi nhiếp ảnh hấp dẫn, trong đó nên có nhiều cuộc thi dành cho giới trẻ, tổ chức nhiều buổi tọa đàm, giao lưu nhiếp ảnh để tiếp cận với các tay máy trẻ, hướng dẫn nghiệp vụ, tạo nguồn đam mê nghệ thuật cho họ, từ đó xây dựng lực lượng mới cho Hội NSNA Việt Nam.

Bên cạnh việc xây dựng lực lượng trẻ, Hội cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ, năng lực sáng tạo nghệ thuật cho hội viên thông qua tập huấn, hội thảo, mở trại sáng tác, giao lưu nhiếp ảnh trong và ngoài nước… để hỗ trợ nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm có giá trị.

Ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam cho rằng, thời gian tới Hội sẽ kết hợp hài hòa giữa nhiếp ảnh phong trào và nhiếp ảnh chất lượng cao, trong đó đầu tư nhiều cho nhiếp ảnh chuyên nghiệp để sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung lẫn nghệ thuật; lựa chọn những nghệ sĩ trẻ có tài, tạo điều kiện cho họ có điều kiện thâm nhập thực tế cuộc sống để sáng tác nhiều tác phẩm mang tầm vóc Quốc gia và quốc tế.

DUY SƠN

.
.
.