Thứ Tư, 11/02/2015, 14:27 (GMT+7)
.

Nghệ nhân Lê Văn Hạnh:Góp phần tạo tiếng vang cho làng mai nu Thạnh Nhựt

40 năm gắn bó với nghề trồng và chăm sóc hoa kiểng, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Sinh vật cảnh (SVC) xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây), nghệ nhân Lê Văn Hạnh đã không ngừng nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều tác phẩm kiểng cổ, góp phần tạo nên “thương hiệu” cho làng mai nu Thạnh Nhựt.

Ông Hạnh cho biết, ông bắt đầu chơi kiểng khi mới 20 tuổi. Khởi đầu, do không có tiền để mua, sưu tầm những chậu kiểng đẹp nên ông đi bứng cây quýt tàu (kim quýt) mọc theo hàng rào, tìm bẻ nhánh mai nu chiếu thủy (da có nhiều u nần, hình giống mặt khỉ) trong khu mộ của dòng họ Lê (ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt) về trồng và tập uốn, tạo hình.

Sau đó, được ông Phạm Văn Danh (ấp Bình Trung), một “tiền bối” trong nghề mai nu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng, cộng với óc sáng tạo, dần dần ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm tạo hình và phát triển vườn mai nu của mình ngày một nhiều lên.

Ông Hạnh bên cạnh vườn kiểng bon sai mini do ông tạo tác.
Ông Hạnh bên cạnh vườn kiểng bon sai mini do ông tạo tác.

Theo ông Hạnh, để tạo hình cho cây mai nu, nghệ nhân phải tuân thủ nguyên tắc: Thân cây sau khi uốn, ngọn phải nhiễu thẳng xuống trùng với tâm của gốc cây nhằm thể hiện triết lý “Lá rụng về cội” (luôn nhớ về cội nguồn dân tộc).

Việc tạo hình cho một cây kiểng nào đó đều mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc, ví dụ: Bộ kiểng nu tam cang (quân thần cang, phu thê cang, phụ tử cang), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) hay tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh)…

Trong đó, bộ kiểng tam cang, ngũ thường dáng thế đẹp phải có: dáng tổng thể của cây ở trong một tam giác cân, thể hiện sự ngay ngắn, vững bền của gia đình; thân, gốc to, ngọn nhỏ (đầu voi, đuôi chuột) ngụ ý trụ cột gia đình vững chắc, gương mẫu…

Để giúp hội viên cũng như người trồng mai có thể tự sửa và tạo hình cho cây kiểng theo ý muốn, ông Hạnh đứng ra tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, tạo hình miễn phí, cung cấp sổ tay hướng dẫn kỹ thuật trồng kiểng cổ do ông soạn thảo rất dễ hiểu, dễ thực hành.

Theo ông, khái niệm “kiểng cổ” cần phải được hiểu thoáng, chẳng hạn, để trở thành kiểng phải qua bàn tay con người tạo tác và từ cổ ở đây được hiểu là cách sửa, tạo dáng theo lối của người xưa chứ không bắt buộc cây phải to, lớn, nhiều tuổi.

Mặc dù công việc khá tất bật: Mỗi tháng họp hội viên 1 lần; tổ chức cho hội viên giao lưu, tham quan, học tập kinh nghiệm một số chi hội SVC trong, ngoài tỉnh; tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ cây ca cao của xã… nhưng ông vẫn dành thời gian đi giảng về kỹ thuật tạo hình hoa kiểng cho một số địa phương bạn và nhận sửa kiểng thuê cho hội viên, hộ dân có nhu cầu.

Qua bàn tay tạo tác của ông, nhiều chậu mai như được thổi hồn vào và giá trị được nâng lên gấp nhiều lần, trong đó nhiều hội viên, hộ dân (tay ngang chơi kiểng) trong xã đã trở nên khá giả, kiếm được tiền tỷ từ những gốc mai nu, mai vàng… nhờ vào cặp mắt tinh tế cộng với sự chăm chút tận tình của ông. 

Để hỗ trợ hội viên, người trồng kiểng về đầu ra, ông còn có sáng kiến thành lập Tổ hợp tác (THT) kinh doanh hoa kiểng. Được sự thống nhất của Đảng ủy, UBND xã Thạnh Nhựt, sự hỗ trợ của ngành chức năng, trong tháng 7-2013, THT kinh doanh hoa kiểng làng mai nu Thạnh Nhựt ra đời.

THT thực hiện các hoạt động cung ứng giống, kinh doanh hoa kiểng, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng hoa kiểng, nhận ký gửi và chăm sóc hoa kiểng cho hội viên, khách hàng từ lúc gửi đến khi bán được hàng (THT chỉ thu một khoản hoa hồng).

Với vai trò là thành viên THT, ông Hạnh còn giới thiệu, tham gia định giá những chậu kiểng cổ có giá trị nhằm giúp hội viên, người trồng kiểng bán đúng giá, hạn chế tình trạng bán qua trung gian, bị thương lái ép giá.

Ngoài ra, qua gợi ý của Hội SVC tỉnh, cách nay 2 năm, ông Hạnh tiến hành tạo hình cặp kiểng mai nu theo tấm gương mẫu mực của Bác: “Cần, kiệm, liêm, chính” và “Chí công vô tư”. Hiện ông đang gấp rút hoàn thành tác phẩm này để kịp tham gia trưng bày tại Hội hoa Xuân Ất Mùi năm 2015 được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Gò Công Tây.    

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.