Đình Ngãi Hữu: Ngôi đình cổ gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng
Với lịch sử hình thành cách nay trên 260 năm, Đình Ngãi Hữu (tọa lạc tại ấp Ngãi Lợi, xã Thân Cửu Nghĩa) không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, nơi đây còn là địa điểm hoạt động của các chiến sĩ cách mạng, điểm sinh hoạt của Chi bộ Đảng xã Thân Cửu Nghĩa trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Theo đề nghị của Ban Hội hương Đình Ngãi Hữu, cơ quan chức năng đang xem xét xếp hạng đối với di tích nói trên.
Đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh được xây dựng trước sân Đình Ngãi Hữu. |
Làng Ngãi Hữu trước đây là vùng đất bưng biền, cách thành Trấn Định khoảng 3,5 km về hướng Nam. Làng Ngãi Hữu có 2 ấp Ngãi Thạnh và Ngãi Lợi nằm trải về 2 phía của hương lộ 24 (nay là tỉnh lộ 878), được cung cấp nước ngọt từ dòng sông Bảo Định qua 2 con rạch Tha La và Trần Đình.
Năm Ất Sửu (1925), làng Ngãi Hữu sáp nhập với làng Cửu Viễn (khu vực từ cầu Tha La đến cầu Thắng tiếp giáp với Quốc lộ 1A), mang tên làng Cửu Nghĩa. Đến năm Nhâm Thân (1932), làng Cửu Nghĩa được sáp nhập tiếp với làng Thân Nhơn và được đặt tên là làng Thân Cửu Nghĩa (xã Thân Cửu Nghĩa ngày nay).
Theo ông Trần Văn Lương và một số hương chức trước đây kể lại: Vào năm Kỷ Mão (1819), dân miền Trung (Quảng Ngãi) vào Nam lập nghiệp, dừng chân tại làng Ngãi Hữu và lập miếu thờ bà Chúa Xứ.
Tương truyền, bà Chúa Xứ rất hiển linh và thường giáng hạ phù hộ người dân trong làng trồng cây trĩu quả, ruộng lúa phì nhiêu… nên dân làng tin tưởng, thành lập Ban Hội hương để tổ chức cúng bái hàng năm và đặt tên miếu là Ngãi Hữu Miếu.
Sau khi ông Huỳnh Văn Cao và ông Trần Văn Nương hiến cúng 4 cây Căm Xe làm cột đình, ông Hồ Văn Nghĩa hiến đất để mở rộng mặt bằng, năm Ất Tỵ (1845), dân làng tổ chức di dời Miếu bà Chúa Xứ về chùa Kim Quang (cùng ấp); đồng thời san lấp mặt bằng để tiến hành xây dựng Đình.
Theo ông Nguyễn Văn Oanh (gia đình có 3 đời tham gia Ban Hội hương đình) cho biết, năm 1930, Ngãi Hữu Miếu được chính quyền cách mạng đặt tên là Đình Ngãi Hữu hay Ngãi Hữu Hội (nơi hội họp, bàn kế sách đánh địch).
Trong kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Văn Chương (Bổn Chương) - Bí thư chi bộ xã, ông Nguyễn Văn Bảo (Bảy Bảo), ông Nguyễn Văn Tạc (Thầy Ba Tạc) là những đảng viên tham gia phong trào tiền khởi nghĩa đã cùng với các vị lão thành cách mạng nhóm “Thanh niên Tiền Phong” mượn Đình Ngãi Hữu làm nơi hoạt động và tổ chức hội họp.
Ngoài ra, các đồng chí Lê Văn Tám (Tám Tùng), Phan Khánh Linh (Tư Lý), Phan Khánh Thường (Năm Lang), Lê Văn Hai (Hai Ty)… hàng đêm tổ chức đốt lửa trại và hướng dẫn hát bài: “Xếp bút nghiên”, “Lên đàn”, “Nam bộ kháng chiến”… Một số hiện vật như: Lu để chôn súng đạn, tài liệu, mõ tre, trống, tù và… dùng để báo động trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 23-11-1940 và Đồng khởi Bến Tre ngày 20-12-1960 hiện được lưu giữ và trưng bày tại Nhà Truyền thống xã Thân Cửu Nghĩa.
Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, một số chiến sĩ cách mạng như: Phạm Thành Nghiêm (Chủ Nghiêm), Hồ Văn Trượng (Ba Trượng), Nguyễn Văn Mên (Tám Mên), Trần Văn Võng (Thầy Bảy Võng), Lê Vinh Huê (Kiểm Huê)… bị giặc bắt và đày đi Côn Đảo.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đình Ngãi Hữu tiếp tục là nơi tổ chức hội họp của các chiến sĩ cách mạng, đặc biệt vào năm 1961 và năm 1970, 2 ông Trần Văn Mực (Trưởng Công an xã) và Trần Văn Một (Bí thư Chi bộ xã) lần lượt tổ chức họp dân để lấy ý kiến và trừng trị 2 tên Nguyễn Văn Đê (Đoàn trưởng thanh niên) và Phan Văn Nở (Chủ tịch HĐND xã) trong khuôn viên Đình.
Sau sự kiện đó, địch phát hiện việc tổ chức hội họp của tổ chức cách mạng tại Đình, chúng theo dõi và phục kích làm 4 chiến sĩ cách mạng của ta hy sinh, gồm: Nhan Hồng Sơn, Nguyễn Văn Vân, Trần Văn Mực, Trần Văn Một cùng 1 chiến sĩ vô danh khác.
Năm 1982, Đảng ủy, UBND xã Thân Cửu Nghĩa xây dựng Đài tưởng niệm trước sân Đình Ngãi Hữu nhằm tưởng nhớ công ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.
Từ khi xây dựng đến nay, Đình Ngãi Hữu được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, nhưng cùng với thời gian, trụ sở ngôi đình hiện đã xuống cấp nặng. Từ nguồn kinh phí đóng góp của các thành viên, người dân trong xã và một số nhà hảo tâm, Ban Hội hương đình đang tiến hành tu sửa lại ngôi đình.
Hiện tại, Đình Ngãi Hữu còn lưu giữ 2 “Sắc Thần” do vua Tự Đức năm thứ V (1852) đã sắc phong, bao gồm: “Đại càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị tôn Thần” và “Thành Hoàng Bổn Cảnh Sắc phong”.
Kể từ đó đến nay, Ban Hội hương đình duy trì đều đặn lễ cúng tế mỗi năm 2 lần gồm: Lễ Kỳ Yên hay Hạ Điền (16 tháng 6 âl) và Lễ Thượng Điền (16 tháng Chạp âl) nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, các chiến sĩ cách mạng đã có công khai phá cũng như đã cống hiến nhiều xương máu để góp phần mang lại cuộc sống thanh bình cho thế hệ hôm nay; đồng thời cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, nhà nhà hạnh phúc.
VĂN XĨ - ĐỨC HUY