Mỹ thuật Tiền Giang: Tìm kiếm và bồi dưỡng nhiều "cây cọ" trẻ
Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh vừa tiến hành tổng kết Trại Sáng tác mỹ thuật Tiền Giang năm 2014 (diễn ra từ ngày 8 đến 20-11) và tổ chức triển lãm báo cáo thu hoạch, với gần 50 tác phẩm của trại viên, nhằm mục đích bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho các hội viên và cộng tác viên chuyên ngành Mỹ thuật, đặc biệt là các cây cọ trẻ.
TÌM KIẾM NHỮNG GƯƠNG MẶT MỚI
Tháng 2-2012, CLB Mỹ thuật (trực thuộc Chi hội Mỹ thuật Tiền Giang) đã ra mắt, với gần 20 thành viên, chủ yếu là các giáo viên bộ môn Mỹ thuật và sinh viên ngành Mỹ thuật trong tỉnh. Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Tiền Giang cho biết: “Việc thành lập CLB nhằm mục đích tập hợp lực lượng yêu thích hội họa, qua đó phát hiện và bồi dưỡng những tác giả có triển vọng để bổ sung vào lực lượng mỹ thuật tỉnh nhà”.
Nội dung hoạt động chủ yếu của CLB là: Tổ chức sinh hoạt tọa đàm, đào tạo, tập huấn nghề nghiệp nhằm nâng cao tay nghề; tổ chức đi thực tế, phát động sáng tác, tổ chức triển lãm tác phẩm của các thành viên…
Họa sĩ Trần Châu hướng dẫn các trại viên. |
Qua hơn 2 năm hoạt động, CLB Mỹ thuật đã thu hút được đông đảo “cây cọ” trẻ bằng nhiều hoạt động nghề nghiệp rất bổ ích và sôi nổi. Nhiều thành viên trẻ tuổi của CLB bước đầu đã tạo được dấu ấn riêng và khẳng định được mình qua nhiều cuộc thi do tỉnh và khu vực tổ chức.
Tại Cuộc thi Sáng tác mỹ thuật Tiền Giang lần thứ I - năm 2012, do Sở VH-TT&DL phối hợp Hội VH-NT tỉnh tổ chức, tác giả trẻ Ngọc Lành (khi ấy vừa tốt nghiệp lớp Đại học Mỹ thuật) đã xuất sắc đoạt giải Nhất với tác phẩm Thanh long quê tôi. Không lâu sau đó, tác phẩm này của cô đã đoạt giải Ba tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ XVII.
Ham thích vẽ từ nhỏ, nhưng đến khi tham gia lớp Đại học Mỹ thuật, được đào tạo bài bản và được các thầy cô tận tình hướng dẫn, Ngọc Lành mới bắt đầu tập tành sáng tác. Đầu năm 2012, được sự giới thiệu của các bạn cùng lớp, Ngọc Lành tham gia vào CLB Mỹ thuật Tiền Giang và tạo ngay “cú đúp” bất ngờ.
Đến Cuộc thi Sáng tác mỹ thuật Tiền Giang năm 2013, tác giả trẻ Mỹ Dung gây bất ngờ với tác phẩm Chợ quê, đoạt giải Nhì. Cũng trong năm này, Mỹ Dung tiếp tục đoạt giải Ba tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu.
Năm 2014, lại có 2 tác giả trẻ của CLB đoạt giải cao là: Kim Điệp đoạt giải Nhất với tác phẩm Làng nghề và Bảo Việt đoạt giải Ba với tác phẩm Chuẩn bị ra khơi. Tác giả Kim Điệp còn đoạt giải Ba tại Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL tổ chức tại Cà Mau và tác phẩm Làng nghề của chị còn được giới thiệu dự giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam.
Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh cho biết, cuộc thi mỹ thuật được tổ chức hàng năm nhằm tìm kiếm và phát hiện những “cây cọ” mới, tạo không khí thi tài sôi nổi; đồng thời cũng là dịp để giao lưu học hỏi kinh nghiệm sáng tác lẫn nhau, khắc phục những mặt còn hạn chế, tìm hướng chinh phục những đề tài và những thể nghiệm mới.
Những “cây cọ” mới xuất hiện từ các cuộc thi nói trên đa phần là các tác giả trẻ được đào tạo bài bản, đã tạo thêm những “nét son” mới cho hoạt động mỹ thuật tỉnh nhà và đây sẽ là lực lượng kế thừa tốt trong tương lai.
TIẾP THÊM NIỀM ĐAM MÊ
Tham dự Trại Sáng tác mỹ thuật năm 2014, các trại viên đã được Họa sĩ Trần Châu cung cấp nhiều kiến thức, kinh nghiệm cơ bản về ký họa. Trại viên được chăm chút nghề nghiệp không chỉ bằng lý thuyết suông, mà còn được hướng dẫn thực hành với những công việc “bếp núc” cần thiết như việc vận dụng thực tế, chọn lọc chi tiết để đưa vào tác phẩm, chủ đề, màu sắc, bố cục…
Tùy theo sở trường của từng trại viên, Họa sĩ Trần Châu đã có những cách hướng dẫn riêng, hướng trại viên đến những nguyên tắc chung nhưng không phá vỡ cái riêng trong phong cách từng người. Vì thế, khi tham quan phòng triển lãm các tác phẩm tham dự trại, chúng ta thấy có nhiều tranh trùng lắp về đề tài (do cùng đi thực tế tại 1 địa điểm) nhưng trong cách thể hiện vẫn toát lên cái riêng của mỗi tác giả.
Theo anh Nguyễn Văn Thơm, một trong những tác giả tham gia trại sáng tác lần này, việc được tập trung, gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp giúp tình thân bạn bè, tình tri âm tri kỷ sâu đậm hơn, tạo nên chất men kích thích cho ngọn lửa sáng tạo nghệ thuật bùng cháy. Mong sao, Hội VH-NT tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức những đợt sinh hoạt nghề nghiệp bổ ích và thú vị thế này.
Về phía Hội VH-NT tỉnh, Soạn giả Huỳnh Anh cho biết, Chi hội Mỹ thuật đang được Hội quan tâm củng cố tổ chức và có kế hoạch phát triển hoạt động trong thời gian tới. Ngoài lực lượng hội viên hiện có, chi hội sẽ ưu tiên kết nạp lực lượng trẻ để cùng ra sức sáng tạo, tạo bước chuyển biến mới cho hoạt động mỹ thuật của tỉnh nhà.
LÊ VĂN