Đình Giai Phú: Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh
Tọa lạc tại ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, đình Giai Phú vừa được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn lưu giữ nét văn hóa độc đáo của ngôi đình Nam bộ xưa và là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giáo dục truyền thống yêu nước, duy trì các phong tục, tập quán tốt đẹp của quê hương, dân tộc.
Đình Giai Phú được xây dựng vào thế kỷ XIX và gọi theo tên làng Giai Phú (nay là ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy), thờ cúng các vị thần linh mà dân làng tín ngưỡng.
Đình còn có tên gọi khác là đình Cả Gáo (đọc trại từ Cái Gáo), do vùng này xưa kia mọc rất nhiều cây gáo - một loại cây lấy gỗ khá phổ biến ở vùng Đồng Tháp Mười.
Đình cũng là nơi để người dân trong vùng tề tựu sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong các ngày lễ, tiết cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi.
Năm 1852, đình được vua Tự Đức ban sắc phong nhưng sắc phong đã bị cháy trong một lần giặc Pháp đốt phá.
Không chỉ là nơi cúng bái của người dân địa phương, đình Giai Phú còn là di tích lịch sử cách mạng của huyện Cai Lậy trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Tại đây đã diễn ra các cuộc hội họp bí mật của phong trào cách mạng, từng là trụ sở Ủy ban Hành chánh kháng chiến huyện Cai Lậy, trụ sở Ủy ban xã Mỹ Thành, trụ sở Tòa án khu 8, trụ sở Mặt trận giải phóng xã Mỹ Thành và là nơi thường xuyên tổ chức các lớp bình dân học vụ. Đình Giai Phú đã nhiều lần bị giặc đốt phá và được dân làng xây cất lại bằng tre lá để tổ chức lễ hội hàng năm.
Năm 1979, ông Nguyễn Văn Vĩnh, một người dân địa phương, đã đứng ra xây dựng lại đình bằng bê tông, mái lợp tôn, nền lát gạch men. Đến năm 2012, ngôi đình được trùng tu khang trang như ngày nay dựa theo kiến trúc nguyên sơ của ngôi đình Nam bộ xưa, với võ ca, chánh điện, nhà khói và sân đình, diện tích 148 m2. Đình thờ Thành hoàng làng và tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ. Ngoài ra, còn có bàn thờ Thần nông, bàn thờ Tiên sư và bia ghi danh 57 liệt sĩ của ấp 5.
Lễ hội đình Giai Phú được tổ chức 3 kỳ trong năm vào ngày 16, 17 tháng 4 (gọi là lễ Hạ Điền), 11, 12 tháng 12 (lễ Thượng Điền) và cúng ốm đau dịch tễ vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Trong lễ cúng, người dân mang xôi gà, heo quay, hương đăng, trà, quả đến tế lễ, có nhạc lễ, trống, mõ nghiêm chỉnh.
Lễ đình được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, không lợi dụng mê tín dị đoan, mang đậm những giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Đây cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, ông cha đã có công khai khẩn mảnh đất này. Hội đình hàng năm thu hút khá đông người dân tham dự.
Qua bao biến động của thời cuộc, đình Giai Phú vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của người dân ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng. Được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là điều kiện để đình Giai Phú được tôn tạo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
TRƯỜNG GIANG