3 bài thơ của Trịnh Hoài Đức về Tiền Giang xưa
Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) có tên khác là An, tên tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, quê ở trấn Biên (nay là TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), là trọng thần của nhà Nguyễn, từng giữ chức Ký lục dinh Trấn Định (1) vào năm 1794; Thượng thư bộ Hộ, Chánh sứ của đoàn Sứ thần nước ta sang nhà Thanh (Trung Quốc) năm 1802; Hiệp Tổng trấn Gia Định thành 2 lần (năm 1808 và trong 4 năm 1816 - 1819); Thượng thư Bộ Lễ kiêm quản Khâm Thiên giám năm 1812; Thượng thư bộ Lại năm 1813 và từ năm 1820 - 1821 làm Tổng trấn Gia Định thành (năm 1820), hàm Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lại kiêm Thượng thư Bộ Binh (năm 1821) kiêm Thượng thư Bộ Lễ năm 1823, Tổng tài biên sửa Nguyễn triều Ngọc Điệp và Tôn Phả của Hoàng gia.
Trong lúc làm quan to, ông rất liêm khiết, vẫn chưa có nhà riêng, nên năm 1823 vua Minh Mạng cấp cho 2.000 quan tiền và ngói, gỗ để ông dựng nhà ngoài cửa đông kinh thành Huế làm nơi cư trú. Ông là tác giả của nhiều bộ sách, trong đó có bộ sách địa lý học - lịch sử nổi tiếng Gia Định thành thông chí và tập thơ Cấn Trai thi tập.
Trong Cấn Trai thi tập, Trịnh Hoài Đức có 30 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp tiêu biểu nhất ở 30 địa phương thuộc đất Gia Định xưa (Gia Định tam thập cảnh), tương ứng với Nam bộ ngày nay, trong đó có 3 bài thơ viết về đất Tiền Giang xưa, xin được giới thiệu dưới đây:
2 bài thơ Trấn Định xuân canh và Mỹ Tho dạ vũ được sáng tác lúc ông làm Ký lục dinh Trấn Định năm 1794, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, tinh thần lao động hăng say và cuộc sống yên bình, an lạc của nhân dân Tiền Giang xưa:
Bài thứ nhất (Bản dịch thơ của Hoài Anh)
Cày mùa xuân ở Trấn Định
Xuân về bến đẹp bờ tươi,
Ruộng phía nam sức bao người dồn ra.
Tưới thông mương máng chan hòa,
Sau mưa cày gốc cây già bật tung.
Trẻ chăn trâu sáo ngang lưng,
Tiếng chim hòa tiếng ca lừng tiều phu.
Người lớn dệt vải cày bừa,
Rẽ dâu, đứa trẻ cơm đưa ra đồng.
Bài thứ hai (Bản dịch thơ của Huỳnh Minh Đức)
Mưa đêm Mỹ Tho
Hát khúc “trạc anh”, trăng gác tê,
Mưa đêm sông Mỹ kéo lê thê.
Nước giăng Hòe thị, du thành đống,
Mây phủ Tông kiều, trâu bị che.
Bến liễu, lửa chày soi bóng lạnh,
Thành mai, tiếng trống vọng tư bề.
Sáng mai lúa trổ tràn đồng ruộng,
Đâu phải Tang Lâm đợi mưa về.
- Bài thơ Tân kinh thần mục được ra đời trong lúc ông đảm nhiệm chức vụ Hiệp Tổng trấn Gia Định thành. Ông là 1 trong 5 viên quan chỉ huy việc cải tạo kinh Bảo Định theo lệnh của vua Gia Long. Bài thơ được ông sáng tác sau khi công trình được hoàn tất mỹ mãn vào năm 1819.
Bài thứ ba (Bản dịch thơ của Hoài Anh)
Sớm chăn trâu ở tân kinh
Trăng lặn quạ kêu rộn khoảng không,
Tân kinh mục tử ruỗi trên đồng.
Sáo bằng ống sậy vút trời thẳm,
Trâu dẫm đá chìm tới khuỷu sông.
Cỏ tốt bãi bằng, săn cáo tiện,
Dâu xanh bóng mát họp cò đông.
Được mùa ngạo thuở Hy Hoàng nhé,
Để áo, nằm say cạnh khóm hồng.
TUỆ MINH
(1) Dinh Trấn Định được thành lập năm 1781, lỵ sở đặt tại gò Kiến Định (nay thuộc thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Năm 1792, lỵ sở được dời sang thôn Mỹ Chánh - chợ Mỹ Tho (nay là khu vực Chợ Cũ, thuộc các phường 2, 3, 8, TP. Mỹ Tho).